Sau sự việc ấy, những bài học xương máu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo được Trung ương và các cấp đúc rút; làm cơ sở ban hành nhiều chủ trương, giải pháp mới, sát đúng để an dân và giữ bình yên cho Tây Nguyên trong suốt hai thập niên đổi mới, phát triển. Báo Quân đội nhân dân đã tiến hành khảo sát, tìm hiểu và trân trọng giới thiệu đến bạn đọc loạt bài phản ánh về vấn đề này.

Bài 1: Bóc gỡ thủ đoạn "đánh vào cái bụng" và bài học an dân

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự việc ở Tây Nguyên (năm 2001), nhưng trước hết bắt đầu từ chính những khó khăn của đồng bào DTTS trong những năm cuối thế kỷ 20 nhưng chưa được cấp ủy, chính quyền cơ sở quan tâm, chia sẻ kịp thời. FULRO và các lực lượng thù địch đã lợi dụng ngay cơ hội này. Chúng tập trung “đánh vào cái bụng” của đồng bào, ngụy trang bằng lớp vỏ “thiện nguyện vì dân”, hòng thực hiện những âm mưu, thủ đoạn cơ hội chính trị...

Sự nguy hại của thủ đoạn "đánh vào cái bụng"

Có mặt sớm hơn thời gian hẹn trước, ông Cpa Djhôl, sinh năm 1965, ở thôn Plei Kia, thị trấn Nhơn Hòa (Chư Pưh, Gia Lai) vui vẻ bắt chuyện: “Nghe tin các đồng chí muốn tìm hiểu, tuyên truyền về các hoạt động chống phá của bọn FULRO, tôi nóng lòng chờ đợi từ mấy hôm nay. Dù đã trực tiếp đi vận động, tuyên truyền cho bà con trong thôn, xã không biết bao nhiêu lần, nhưng tôi vẫn mong muốn qua báo chí một lần nữa nói rõ hơn để đồng bào nhiều nơi biết được bộ mặt thật của FULRO và các thế lực thù địch là chỉ chống phá và hại dân mà thôi!”. 

Từng là đối tượng "cộm cán" tham gia bạo loạn năm 2001, sau khi hoàn thành thời gian cải tạo, trở về địa phương, ông Cpa Djhôl đã nhận thức rõ những sai trái, lầm lỡ của mình. Cũng từ đó, ông tích cực tham gia các phong trào do chính quyền phát động, nhiệt huyết tuyên truyền, vận động bà con tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước; không nghe theo kẻ xấu xúi giục.

Khi được hỏi về nguyên nhân khiến ông tham gia biểu tình, gây rối, Cpa Djhôl cho rằng, trước hết là vì bản thân và đồng bào DTTS địa phương bấy giờ vừa thiếu “cái chữ trong đầu”, vừa thiếu cả “hạt cơm trong bụng” nên không nhận thức hết vấn đề. Sau đó, một số người dân đã tham gia gây rối, làm mất an ninh-trật tự ở địa phương, một phần cũng là do ảo tưởng về một khu "tự trị" còn được gọi là “nhà nước Đề Ga”. Lúc ấy, FULRO đã hứa là bà con sẽ không phải làm việc vất vả mà vẫn có cái ăn, cái mặc, cuộc sống sung túc...

Với hơn 90 năm tuổi đời, hơn 60 năm sống và làm việc ở Tây Nguyên, ông Ngô Thành, lão thành cách mạng, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cũng thẳng thắn cho rằng, nguyên nhân sâu xa, gốc rễ dẫn đến bạo loạn đầu năm 2001, bắt đầu từ thực tế đời sống đồng bào các DTTS còn nhiều khó khăn, thiếu thốn... Nắm bắt thực tế đó, các đối tượng FULRO cắt cử lực lượng “tấn công trực diện vào cái bụng” của đồng bào. Đồng thời, chúng chi rất nhiều tiền cho người tham gia biểu tình; kích động đồng bào “vùng lên” để "đòi công bằng", "đuổi người Kinh" về dưới xuôi.

