Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, qua tìm hiểu của chúng tôi, Quyết định 140 của Ban TVTU Ninh Bình thể hiện cách làm mới, quyết tâm mới trong thực hiện chủ trương hướng mạnh về cơ sở, cán bộ gần dân, gắn bó với nhân dân, đồng thời từng bước đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể… ở địa phương?

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh: Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định: Đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân; giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, kiến nghị chính đáng của nhân dân... Cùng với tăng cường và đổi mới công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, cần kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn và đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân...

Hướng về cơ sở, gắn bó với nhân dân là một chủ trương đúng đắn, rất quan trọng của Đảng ta. Nhằm thiết thực cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào thực tiễn, ngày 1-3-2016, Ban TVTU Ninh Bình ban hành Quyết định 140 về việc phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách và các doanh nghiệp kết nghĩa với các xã có tính chất đặc thù (là xã có khó khăn, phức tạp về  phát triển kinh tế và an ninh-xã hội); thời gian thực hiện từ năm 2016 đến năm 2020. Cùng với đó, Ban TVTU cũng ban hành Quy định số 141 về việc các cơ quan, đơn vị phụ trách và các doanh nghiệp kết nghĩa với các xã có tính chất đặc thù, trong đó quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan đơn vị và mối quan hệ công tác, nhằm giúp cơ quan đơn vị xác định rõ vị trí, trách nhiệm khi xuống cơ sở. Đây không phải là chủ trương mới, mà là tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng ở Ninh Bình, bằng việc thay đổi tư duy, cách làm, theo hướng đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể...; thực hiện tốt phương châm: Trọng dân, gần dân, hiểu dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân...

PV: Quyết định 140 gồm những nội dung chủ yếu gì và việc triển khai thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh: Theo Quyết định 140 và Quy định 141, Ban TVTU phân công 55 cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh phụ trách và 55 doanh nghiệp kết nghĩa với 55 xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) có tính chất đặc thù trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối với các cơ quan, đơn vị được phân công, định kỳ mỗi tháng ít nhất một lần lãnh đạo cơ quan, đơn vị về xã được phân công phụ trách để theo dõi, nắm tình hình kinh tế, văn hóa-xã hội, an ninh-quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị; nắm diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc của xã đến các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết; theo dõi việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc và đề nghị của xã… Tổ chức tư vấn, hướng dẫn, giúp xã xây dựng chương trình, kế hoạch và tìm các giải pháp hữu hiệu để phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước…; thống nhất với xã được phụ trách về phương hướng, giải pháp khắc phục khó khăn, ổn định đời sống nhân dân và phát triển KT-XH.

Các doanh nghiệp kết nghĩa, căn cứ điều kiện cụ thể của mình để giúp đỡ, hỗ trợ xã đặc thù trong việc dạy nghề, giải quyết việc làm; liên doanh, liên kết trong sản xuất, cùng với xã xây dựng và tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm; tham gia giúp đỡ xây dựng cơ sở hạ tầng… Đây cũng là giải pháp hiệu quả để đưa doanh nghiệp về với nông dân, nông thôn.

Định kỳ hằng quý, 6 tháng, các xã, huyện đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo tình hình ở xã đặc thù; đồng thời phối hợp thực hiện hiệu quả Quy định 141. Hằng năm, Ban TVTU tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm, tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả. Kết quả phụ trách các xã đặc thù là một trong những tiêu chí đánh giá, phân loại hằng năm đối với tập thể, cá nhân cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy quản lý, đồng thời là “thước đo” kết quả xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương và trên địa bàn toàn tỉnh.

PV: Thưa đồng chí, kết quả bước đầu và những kinh nghiệm gì được rút ra qua hơn 5 tháng triển khai thực hiện Quyết định 140 ở Ninh Bình?

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh: Thực hiện sự phân công của Ban TVTU, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động phối hợp với xã và doanh nghiệp kết nghĩa khảo sát, nắm chắc tình hình, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc về phát triển KT-XH, về an ninh trật tự, quốc phòng địa phương, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng nông thôn mới… của xã đặc thù. Đây còn là dịp để các cơ quan, đơn vị được phân công phụ trách xã đặc thù gắn bó, sâu sát cơ sở; hỗ trợ, giúp đỡ cơ sở theo lĩnh vực chuyên môn công tác của mình; thống nhất xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ công việc trọng tâm cần tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ xã trong từng tháng, quý của năm 2016 và những năm tiếp theo.

