Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào (5-9-1962 / 5-9-2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (18-7-1977 / 18-7-2022) giữa hai nước, Báo Quân đội nhân dân giới thiệu vệt bài nhìn lại mối quan hệ đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam-Lào.

Bài 1: Mốc son chói lọi

Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 5-9-1962 cũng như ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vào ngày 18-7-1977 là những mốc son chói lọi đánh dấu bước phát triển trong lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, khẳng định sự gắn bó vận mệnh của hai dân tộc trong đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng phát triển đất nước phồn vinh theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Truyền thống gắn kết

Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng, gần gũi bên nhau như làng trên xóm dưới. Thành ngữ Việt Nam có câu láng giềng "tối lửa tắt đèn có nhau”, tương tự như cách nhân dân Lào gọi nhân dân Việt Nam là “bankay huonkhieng” (bản kề, nhà cạnh). Nhà thơ Lào Vilay Keomany trong bài thơ “Hai anh em sinh đôi” cũng từng miêu tả rất sinh động: Anh ở bên kia, tôi ở bên này/ Chung một dãy Trường Sơn hùng vĩ.

Mối quan hệ gắn kết anh em giữa hai dân tộc vốn được hình thành và hun đúc trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước ngày càng mở rộng, phát triển, được nâng lên về chất kể từ khi có sự ra đời và lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Đông Dương, sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện thân mật với đồng chí Kaysone Phomvihane, trưởng đoàn đại biểu Đảng và Mặt trận Lào yêu nước sang thăm Việt Nam, năm 1966. Ảnh tư liệu 

Những chủ trương đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương đã soi đường cho nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào phát huy mạnh mẽ tinh thần độc lập, tự chủ và sức mạnh của mỗi dân tộc, đồng thời tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa nhân dân hai nước cùng tiến lên trong sự nghiệp đánh đuổi kẻ thù xâm lược.

“Hai nước Lào và Việt Nam có truyền thống yêu thương gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau một cách mật thiết, đồng cam cộng khổ trong suốt nhiều thập niên đấu tranh cứu quốc và bảo vệ Tổ quốc. Hai dân tộc đã cùng nhau sát cánh chiến đấu, từng bước đánh thắng kẻ thù để tới ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời và ngày 12-10-1945, Chính phủ Lào Issara tuyên bố nền độc lập của Lào”, Đại sứ Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang khẳng định với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

Sự ra đời của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chính phủ Lào Issara là cơ sở đưa tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước Việt Nam-Lào lên tầm liên minh chiến đấu. Ngay sau khi giành được chính quyền, Chính phủ hai nước đã ký Hiệp ước tương trợ Lào-Việt vào ngày 16-10-1945 và Hiệp định về tổ chức Liên quân Lào-Việt vào ngày 30-10-1945-những văn kiện chính thức đầu tiên tạo cơ sở pháp lý để hai nước Việt Nam-Lào hợp tác và đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mối quan hệ đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của quân và dân hai nước tiếp tục được củng cố và phát triển ngày càng sâu đậm. Sau những thắng lợi quan trọng cả về chính trị, quân sự, ngoại giao của cách mạng Lào, việc Hiệp định Geneva năm 1962 về Lào được ký kết mở ra thời kỳ phát triển mới cho cách mạng hai nước Lào và Việt Nam. Với thời cơ và điều kiện thuận lợi đó, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 5-9-1962.

Sự kiện này, như đánh giá của Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ Việt Nam-Lào thời kỳ hiện đại. “Ngay sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, tại cuộc họp với quân đội Lào, Hoàng thân Souphanouvong đã nói: “Sau khi đặt quan hệ ngoại giao với các nước, chúng ta có thêm nhiều bạn bè, nhưng người bạn cùng sống chết, chung một chiến hào với ta chỉ có Việt Nam”. Kể từ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân hai nước Việt Nam-Lào anh em càng gắng sức hỗ trợ nhau, kề vai sát cánh trong công cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung”, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

Xác định “Đông Dương là một chiến trường”, cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung trong giai đoạn 1945-1975 chứng kiến hai dân tộc Việt Nam và Lào luôn kề vai sát cánh bên nhau, đồng cam cộng khổ, vừa là thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, vừa là vì lợi ích của mỗi quốc gia như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giúp bạn là tự giúp mình”.

