“Lợi ích nhiệm kỳ” chi phối công tác cán bộ

Một trong những biểu hiện nổi cộm nhất, gây ra hệ lụy nhiều nhất của “tư duy nhiệm kỳ” là để lợi ích nhóm chi phối trong công tác cán bộ. Những người có “tư duy nhiệm kỳ” thường có biểu hiện (thường là ngấm ngầm, tinh vi) liên kết bè cánh cục bộ, chủ động đưa người thân quen vào ê kíp lãnh đạo, quản lý, tạo thành “cánh hẩu” để đưa ra những chương trình, dự án chỉ làm lợi cho một “nhóm lợi ích”. Những năm gần đây, một số cán bộ lãnh đạo trước khi về hưu đã bổ nhiệm nhiều người thân quen giữ các chức vụ khiến dư luận không khỏi bức xúc. Việc nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp vụ và tương đương trong cơ quan này cách đây 5 năm; hay gần đây, một vị bộ trưởng đã bổ nhiệm người thân của mình vào chức vụ quan trọng trước khi về hưu, dù được biện minh là “đúng quy trình” nhưng vẫn không thuyết phục được dư luận, không thể nói là không dính dáng đến “tư duy nhiệm kỳ”.

Đáng nói nhất là vụ việc liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh. Ông này là một ví dụ điển hình về việc “chạy”. Khi làm chủ doanh nghiệp thì để doanh nghiệp làm ăn thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng nhưng vẫn “chạy khen thưởng” để đơn vị đạt danh hiệu Anh hùng Lao động. Khi cơ quan thanh tra, kiểm toán phát hiện doanh nghiệp làm ăn thua lỗ do sai phạm trong công tác quản lý, thì tìm cách “chạy” để trốn tránh tội. Khi đã “chạy tội” được rồi thì lại ra sức “chạy chức” để leo lên những vị trí cao hơn và sau đó “chạy luân chuyển” để sang địa bàn công tác khác nắm giữ trọng trách mới ở địa phương, thậm chí đã tìm cách vượt qua mọi sự thẩm định khắt khe của các cơ quan chức năng để có một “lý lịch sạch” nên mới được bầu là đại biểu Quốc hội khóa XIV. Việc ông này đã biết “siêu chạy” ở nhiều cửa, nhiều cấp, nhiều cơ quan, khiến dư luận phải thốt lên rằng: Việc “lọt” qua các “cửa chạy” đó chắc chắn xuất phát từ “tư duy nhiệm kỳ” chi phối và “lợi ích nhóm” can thiệp của những người có trách nhiệm tại các cơ quan liên quan ở Trung ương và địa phương!

Theo lẽ thường, việc lựa chọn, sử dụng, bố trí nhân sự là công việc của cấp ủy Đảng và cần phải “sàng lọc” chặt chẽ qua các khâu giới thiệu, bàn bạc, thảo luận để tập thể cấp ủy cân nhắc, quyết định theo quy định của Đảng. Thế nhưng, theo phân tích của GS, TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp Hội đồng Lý luận Trung ương: “Có một thực tế bất thành văn vẫn thường diễn ra với những giao dịch, thỏa thuận ngầm, những quan hệ thân quen, nể nang, những chi phối ràng buộc lẫn nhau trong việc lựa chọn người. Đã từ lâu vẫn tồn tại kiểu cơ chế vô hình, bất thành văn, đó là cơ chế “xin-cho”, tác động rất mạnh vào việc hình thành nhân sự. Trong nền kinh tế thị trường, điều đó còn dễ bị chi phối bởi sức mạnh của đồng tiền, mà sự thật phũ phàng của nó hiển lộ ngày một rõ: Quyền đẻ ra tiền, tiền mua được quyền, quyền và tiền định hình thành danh và lợi”.

Là một trong những thành viên giúp việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng, Ban Tổ chức Trung ương, nhìn nhận: “Tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm hoặc bị các mối quan hệ xã hội khác chi phối, nên công tác cán bộ vẫn chưa phản ánh đúng, chính xác về năng lực của cán bộ, ảnh hưởng đến chất lượng chung của công tác cán bộ”.