Vào thời điểm đó, dù đất nước đã hòa bình được hơn 25 năm, nhưng đồng bào DTTS Tây Nguyên vẫn còn rất nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, trình độ dân trí thấp. Sau giải phóng, một bộ phận đồng bào DTTS có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền; phung phí trong sinh hoạt...

Trước thực tế đó, từ Trung ương đến cấp ủy, chính quyền các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên đã hoạch định, ban hành nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo. Tuy nhiên, công tác tổ chức thực hiện còn rập khuôn, cứng nhắc. Nhất là trong triển khai các chính sách về giao đất, giao rừng, khoán sản phẩm khiến mâu thuẫn nảy sinh... Đây chính là thời cơ để các đối tượng FULRO lợi dụng, khoét sâu thêm mâu thuẫn trong quần chúng nhân dân.

Giữ dân, an dân từ cơm no, áo ấm

Về xã Ea Tiêu (Cư Kuin, Đắc Lắc)-địa phương mà cách đây 20 năm, đời sống của đồng bào DTTS hầu hết rơi vào cảnh nghèo khó. Và khi mà “cái khó bó cái khôn” đã khiến nhiều người dân nghe theo lời xúi giục của bọn FULRO xuống đường biểu tình.

Đi cùng chuyến xe với chúng tôi, đồng chí Lê Thái Dũng, Bí thư Huyện ủy Cư Kuin cho biết: Bây giờ cuộc sống đã thật sự sang trang; điều kiện sinh hoạt của đồng bào DTTS cơ bản đủ đầy, có của ăn, của để; hiếu hỉ, hội hè, lễ nghi... đều được tổ chức trang trọng, có văn hóa.

Đúng như lời giới thiệu ấy, Ea Tiêu hôm nay là một miền quê trù phú. Từ tuyến Quốc lộ 27, những nhánh đường liên thôn, liên buôn được nhựa hóa, bê tông hóa rộng rãi, thoáng đãng kéo về tận trung tâm xã và kết nối liên hoàn đến 24 thôn, buôn. Hai bên những con đường là vườn cà phê, hồ tiêu xanh mướt; điểm tô bằng màu đỏ của những mái ngói nhà dân và công trình dân sinh kiên cố, hiện đại. Đồng chí Y Min Ênuôl, Bí thư Đảng ủy xã Ea Tiêu giọng tự hào: “Cuộc sống của nhân dân nói chung, 43,3% đồng bào Ê Đê trong xã nói riêng giờ đây đã khác xưa rất nhiều. Toàn xã không còn hộ đói; 95% hộ dân đã có ti vi, 100% gia đình có xe máy, 85% hộ dân có máy cày và phương tiện lao động hiện đại”.

Bác sĩ Bệnh viện Quân y 211 (Quân đoàn 3) khám bệnh miền phí cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Chư Sê (Gia Lai)

Điều đáng mừng là trong nhiều năm qua, ở những miền quê này đã và đang "sinh sôi", "trỗi dậy" nhiều mô hình hỗ trợ, giúp dân phát triển kinh tế hiệu quả. Cùng với việc tận dụng, phát huy tốt các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, người DTTS được cấp ủy, chính quyền trao sinh kế lao động, hoặc bố trí công ăn việc làm tương đối ổn định, tạo nền tảng xóa đói, giảm nghèo bền vững. Nhiều công ty, doanh nghiệp, đơn vị kinh tế-quốc phòng... mạnh dạn mở rộng sản xuất, thu hút lao động người DTTS tại chỗ và xây dựng khu dân cư trên nhiều địa bàn trọng điểm. Tiêu biểu như Binh đoàn 15 thực hiện chính sách ưu tiên tuyển lao động là người DTTS, kết hợp chặt chẽ giữa thu hút lao động, chăm lo hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình nhằm tạo sự yên tâm, gắn bó, bám trụ địa bàn. Đến nay, Binh đoàn 15 có hơn 8.000 lao động là người DTTS tại chỗ, chiếm ½ tổng số lao động của toàn binh đoàn. Cách làm đó không chỉ giúp đồng bào DTTS “no cái bụng” mà còn “ưng cái bụng”, phấn khởi, tự tin gắn bó với quê hương.

