Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX

Diễn ra từ ngày 19 đến 22-4-2001 tại Hà Nội, với sự tham dự của 1.168 đại biểu đại diện cho gần 2,5 triệu đảng viên trong toàn Đảng. Đại hội IX của Đảng đã đánh giá chặng đường 71 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII, 15 năm đổi mới, 10 năm thực hiện chiến lược kinh tế-xã hội, rút ra những bài học kinh nghiệm của công cuộc đổi mới, từ đó phát triển và hoàn thiện đường lối, định ra chiến lược phát triển đất nước trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ 21.

Đại hội IX có nhiệm vụ kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng, đề ra phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng ngang tầm với đòi hỏi của dân tộc trong thời kỳ mới; sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng, bầu BCH Trung ương khóa mới.

Đại hội IX có ý nghĩa trọng đại mở đường cho đất nước nắm lấy cơ hội, vượt qua thách thức tiến vào thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới, thực hiện mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Đại hội đã bầu BCH Trung ương khóa IX gồm 150 Ủy viên. Hội nghị lần thứ nhất BCH Trung ương bầu Bộ Chính trị gồm 13 đồng chí, Ban Bí thư gồm 9 đồng chí. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu làm Tổng Bí thư.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X

Diễn ra từ ngày 18 đến 25-4-2006 tại thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của 1.176 đại biểu thay mặt cho hơn 3,1 triệu đảng viên trong toàn Đảng.

Đây là Đại hội của trí tuệ, đổi mới, đoàn kết và phát triển bền vững. Chủ đề của Đại hội là: "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển".

Đại hội X của Đảng có nhiệm vụ nhìn thẳng vào sự thật để kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện thành tựu và những yếu kém, khuyết điểm, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2001-2005), chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2001-2010) và nhìn lại 20 năm đổi mới; từ đó tiếp tục phát triển và hoàn thiện đường lối, quan điểm, định ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm tới (2006-2010); phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng; bổ sung sửa đổi một số điểm trong Điều lệ Đảng....

Một trong những quan điểm mới của Đảng tại Đại hội lần này là đảng viên làm kinh tế tư nhân không giới hạn về quy mô. Việc Đại hội ra Nghị quyết cho phép đảng viên được làm kinh tế tư nhân, kể cả kinh tế tư bản tư nhân là bước tiến quan trọng trong nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam sau 20 năm đổi mới, thể hiện bước đột phá trong thay đổi tư duy của Đảng.

Đại hội đã bầu BCH Trung ương gồm 160 ủy viên chính thức và 21 ủy viên dự khuyết; Bộ Chính trị gồm 14 ủy viên và Ban Bí thư có 8 thành viên. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu lại làm Tổng Bí thư.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI

Diễn ra từ ngày 12 đến 19-1-2011 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) với sự tham dự của 1.377 đại biểu, đại diện cho hơn 3,6 triệu đảng viên sinh hoạt ở gần 54.000 tổ chức cơ sở Đảng.

Chủ đề Đại hội là: "Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại".

Đại hội bầu BCH Trung ương khóa XI gồm 175 Ủy viên chính thức và 25 Ủy viên dự khuyết. BCH Trung ương bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, và Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII

Diễn ra từ ngày 20 đến 28-1-2016 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) với sự tham dự của 1.510 đại biểu, đại diện cho hơn 4,5 triệu đảng viên.

Chủ đề Đại hội là: "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Đại hội có nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và nhìn lại chặng đường 30 năm đổi mới của đất nước; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong 5 năm tới.

QĐND