Đồng chí NGUYỄN THỊ MINH TRANG, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long:

 Bí thư, cấp ủy phải tâm huyết, trách nhiệm

Tôi rất đồng tình với những vấn đề Báo Quân đội nhân dân đề cập và những ý kiến hồi âm của các cán bộ, chuyên gia, bạn đọc trong những ngày qua. Một vấn đề mấu chốt đặt ra từ thực tiễn là nghị quyết của Đảng phải đi vào cuộc sống; chủ trương, đường lối lãnh đạo phải được chuyển hóa mạnh mẽ thành sức mạnh vật chất; phát huy hiệu lực, hiệu quả trong đời sống nhân dân. Để tháo gỡ các vướng mắc, khắc phục những bất cập tồn tại, trách nhiệm trước hết thuộc về cấp ủy đảng các cấp. Từ việc xây dựng dự thảo, ban hành nghị quyết cho đến tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện trên thực tế... đều thông qua vai trò, trách nhiệm, kế hoạch của cấp ủy, đứng đầu là bí thư. Thế nên, nếu ở đâu còn tồn tại cách làm hình thức, đối phó, làm cốt để cho cấp trên kiểm tra, xong rồi “đâu lại vào đấy”... thì ở đó cần phải xem xét, kiểm điểm vai trò, trách nhiệm của cấp ủy.

Tại tỉnh Vĩnh Long, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đứng đầu là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, rất quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát vấn đề này. Chúng tôi tâm niệm, triển khai nghiêm túc việc học tập, quán triệt, thực hiện nghị quyết của Đảng là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả xây dựng, chỉnh đốn Đảng và sự phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh địa phương.

Với tinh thần “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”... theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với cấp ủy các đơn vị, địa phương tổ chức tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ các cấp. Bồi dưỡng năng lực, trình độ chuyên môn cho đội ngũ bí thư, cấp ủy ở các tổ chức cơ sở đảng chính là giải pháp trọng tâm góp phần nâng cao sức chiến đấu, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy và tổ chức đảng các cấp.

Vệt bài của Báo Quân đội nhân dân đã cung cấp nhiều thông tin, giải pháp bổ ích, giúp cấp ủy các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ tuyên giáo bổ sung kiến thức, kỹ năng chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bằng nghị quyết nói riêng.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo xã Túc Đán (Trạm Tấu, Yên Bái) hướng dẫn người dân địa phương cách trồng, chăm sóc cây quế. 

---------------

Đồng chí NGUYỄN HIỆP TRUNG, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang:

 Nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa của nghị quyết

Vệt bài của Báo Quân đội nhân dân đã thẳng thắn chỉ ra những vấn đề bức xúc và nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống, có ý nghĩa cả về mặt tổng kết, đúc rút kinh nghiệm và dự báo. Qua đọc, nghiên cứu các nội dung vệt bài đề cập, soi chiếu từ thực tế ở cơ sở, chúng tôi thấy, để khắc phục tình trạng “Nghị quyết thì thật là hay/ Xem ra thực hiện còn gay trăm bề...” như cách ví von của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cần phải có sự thay đổi, thống nhất cao về mặt nhận thức. Rõ ràng, khi một bộ phận cán bộ, đảng viên, trực tiếp là bí thư, cấp ủy các cấp vẫn còn tư tưởng xây dựng nghị quyết chỉ cốt làm cho có, đối phó, làm để cho cấp ủy cấp trên kiểm tra... thì việc triển khai thực hiện nghị quyết chắc chắn sẽ còn nhiều điểm nghẽn.

Chúng ta cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc rằng, Đảng lãnh đạo bằng nghị quyết. Nếu không có nghị quyết hoặc coi nhẹ nghị quyết, vai trò, chức năng của tổ chức đảng và nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên chẳng khác gì hành trình thiếu phương hướng. Chỉ khi nghị quyết được xây dựng, ban hành sát với yêu cầu cuộc sống, xuất phát từ chính thực tiễn cuộc sống thì mới có giá trị. Quá trình quán triệt, triển khai, thực hiện nghị quyết, những mục tiêu, yêu cầu, nội dung, giải pháp lãnh đạo được xác định trong nghị quyết phải thực sự là ánh sáng soi đường cho các chương trình, kế hoạch hành động từ thực tiễn. Nghị quyết phải được chuyển hóa thành nhu cầu tự thân, trở thành mệnh lệnh thường trực trong tư duy, nếp nghĩ, hành động của cán bộ, đảng viên.

