Quy chế dân chủ ở cơ sở đi vào thực chất
Đánh giá kết quả nổi bật thực hiện QCDC ở cơ sở, các ý kiến trao đổi và tham luận tại Hội nghị tổng kết việc thực hiện QCDC ở cơ sở năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 do Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện QCDC ở cơ sở tổ chức mới đây thống nhất đánh giá: Việc phát huy dân chủ trực tiếp và gián tiếp của nhân dân được thực thi hiệu quả trong mọi hoạt động của đời sống xã hội; từ việc cụ thể hóa chủ trương của Đảng đến đổi mới hoạt động của cơ quan nhà nước, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), tổ chức chính trị-xã hội các cấp; qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH. Kết quả ấy được minh chứng trong thực tiễn ở nhiều địa phương.
Thời gian qua, trên địa bàn TP Điện Biên Phủ (Điện Biên) triển khai nhiều dự án trọng điểm, đặc biệt là dự án nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên. Trước đó, do chưa tìm được tiếng nói đồng thuận từ nhân dân, không ít kiến nghị, phản ánh, đơn thư chưa được giải quyết thỏa đáng, dẫn đến các dự án chậm tiến độ do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Đồng chí Lê Minh Điệp, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Điện Biên Phủ chia sẻ: "Phát huy tinh thần dân chủ, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, Thành ủy đã thành lập các tổ công tác dân vận giải phóng mặt bằng, tiến hành họp dân, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng mục đích, ý nghĩa, cơ chế, chính sách các dự án. Bằng hình thức đối thoại và giải quyết kịp thời đơn, thư khiếu nại, quan tâm xử lý những vụ việc phức tạp, cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, cuối năm 2021, tức sau 7 tháng, UBND tỉnh Điện Biên đã giao đủ 149,75ha đất mặt bằng cho dự án nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên; giải quyết tái định cư cho hơn 1.300 hộ dân; dự án đường 60m hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng".
Hay như tỉnh Bắc Ninh cũng là một điển hình thực hiện tốt QCDC trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Số liệu báo cáo cho thấy, từ năm 2016 đến 2021, nhân dân tỉnh Bắc Ninh đóng góp hơn 200.000 ngày công lao động, khoảng 46 tỷ đồng, hiến hơn 17.000m2 đất xây dựng hạ tầng nông thôn. Hiện 100% số xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện và nâng cao. Có được kết quả ấy là nhờ việc thực hiện QCDC ở cơ sở đã và đang được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ở địa phương triển khai hiệu quả, nền nếp. Hằng năm, ban chỉ đạo các cấp xây dựng kế hoạch thực hiện QCDC; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương gắn thực hiện QCDC với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị. Trong quá trình thực hiện, các cấp ủy đảng chú trọng phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội.
 |
Tổ tuyên truyền lưu động phổ biến kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 cho dân bản ở xã Mường Mươn (Mường Chà, Điện Biên). Ảnh: PHẠM KIÊN.
|
Đồng chí Nguyễn Lam, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện QCDC ở cơ sở, nhấn mạnh: "Việc thực hiện QCDC ở cơ sở đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, tạo thành sức mạnh to lớn của nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH của đất nước, vun đắp một xã hội công bằng, tiến bộ và ngày càng thịnh vượng".
Theo Báo cáo tổng kết thực hiện QCDC ở cơ sở của Ban chỉ đạo Trung ương, năm 2021, việc thực hiện QCDC được phát huy, mở rộng trên các lĩnh vực ở cơ sở. Dân chủ ở xã, phường, thị trấn thực hiện nền nếp ở hầu hết các địa phương. Nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân theo luật định. Thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập được đại đa số người đứng đầu cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong chỉ đạo, điều hành hoạt động. Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc có những chuyển biến tích cực, giải quyết hài hòa lợi ích, bảo đảm đời sống người lao động và hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Tăng cường vai trò lãnh đạo các cấp
Bên cạnh những kết quả đạt được, năm vừa qua, việc thực hiện QCDC ở cơ sở được Ban chỉ đạo Trung ương đánh giá vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế ở cấp cơ sở. Qua đo lường, đánh giá chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020 (công bố tháng 5-2021) cho thấy, ở cả 6 dịch vụ hành chính công được khảo sát đều có tình trạng người dân, tổ chức phải trả thêm tiền ngoài phí, lệ phí theo quy định. Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết dứt điểm, tiềm ẩn những điểm nóng (trên 60% liên quan đến đất đai); đặc biệt, xảy ra một số vụ việc tiêu cực liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống dịch và đời sống của nhân dân. Tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn diễn ra tại một số nơi; thủ tục hành chính có cải thiện nhưng vẫn còn gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Nguyên nhân là bởi công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở của một số cấp ủy, chính quyền chưa quyết liệt, thiếu kiểm tra, đôn đốc. Hoạt động của ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa chủ động. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến việc thực hiện QCDC ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên.
Để tạo sự đồng thuận, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện QCDC ở cơ sở xác định năm 2022: Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên về thực hiện QCDC ở cơ sở, gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tiếp tục phát huy dân chủ trong Đảng làm trung tâm, mở rộng dân chủ trên các lĩnh vực đời sống xã hội; nêu cao vai trò gương mẫu của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên trong thực hành dân chủ. Phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội trong thực hiện quyền làm chủ của nhân dân; đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân...
Các ý kiến, tham luận tại Hội nghị tổng kết thực hiện QCDC ở cơ sở năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 cũng đề xuất các giải pháp thiết thực. Theo đó, đối với Bộ Chính trị, Ban Bí thư: Xem xét, kiện toàn Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện QCDC ở cơ sở theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Đối với Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ: Tiếp tục quan tâm chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền rà soát những quy định pháp luật còn vướng mắc, chồng chéo; có lộ trình sửa đổi, bổ sung kịp thời các điều, khoản luật không phù hợp yêu cầu thực tiễn. Quan tâm chỉ đạo việc đối thoại, tiếp xúc công dân, doanh nghiệp trong xây dựng môi trường chính quyền điện tử, xã hội số bảo đảm thực chất, giải quyết được các vấn đề tổ chức, công dân quan tâm, phản ánh.
PHẠM KIÊN