Việc quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định 140 được chuẩn bị và tổ chức chu đáo, bài bản, công phu, thể hiện trách nhiệm, quyết tâm của Ban TVTU và các cấp ủy trong Đảng bộ Ninh Bình. Hầu hết các cơ quan, đơn vị đều thành lập tổ công tác, tổ giúp việc, phân công một đồng chí lãnh đạo cơ quan trực tiếp chỉ đạo; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, quy định định kỳ hằng tháng về dự sinh hoạt với chi bộ thôn, xóm, phố, hoặc về cơ sở nắm bắt tình hình mọi mặt; đưa nội dung thực hiện Quyết định 140 vào các buổi giao ban hằng tuần, hằng tháng của cơ quan, đơn vị; phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc và đề nghị của xã đến các cấp, các ngành có liên quan giải quyết; đồng thời theo dõi, đôn đốc việc giải quyết.

Nhiều cơ quan, đơn vị đã có các giải pháp, cách làm sáng tạo, đạt được hiệu quả bước đầu như: Hướng dẫn công tác chuẩn bị sinh hoạt theo chuyên đề của các chi bộ thôn, xóm; bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận và nhân rộng mô hình “dân vận khéo”; ký kết chương trình phối hợp hoạt động công tác đoàn thể của xã và đơn vị được phân công phụ trách; tư vấn thực hiện mô hình trồng rau an toàn, mô hình lúa-cá, trang trại, gia trại; tư vấn về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm… Đến giữa tháng 6-2016, tất cả 55/55 cơ quan, đơn vị đã tổ chức hội nghị ra mắt và triển khai thực hiện Quyết định 140 tại cơ sở. Bước đầu, các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp đã hỗ trợ thiết thực, có hiệu quả các xã đặc thù, với tổng trị giá hơn 5 tỷ đồng. Một số cơ quan, đơn vị còn tích cực vận động thêm các doanh nghiệp, con em quê hương có điều kiện chung sức giúp đỡ, hỗ trợ xã phát triển KT-XH, đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới.

PV: Thực tế cho thấy, việc thực hiện Quyết định 140 không chỉ tạo chuyển biến đáng mừng ở các xã đặc thù, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh: Việc triển khai thực hiện Quyết định 140 ở Ninh Bình không chỉ giúp đỡ hiệu quả các xã đặc thù, mà còn góp phần bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ. Qua đó, đội ngũ cán bộ các cơ quan, sở, ngành, đơn vị… của tỉnh, huyện sâu sát, gắn bó và nắm chắc hơn tình hình ở cơ sở, có thêm kinh nghiệm thực tiễn để  tham mưu trúng, đúng, đề xuất các chủ trương, chính sách phù hợp thực tế địa phương, góp phần giải quyết hiệu quả các vấn đề bức xúc, nổi cộm; tạo động lực giúp đội ngũ cán bộ các xã đặc thù đổi mới tư duy, lề lối, tác phong làm việc, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả thực thi công vụ…

Thời gian tới, các cơ quan, đơn vị được phân công phụ trách, các cấp ủy địa phương ở Ninh Bình tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về Quyết định 140; thực hiện tốt phương châm “xã là chính; cơ quan, đơn vị phụ trách là quan trọng; doanh nghiệp là cần thiết”, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại, triển khai mang tính hình thức, kém hiệu quả. Ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy tập trung chỉ đạo đối với các xã đặc thù, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan, đơn vị phụ trách để kịp thời xem xét, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp các xã đặc thù đẩy mạnh phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới.

Việc triển khai thực hiện Quyết định 140 bước đầu tạo khí thế phấn khởi, tin tưởng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ở Ninh Bình, qua đó khẳng định, đây là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, cụ thể, hướng mạnh về cơ sở của Tỉnh ủy Ninh Bình, góp phần đưa nhanh Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXI vào cuộc sống.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

PHẠM LÊ QUANG (thực hiện)