Bất chấp những thử thách khắc nghiệt, đầy hy sinh, gian khổ, dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, liên minh đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt Nam-Lào đã anh dũng đưa sự nghiệp cách mạng giành độc lập dân tộc của hai nước đi tới thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975 với chiến thắng ngày 30-4-1975 của nhân dân Việt Nam và sự ra đời của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vào ngày 2-12-1975. Qua quá trình liên minh đoàn kết chiến đấu, hai dân tộc Việt Nam-Lào càng thêm tin tưởng, gắn bó, tạo nền móng vững chắc để phát triển quan hệ đoàn kết đặc biệt trong thời kỳ lịch sử mới.

Phù hợp với chuyển biến của thời cuộc

Sau khi hai nước được giải phóng hoàn toàn vào năm 1975, quan hệ Việt Nam-Lào bước sang một trang hoàn toàn mới: Từ liên minh chiến đấu chung một chiến hào sang hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia có độc lập, chủ quyền. Lúc bấy giờ, Việt Nam và Lào cùng phải đối diện với không ít khó khăn. Theo Đại sứ Nguyễn Bá Hùng, hai nước đều phải ra sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh; nền kinh tế của Việt Nam và Lào về cơ bản đều là nền kinh tế nông nghiệp có trình độ canh tác, năng suất và sản lượng rất thấp; tư duy lãnh đạo kinh tế còn mang nặng tính tập trung bao cấp từ thời chiến...

Tình hình quốc tế lại có những chuyển biến phức tạp. Các thế lực thù địch trong nước và bên ngoài câu kết, tìm cách chia rẽ Lào với Việt Nam, Việt Nam với Lào. Đặc biệt, sau khi quân đội và chuyên gia Việt Nam rút về nước đầu năm 1976 theo thỏa thuận giữa hai Đảng và Chính phủ hai nước, các thế lực phản động trong nước Lào, với sự hỗ trợ của các thế lực thù địch quốc tế, đã hoạt động nổi dậy ở nhiều nơi, gây nên những nguy cơ bất ổn về an ninh chính trị của Lào.

“Tình hình đó đặt ra yêu cầu phải phát triển và thắt chặt quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào phù hợp với chuyển biến của thời cuộc”, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng nêu rõ.

Kết quả, nhân chuyến thăm chính thức Lào của đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Chính phủ Việt Nam do Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu, hai nước đã ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vào ngày 18-7-1977.

Hiệp ước nêu rõ hai bên cam kết ra sức bảo vệ và phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, không ngừng tăng cường tình đoàn kết và tin cậy, hợp tác lâu dài và giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt trên tinh thần của chủ nghĩa quốc tế vô sản và theo nguyên tắc hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

“Hiệp ước có giá trị trong 25 năm và sẽ được mặc nhiên gia hạn thêm từng 10 năm nếu một trong hai bên không thông báo cho bên kia muốn hủy bỏ Hiệp ước ít nhất là một năm trước khi hết hạn. Đây là Hiệp ước toàn diện, mang tính chiến lược lâu dài, tạo cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng để củng cố và tăng cường lâu dài tình đoàn kết, mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào.

Việc ký kết Hiệp ước là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ giữa hai nước, đồng thời có ý nghĩa quốc tế quan trọng, nêu cao tinh thần quốc tế trong sáng giữa hai nước đang cùng hướng tới mục tiêu chủ nghĩa xã hội và phát huy ảnh hưởng tích cực trong khu vực”, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng khẳng định.

(còn nữa)

HOÀNG VŨ