Theo Trung tướng Nguyễn Thành Út, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó tư lệnh về Chính trị Quân khu 5 thì các địa phương Tây Nguyên đạt được những bước tiến dài trong công tác xóa đói, giảm nghèo, có một phần nguyên nhân từ việc cấp ủy, chính quyền hiểu rõ một thực tế, rằng: “Chính sự nghèo khó là "mảnh đất màu mỡ" cho FULRO và lực lượng thù địch chống phá. Khi dân đã có cơm no, áo ấm, dù địch có thâm nhập sâu đến mấy thì cũng sẽ bị bật ra”.

Từ quan điểm đó, nhiều chủ trương, giải pháp mới đã được Trung ương và cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành; nhiều cách làm thiết thực được triển khai tích cực, đồng bộ theo phân cấp và “đơm hoa kết trái” từ thực tiễn sinh động. Trong đó, mô hình gắn kết hộ giữa cán bộ với đồng bào DTTS, giữa người Kinh với người DTTS, giữa quân nhân với hộ đồng bào; kết nghĩa giữa các cơ quan, ban, ngành, LLVT, tổ chức chính trị xã hội với các buôn, làng, địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế, hoặc nơi trọng điểm về quốc phòng, an ninh... được khẳng định tính hiệu quả và mang đậm giá trị nhân văn.

Là người có hơn 35 năm gắn bó với Tây Nguyên, trưởng thành từ người lao động, Đại tá Hoàng Văn Sỹ, Tư lệnh Binh đoàn 15 hiểu tường tận ý nghĩa của mô hình liên kết hộ. Đó là giải pháp quan trọng để thực hiện phương châm “lấy ổn định an ninh chính trị làm trọng tâm; lấy đời sống của người dân làm đầu” và quan điểm “lo cho dân như lo cho mình” của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh đoàn 15 trong nhiều năm qua. Nhất quán chủ trương đó, đến nay đã có hơn 4.000 hộ công nhân người Kinh gắn kết với hơn 4.000 hộ đồng bào DTTS, giúp các hộ đồng bào ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó, các công ty, đơn vị của binh đoàn kết nghĩa với 37 xã; 174 đội sản xuất kết nghĩa với 271 thôn, làng.

Đặt lên trên hết mục tiêu “vì nhân dân phục vụ”, trong thời gian qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 5 đẩy mạnh thực hiện mô hình “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”; chỉ đạo 100% đầu mối cơ quan, đơn vị trực thuộc đóng quân trên địa bàn Tây Nguyên tổ chức nhiều hoạt động kết nghĩa, đỡ đầu các buôn, làng, xã, huyện thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Bộ CHQS và Bộ đội Biên phòng các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông... đẩy mạnh giúp dân toàn diện, hướng trọng tâm đến những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, vùng căn cứ cách mạng.

Cùng với đó, hầu hết các ban, ngành, cơ quan, đơn vị sự nghiệp hành chính, tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể trong toàn hệ thống chính trị các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên đều tiến hành kết nghĩa, giúp đỡ các buôn, làng người DTTS. Khảo sát ở tỉnh Đắc Lắc cho thấy, hiện có 137 đơn vị cấp tỉnh kết nghĩa với 149 buôn đồng bào DTTS; 1.354 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học cấp huyện kết nghĩa với 585 buôn người DTTS; 768 ban công tác mặt trận, các hội, tổ chức đoàn thể người Kinh kết nghĩa với 534 ban công tác mặt trận, các tổ chức đoàn thể DTTS. Bên cạnh đó, còn có 1.323 hộ gia đình người Kinh kết nghĩa với 1.323 hộ đồng bào DTTS. Cách làm đó đã tạo ra nguồn lực quan trọng để hỗ trợ đồng bào DTTS xóa đói, giảm nghèo.

