Đồng chí LÒ VĂN TIẾN, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên:
Phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn
Phát huy truyền thống, bài học từ Cách mạng Tháng Tám lịch sử, những năm qua, tỉnh Điện Biên đã đoàn kết thống nhất, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, trong đó việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp có những bước tiến quan trọng. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhờ đó ngành nông nghiệp đã đạt được kết quả tích cực. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh bám sát kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Ðến nay, đã hình thành và phát triển một số hình thức liên kết sản xuất như: Liên kết giữa người dân với người dân qua mô hình hợp tác xã nông nghiệp; giữa người dân, hợp tác xã với các doanh nghiệp... để sản xuất hàng hóa tập trung, phát huy lợi thế của từng địa phương phát triển nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững. Thời gian tới, tỉnh Điện Biên đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ để phát triển ngành nông nghiệp; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn, đặc biệt là tăng cường quản lý đất đai và quản lý nông nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển, nâng cao đời sống cho nhân dân.
PHẠM KIÊN (ghi)
-------
Đại tá LÊ VĂN VIỆT, Phó chính ủy Sư đoàn 330 (Quân khu 9):
Xây dựng bản lĩnh cho cán bộ, chiến sĩ
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2-9 là sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước. Trong dịp lễ kỷ niệm đặc biệt này, cấp ủy, chỉ huy các cấp của Sư đoàn 330 đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức chặt chẽ công tác tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa lịch sử cũng như truyền thống của đơn vị bằng nhiều hình thức, phù hợp với đặc điểm tình hình của đơn vị. Sư đoàn đã làm tốt việc lồng ghép công tác giáo dục chính trị cơ bản với giáo dục truyền thống, từ đó góp phần nâng cao chất lượng tuyên truyền, làm cho cán bộ, chiến sĩ dễ tiếp thu, nâng cao hiểu biết và xây dựng tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Việc phát huy sức mạnh của tập thể và áp dụng linh hoạt các biện pháp giáo dục là cơ sở quan trọng để nâng cao hiểu biết, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng cho cán bộ, chiến sĩ, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
HOÀNG TUẤN (ghi)
 |
Một góc TP Điện Biên Phủ (Điện Biên) hôm nay. Ảnh: VŨ LỢI. |
----------
Anh NGUYỄN VŨ CHIÊN, Phó bí thư Tỉnh đoàn Nam Định:
Tuổi trẻ phải có trách nhiệm với Tổ quốc
Thế hệ chúng tôi và hàng triệu đoàn viên, thanh niên Việt Nam hôm nay may mắn được sinh ra, lớn lên trong hòa bình. Trân trọng, biết ơn và đền đáp những hy sinh, cống hiến của thế hệ cha anh, chúng tôi luôn quan tâm giáo dục truyền thống, lịch sử quê hương, đất nước nhằm khơi dậy niềm tự hào và xây dựng lối sống trách nhiệm cho đoàn viên, thanh niên. Tôi cho rằng, với nhiều điều kiện thuận lợi hiện nay, đoàn viên, thanh niên cần ra sức học tập, tiếp thu tinh hoa tri thức nhân loại; kế thừa, phát huy thành quả của thế hệ đi trước cũng như khả năng sáng tạo, đổi mới và tinh thần xung kích trong mọi lĩnh vực. Song song với đó là chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, trong đó có Luật Nghĩa vụ quân sự; tham gia xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Ngoài ra, trước sự giao lưu mạnh mẽ về văn hóa và tác động tiêu cực của mạng xã hội, đoàn viên, thanh niên cũng phải trang bị kiến thức, rèn luyện bản lĩnh chính trị nhằm tạo "bộ lọc” trước các chiêu trò, thủ đoạn lôi kéo, kích động của thế lực thù địch, phản động.
ĐỨC TUẤN (ghi)
----------
Ông PHẠM VĂN NỮU (99 tuổi, phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình):
Cách mạng mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân
Mặc dù năm nay đã 99 tuổi, nhưng tôi vẫn nhớ mãi về mùa thu lịch sử của 76 năm về trước, khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước nhà giành được độc lập. Trước đó, người dân xã Duy Tân, phủ Thái Ninh, tỉnh Thái Bình (nay là phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình) sống trong cảnh lầm than, bị chính quyền phong kiến, tay sai áp bức, phải đi làm thuê nhưng cũng không đủ ăn. Từ khi giành được chính quyền, người dân xã Duy Tân thi đua sản xuất, nhờ đó đời sống dần ổn định, nạn đói bị đẩy lùi. Tôi nhận thấy rằng, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao, diện mạo mỗi thành phố, mỗi vùng quê ngày càng khởi sắc. Nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đã được triển khai mang lại hiệu quả tích cực, trẻ em được đến trường, người dân sống ấm no, hạnh phúc... Những thành tựu to lớn trên chính là minh chứng sinh động nhất về giá trị của độc lập, tự do, tinh thần đoàn kết của dân tộc.
ĐỨC HUY (ghi)
-----------------
Già làng LÝ VĂN CHÌNH (92 tuổi, bản Xóm Mới, xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ):
Khí thế cách mạng tiếp thêm ý chí, sức mạnh
Tôi còn nhớ, ngày 2-9-1945, khi Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, không khí quê tôi ở xã Suối Bau, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La rất phấn khởi; già trẻ, gái trai đổ ra khắp các nẻo đường, hô vang khẩu hiệu “Hồ Chí Minh muôn năm”... Năm 1969, khi ấy tôi đang là chủ nhiệm hợp tác xã, nhận thấy cuộc sống của đồng bào ở Suối Bau còn nhiều khó khăn, không có ruộng nương, tôi đã băng rừng, xuống núi, tìm được mảnh đất bằng phẳng nay thuộc xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ và quay về động viên bà con “hạ sơn”. Những gian khó ban đầu qua đi, bản làng bắt đầu nhộn nhịp, những vạt ruộng được khai hoang ở nơi ở mới bắt đầu xanh, đồng bào đã quen với việc trồng cây lúa nước, cây khoai, cây rau màu... Những năm tháng còn trẻ, chính khí thế Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 đã tiếp thêm cho tôi ý chí, sức mạnh để đứng lên vận động bà con theo Đảng, tin vào chính quyền, chí thú làm ăn và tin vào tương lai.
HUYỀN TRANG (ghi)