Tác hại ghê gớm, hậu quả khôn lường

“Tư duy nhiệm kỳ” không chỉ làm phá vỡ các quy hoạch chung của đất nước, kìm hãm sự phát triển của dân tộc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, mà còn làm biến dạng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và dễ dẫn đến tình trạng “mạnh ai nấy làm” theo kiểu “anh hùng nhất khoảnh”, chỉ biết lợi ích cá nhân, địa phương, ngành, lĩnh vực, cơ quan, tổ chức mình, mà không tính, không nghĩ đến lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội.

Dưới góc độ của một nhà nghiên cứu lý luận chính trị, GS, TS Hoàng Chí Bảo chỉ rõ: “Tư duy nhiệm kỳ” với những biểu hiện không lành mạnh, bắt nguồn sâu xa từ động cơ cá nhân, từ chủ nghĩa cá nhân tệ hại-vụ lợi và vị kỷ; đồng thời, là hệ quả trực tiếp của những thiếu sót, yếu kém, lạc hậu, thậm chí cả những sơ hở, sai lầm trong cơ chế tổ chức và chính sách cán bộ của chúng ta kéo dài lâu nay”.

TS Nguyễn Minh Phong, một chuyên gia kinh tế nhận định: “Tư duy nhiệm kỳ làm cho nguồn lực của đất nước bị tiêu tán, sức mạnh quốc gia dân tộc bị lung lay và làm giảm tính hấp dẫn môi trường đầu tư của đất nước. Sự cố kết của các nhóm lợi ích với các nhà hoạch định chính sách theo “tư duy nhiệm kỳ” dễ dẫn tới các hành vi tham nhũng hoặc trục lợi, vun vén cá nhân. Đó là những biểu hiện tha hóa trong sử dụng quyền lực nhà nước, quyền lực chính trị ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực, vượt ra ngoài khuôn khổ của pháp luật, ăn bám trong quá trình phát triển và tái cơ cấu kinh tế, phá vỡ trật tự, kỷ cương, làm băng hoại các giá trị truyền thống trong các quan hệ cộng đồng và quan hệ trong xã hội công dân”.

Thực tế cho thấy, “tư duy nhiệm kỳ” là “con đẻ sinh đôi” với “quốc nạn” tham nhũng, lãng phí và tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và là “mảnh đất màu mỡ” cho tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” càng có cơ hội “nảy nở” trong bộ máy chính trị. Những người có tư tưởng “tư duy nhiệm kỳ” thường tìm mọi cách để “ý chí hóa cá nhân” vào chủ trương lãnh đạo của tập thể cấp ủy, nên có nghị quyết ra đời tuy mang danh là “tập thể lãnh đạo”, nhưng thực tế nghị quyết đã bị “tư duy nhiệm kỳ” và “lợi ích nhóm” dẫn dắt. Vì vậy, không ngẫu nhiên mà cách đây 5 năm, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI), ngày 10-10-2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý rằng: “Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư phải có tầm nhìn xa, không bị “tư duy nhiệm kỳ”, tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay “lợi ích nhóm” chi phối”.

Phải có giải pháp đồng bộ để triệt tiêu tận gốc “tư duy nhiệm kỳ”

Các cấp, các ngành, các địa phương đang triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và nghị quyết đại hội Đảng bộ cấp mình nhiệm kỳ 2016-2021. Muốn khắc phục “tư duy nhiệm kỳ” thì không chỉ đòi hỏi nỗ lực bỏ qua tham vọng vụ lợi, háo danh, chủ nghĩa cá nhân của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; mà cần phải có những cơ chế, chế tài đủ mạnh để “bịt chặt” các “lỗ hổng”, không cho mặt trái của “tư duy nhiệm kỳ” phát sinh, lây lan.