Đồng lòng giữ “thế vững lòng dân”

Cuộc sống vật chất từng bước được nâng lên, tạo nền tảng để đời sống tinh thần của đồng bào càng thêm lạc quan, tin tưởng vào công cuộc đổi mới. Đêm ngắn ở lại cùng bà con trong thôn Đak Ơ Nglăng, xã Đăk Tờ Re (Kon Rẫy, Kon Tum), chúng tôi bỗng được nghe lại một ca khúc quen thuộc nhưng với tâm trạng khác lạ khó tả: “Tháng ba mùa con ong đi lấy mật/ Mùa con voi xuống sông hút nước/ Mùa em đi phát rẫy làm nương/ Mùa anh vào rừng đặt bẫy cài chông/ Tháng ba, sớm sớm, mẹ ra rừng theo dấu chân rùa đi tìm nấm mối/ Chiều chiều, cha chọn một góc vườn dậy con trai phóng lao trừ hổ báo...”.

Đại diện Binh đoàn 15 trao bò giống tặng người dân xã Sa Loong (Ngọc Hồi, Kon Tum).

Sau khi đám trai làng kết thúc lời hát, già A Gôm (sinh năm 1955) đưa ánh mắt nhìn về phía ngọn lửa đang rực đỏ, mở giọng rền ấm: “Giờ đây đời sống đồng bào đã tốt hơn ngày trước rất nhiều. Đám thanh niên được định hướng nghề nghiệp, được học tập, trưởng thành; người lớn có đất trồng trọt, chăn nuôi, hoặc trở thành công nhân của nhà máy, xí nghiệp... Không còn nữa kiểu sống theo lối săn bắn, hái lượm, tự cấp, tự túc như thuở hoang sơ trong lời bài hát nữa. Bây giờ cái đói đã rời xa, cái đầu được khôn ra, vui hơn ngày trước rất nhiều!”.

Ghi nhận những đổi thay về chất lượng đời sống của đồng bào các dân tộc tại Tây Nguyên, khi đến thăm các tỉnh Gia Lai và Đắc Lắc vào tháng 11-2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã biểu dương các cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, vào sáng 11-11-2018, phát biểu tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc các thôn, buôn thuộc xã Dur Kmăl (Krông Ana, Đắc Lắc), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tâm huyết căn dặn đồng bào: Không được để gia đình và quê hương nghèo đói, thua kém các miền quê khác. Càng không thể để cái đói, cái nghèo làm lu mờ tình yêu đất nước, hay dẫn lối cho những lầm lỡ như quá khứ đã từng phạm phải.

Lời căn dặn hẳn có cơ sở lý luận và thực tiễn sâu sắc. Bởi lẽ, sau năm 2001, khi mà kẻ địch vẫn ra sức chống phá, họ vẫn rêu rao về một cuộc sống tốt đẹp, giàu có ở nước ngoài và phương trời Tây, kích động đồng bào DTTS vượt biên để đổi đời, để cái bụng không còn đói khát nữa... Những năm gần đây, tại Kon Tum, nơi “tà đạo Hà Mòn” khởi phát, cũng vẫn còn loan đi những lời xúi giục: Chỉ cần cầu nguyện, dâng hoa thì không cần lao động cũng có cái ăn, có cuộc sống sung túc, đủ đầy... Trong khi đó nhiều người đã hiểu: Đó là điều phi thực tế.

Như vậy, xét về thủ đoạn thì lực lượng chống phá vẫn tập trung “đánh vào cái bụng” của đồng bào để lôi kéo, dụ dỗ. Đây là một thủ đoạn đã cũ, nhưng sẽ còn tiếp tục được áp dụng và biến tướng tinh vi, bởi đời sống các DTTS Tây Nguyên ở nhiều nơi vẫn còn đó không ít khó khăn. Cũng đồng nghĩa, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo luôn là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu, góp phần đấu tranh, làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” và âm mưu chống phá cách mạng của các thế lực thù địch. Chính vậy, bài toán "làm gì để xóa đói triệt để, giảm nghèo bền vững, đẩy lùi cận nghèo hiệu quả" vẫn luôn là câu hỏi hóc búa đặt ra không chỉ với cấp ủy, chính quyền các cấp ở Tây Nguyên.

(còn nữa)

Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân