Cùng dự có các đồng chí: Phạm Viết Thanh, Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương; Trương Minh Tuấn, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và đại diện nhiều bộ, ngành Trung ương…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại buổi làm việc với Tập đoàn VNPT.
Tăng trưởng vượt bậc sau tái cấu trúc
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về kết quả triển khai Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 10-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam giai đoạn 2014-2015, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT cho biết: Trong 2 năm qua, Tập đoàn VNPT đã quyết liệt triển khai được một khối lượng công việc khá lớn, cơ bản hoàn thành các mục tiêu đã được đặt ra trong Đề án tái cơ cấu. Theo đó, VNPT đã tái cấu trúc toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin và truyền thông theo mô hình ba lớp “Dịch vụ - Hạ tầng - Kinh doanh” và phân công từng đơn vị thành viên với nguyên tắc “Chuyên biệt - Khác biệt - Hiệu quả” theo ba giai đoạn.
Đồng chí Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT báo cáo kết quả triển khai Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
Sau ba giai đoạn tái cấu trúc, Tập đoàn VNPT đã chia thành ba lớp minh bạch, rõ ràng là VNPT-Net (hạ tầng), VNPT-VinaPhone (kinh doanh), VNPT-Media (dịch vụ/truyền thông). Số lượng nhân viên kinh doanh tăng từ 4.000 lên 15.000 người... Tập đoàn cũng chuyển hướng sang dịch vụ CNTT, thành lập 63 trung tâm CNTT tại 63 tỉnh, thành phố để cung cấp dịch vụ CNTT, phục vụ mục tiêu hướng tới Chính phủ điện tử của Chính phủ. Đối với công tác quản trị nhân lực, Tập đoàn áp dụng mô hình quản trị hiện đại của các tập đoàn viễn thông lớn trên thế giới như thẻ điểm cân bằng, trả lương theo công cụ 3Ps...
Sau tái cấu trúc, các chỉ số tài chính quan trọng như doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước và thu nhập của người lao động của Tập đoàn đều tăng so với trước khi tái cấu trúc. Trong đó, tổng doanh thu hợp nhất giai đoạn 2011-2015 đạt 213.165 tỷ đồng (không bao gồm MobiFone, VnPost, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,7%/năm (riêng giai đoạn 2013-2015 tăng trưởng bình quân 15,7%/năm). Tổng lợi nhuận đạt 34.091 tỷ đồng, đạt 92,1% kế hoạch; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 3,7%/năm (riêng giai đoạn 2013-2015 - giai đoạn trọng điểm tái cơ cấu VNPT - lợi nhuận tăng trưởng bình quân 16%/năm). Tổng lợi nhuận hợp nhất giai đoạn 2011-2015 (không bao gồm MobiFone, VnPost, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) đạt 12.240 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 2,1%/năm (riêng giai đoạn 2013-2015 tăng trưởng bình quân 17,9%/năm).
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn một lần nữa khẳng định: Hiện VNPT đã cơ bản hoàn thành các nội dung của đề án tái cơ cấu và đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Hiện VNPT đã tự sản xuất được toàn bộ các thiết bị đầu cuối khách hàng như modem ADSL, wifi, set top box, điện thoại di động… giúp giảm sự lệ thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài và tăng cường an toàn thông tin trên mạng. Bộ TT&TT đánh giá cao nỗ lực của VNPT và đề nghị VNPT tiếp tục đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này.
VNPT và Ngành viễn thông phải là ngành kinh tế mũi nhọn
Sau khi nghe báo cáo của VNPT và ý kiến của các bộ, ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong quá trình tái cấu trúc của Tập đoàn VNPT. Phát biểu chỉ đạo trong buổi làm việc với Tập đoàn VNPT, Thủ tướng đề nghị VNPT và Ngành viễn thông phải tiếp tục duy trì và phấn đấu là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp ngày càng nhiều và quan trọng hơn trong sự phát triển chung của đất nước.
Đánh giá kết quả tái cơ cấu của VNPT là thành công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thành tựu này có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Ghi nhận những kết quả khá toàn diện từ quá trình tái cơ cấu của VNPT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong quá trình tái cơ cấu, Tập đoàn đã coi trọng khoa học công nghệ, giúp năng suất lao động tăng cao và giá trị gia tăng cũng nâng lên. Việc tái cơ cấu được thực hiện theo đúng mô hình chuỗi giá trị hiện đại, giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ. Do đó hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh tăng lên, vốn Nhà nước không những được bảo đảm mà còn phát triển. Tập đoàn cũng có mối quan hệ chặt chẽ với các địa phương, đặc biệt là việc tham gia xây dựng thành phố thông minh tại TP Hồ Chí Minh. Hiện hạ tầng viễn thông do VNPT xây dựng và quản lý đứng vào top 10 quốc gia hiện đại của thế giới.