Về mặt chính trị, theo Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Bá Dương, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự (Bộ Quốc phòng), phải tiếp tục thực hiện thật tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, đẩy mạnh nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế thực hành dân chủ của người dân, bảo đảm hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi hơn nữa để mọi người dân đều có quyền tham gia bàn bạc, thảo luận, góp ý kiến vào công việc của các cấp ủy Đảng và chính quyền, tránh tình trạng quyền lực chỉ tập trung vào một số người nên rất dễ bị “tư duy nhiệm kỳ” chi phối. Bên cạnh đó, phải tăng cường minh bạch hóa thông tin, đề cao trách nhiệm giải trình của những người liên quan đến việc ban hành chủ trương, chính sách, luật pháp và thực thi nhiệm vụ quản lý xã hội. Mặt khác, gắn với xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, phải chú trọng quan tâm chăm lo xây dựng Đảng thật sự trong sạch về đạo đức. Trong đó, ngoài việc làm tốt công tác giáo dục để làm chuyển biến ý thức, trách nhiệm, thì cần có những biện pháp hành chính chặt chẽ để yêu cầu cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp phải sống, làm việc có liêm sỉ, trọng danh dự, đề cao tinh thần “dĩ công vi thượng”, tôn trọng đạo đức công vụ và luật pháp, triệt tiêu tận gốc những mầm mống của chủ nghĩa cá nhân.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, cùng với xây dựng cơ chế bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc để không cho “tư duy nhiệm kỳ” chi phối, trong quản lý vĩ mô, cần phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, nhất quán về chủ trương, chính sách, luật pháp, từng bước hạn chế và tiến tới xóa bỏ cơ chế "xin-cho"; kiên quyết khắc phục những tàn dư của thời kỳ quan liêu bao cấp trong chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ; không để các ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, tổ chức tự ý, tùy tiện làm xáo trộn quy hoạch phát triển chung của xã hội, đất nước.

Thực tế cho thấy, nguồn lực quốc gia rất dễ bị “chia năm xẻ bảy”, lợi ích chung của đất nước rất dễ bị xâm hại, “xâu xé” nếu như địa phương nào, ngành nào, lĩnh vực nào cũng chỉ tính đến lợi ích cục bộ của địa phương, ngành, lĩnh vực mình và mỗi nhiệm kỳ của các cấp lãnh đạo là một thời kỳ “tân quan, tân chính sách”, tự ý tạo ra những “lãnh địa riêng” hoặc vẫn còn những cán bộ lãnh đạo quản lý mang nặng tâm lý, tư tưởng hành xử như những “ông vua con”-như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng cảnh báo.

Công bằng mà nói, không phải “tư duy nhiệm kỳ” nào cũng gây ra hệ lụy tiêu cực nếu như các ngành, lĩnh vực, địa phương có được những cán bộ lãnh đạo quản lý có tư duy đột phá, tầm nhìn sáng suốt, công tâm; có tinh thần tự nguyện hy sinh lợi ích cá nhân, đề cao lợi ích tập thể và cộng đồng; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo để cùng tập thể lãnh đạo đề ra những quyết sách, việc làm đột phá, góp phần vào sự phát triển không chỉ ở ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách, mà còn đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

“Tư duy nhiệm kỳ” thường gắn liền với những người có chức, có quyền, có khả năng định hướng, dẫn dắt, chi phối đến sự phát triển của từng ngành, lĩnh vực, địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị. Xuất phát từ điểm nhìn này, theo GS, TS Hoàng Chí Bảo, giải pháp căn cơ nhất để phòng ngừa, khắc phục được “tư duy nhiệm kỳ” là phải chú trọng sàng lọc, lựa chọn, xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược phải thật sự đủ tâm-tầm-tài, trung thành với Đảng, tận hiếu với nước, với dân, có trách nhiệm với cộng đồng, tương lai phát triển của dân tộc và biết vượt qua những cạm bẫy, cám dỗ từ những lợi ích của “tư duy nhiệm kỳ”. Cùng với đó, phải có cơ chế, chế tài đủ mạnh để sớm nhận diện, phát hiện và xử lý nghiêm minh, triệt để những cán bộ lợi dụng nhiệm kỳ công tác để trục lợi cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín ngành, địa phương và thanh danh của Đảng, Nhà nước, gây mất lòng tin cho nhân dân.

Có thể khẳng định rằng, ngăn ngừa, khắc phục “tư duy nhiệm kỳ” không đơn giản là “cuộc chiến” đẩy lùi những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, thực dụng, vụ lợi của những người được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao cho những quyền lực chính trị ở các cấp, mà đây còn là một trong những giải pháp rất quan trọng để góp phần giữ gìn, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, bảo vệ lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân, đồng thời bảo đảm cho đất nước phát triển lành mạnh, bền vững.  

THIỆN VĂN