Về định hướng phát triển của VNPT trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị, Tập đoàn VNPT chú trọng sản xuất công nghiệp công nghệ cao, hạn chế nhập khẩu. Tái cơ cấu phải chú trọng đội ngũ lao động trực tiếp và lao động bán hàng để cải thiện đời sống người lao động. Cùng với đó, cần phát huy tinh thần đoàn kết nội bộ, công tác xây dựng Đảng, nhất là đoàn kết trong tập thể lãnh đạo.
Chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục của VNPT, Thủ tướng cho rằng, VNPT chưa hoàn thành cơ bản, toàn diện tái cơ cấu kỹ thuật số, quá trình tái cơ cấu vẫn còn một số vấn đề, nhất là đối với khối trường học, bệnh viện trực thuộc. Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu VNPT nâng cao hơn nữa năng suất lao động cùng với đó là chú trọng đảm bảo an ninh an toàn mạng; triển khai hiệu quả hơn các giải pháp đảm bảo có lãi, bảo tồn vốn Nhà nước, nhất là hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao. VNPT cần phấn đấu đứng đầu trong thị trường viễn thông Việt Nam, nhất là hạ tầng viễn thông băng rộng và mạng lưới vệ tinh; cùng với đó là phát triển viễn thông di động, đưa mạng VinaPhone đạt tầm quốc tế và khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, VNPT tham gia tích cực vào xây dựng chính phủ điện tử; nâng cao chất lượng, mở rộng đường truyền của mạng truyền dữ liệu chuyên dùng của Đảng, Nhà nước đến cấp xã; bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh cho mạng truyền dữ liệu quan trọng này; sử dụng mạng truyền dữ liệu chuyên dùng để kết nối, liên thông văn bản điện tử, tổ chức hội nghị truyền hình trực tuyến từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan các sản phẩm của dịch vụ di động vệ tinh VinaPhone – S.
Trong thời gian tới cần hoàn thành sớm các nội dung còn lại như: Ban hành Quy chế tài chính Tập đoàn, Điều lệ tổ chức và hoạt động của các công ty con trong tập đoàn. Hoàn thành việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư phát triển của Tập đoàn giai đoạn 2016-2020; trong đó chú trọng lựa chọn công nghệ hiện đại, đầu tư có trọng điểm vào lĩnh vực có hiệu quả cao; phấn đấu để có các sản phẩm công nghiệp viễn thông của VNPT.
Nỗ lực cao hơn nữa để tăng lợi nhuận, doanh thu, nộp ngân sách Nhà nước, trong giai đoạn 2016-2020. Nghiên cứu, xây dựng phương án cổ phần hóa VNPT trong giai đoạn 2016-2020 nhằm thu hút nguồn lực để đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tiếp tục giữ vai trò là đơn vị chủ lực của Ngành viễn thông, công nghệ thông tin của đất nước; đổi mới mô hình của các doanh nghiệp để bộ máy tinh gọn, hiệu quả, nhạy bén trong điều kiện một thị trường viễn thông cạnh tranh, hội nhập.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu bấm nút khai trương dịch vụ di động vệ tinh VinaPhone-S.
* Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khai trương dịch vụ Vinaphone - S do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng Công ty Dịch vụ Viễn Thông VNPT VinaPhone tổ chức. Đây là dịch vụ vệ tinh đầu tiên được một nhà mạng của Việt Nam đưa vào khai thác; đáp ứng nhu cầu liên lạc trên toàn bộ không gian lãnh thổ Việt Nam gồm cả vùng biển, vùng trời, biên giới, hải đảo…Vinaphone - S có vùng phủ rộng lên đến 2/3 thế giới. Sau khi đưa vào khai thác, dịch vụ này là một giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ hoạt động của các lực lượng kiểm lâm, kiểm ngư, hải cảnh, ngư dân và những người dân sinh sống tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo; đặc biệt đây là loại hình thông tin liên lạc hữu hiệu trong trường hợp thiên tai, địch họa, cứu hộ, cứu nạn… Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, VinaPhone-S giúp đảm bảo thông tin liên lạc xuyên suốt cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng, ngư nghiệp, vận tải quốc tế, xây dựng, du lịch. Đối với cá nhân, dịch vụ VinaPhone-S sẽ là bước tiến đột phá đối với những khách hàng thường xuyên di chuyển, làm việc tại các vùng không có sóng di động như ngư dân, cán bộ giàn khoan, cán bộ kiểm lâm, lực lượng tuần tra duyên hải…
Bài, ảnh: VĂN PHONG