Nhận thức đúng, đủ tầm quan trọng của nghị quyết thì chúng ta mới có giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng, ban hành, tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết; khắc phục tiến tới chấm dứt tình trạng “chủ nghĩa hình thức”, “duy tâm chủ quan” trong xây dựng, ban hành, thực hiện nghị quyết. Đây cũng là một trong những nhân tố quyết định nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng trên thực tế.

Chúng tôi cho rằng, vệt bài của Báo Quân đội nhân dân đã nêu đúng, nêu trúng vấn đề, gợi mở cho tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp nhiều ý tưởng mới để tìm ra các giải pháp khắc phục tình trạng “còn gay trăm bề” trong triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng.

-----------------

Đồng chí NGUYỄN QUỐC TRUNG, Bí thư Huyện ủy Hòa An, tỉnh Cao Bằng:

Ứng dụng công nghệ vào học tập, vận hành nghị quyết

Nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng là khâu quan trọng nhằm tạo sự thống nhất nhận thức trong Đảng, là tiền đề để nghị quyết được triển khai. Chính vì thế, đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết là việc làm có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Thời gian qua, toàn huyện Hòa An đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào học tập, vận hành nghị quyết; tiếp tục mở rộng việc tổ chức hội nghị trực tuyến đến cấp cơ sở (thành phần là bí thư, trưởng xóm, trưởng các đoàn thể xóm được tham dự) để nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết, coi đây là hình thức cơ bản, cho phép tổ chức với quy mô lớn, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Cùng với đó, huyện phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng kỹ thuật số vào học tập, vận hành nghị quyết; tổ chức thu âm, thu hình phát lại, tọa đàm chuyên đề cho cán bộ, đảng viên trao đổi, thảo luận nội dung nghị quyết, xây dựng chương trình hành động; xây dựng các phóng sự chuyên đề, các video clip để triển khai học tập tại các chi bộ. Ngoài chỉ thị, nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, huyện Hòa An còn chủ động biên soạn và ban hành các cuốn tài liệu tuyên truyền, giáo dục truyền thống quê hương cách mạng, khơi dậy ý chí tự lực tự cường, quyết tâm xây dựng địa phương giàu mạnh. Việc cụ thể hóa đó đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân đối với văn hóa truyền thống của huyện. Đồng thời, xây dựng phóng sự chuyên đề, video clip làm giảm sự khô cứng của việc triển khai học tập nghị quyết, giúp cho cơ sở dễ nắm bắt được nội dung cốt lõi của các văn bản chỉ đạo, tránh tình trạng đọc nguyên văn bản khi triển khai tại chi bộ xóm, tổ dân phố...

Công tác thông tin, tuyên truyền về nghị quyết được huyện đẩy mạnh trên các nền tảng internet và mạng xã hội như Cổng thông tin điện tử, hệ thống phương tiện thông tin đại chúng, các nhóm Zalo tổ dân cư, trang Facebook huyện, với nhiều hình thức sinh động, dễ nhớ. Đồng thời, huyện duy trì xây dựng chuyên mục tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng phát sóng định kỳ hằng tuần trên kênh phát thanh của huyện nhằm giới thiệu mô hình hay, cách làm hiệu quả của tổ chức đảng, đảng viên tiêu biểu.

-------------------

Trung tá PHẠM DƯNG, Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Ninh Sơn, Bộ CHQS tỉnh Ninh Thuận:

Vận hành nghị quyết phải tròn khâu

Đúng như Báo Quân đội nhân dân đề cập, có không ít vấn đề còn vướng mắc trong vận hành nghị quyết, như: Các khâu, bước triển khai thực hiện nghị quyết chưa rành mạch giữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, công tác của người chỉ huy và hoạt động của tổ chức quần chúng; sau khi triển khai thực hiện nghị quyết, việc theo dõi, bám nắm, hướng dẫn có lúc, có nơi thực hiện chưa tốt; việc xây dựng chương trình hành động, hướng dẫn, giúp đỡ của cấp trên chưa được cụ thể, nhất là việc đôn đốc, kiểm tra thực hiện nghị quyết.

Theo hướng dẫn, quy định của Đảng, các bước từ ra nghị quyết đến triển khai thực hiện nghị quyết của cấp ủy (chi bộ) là cụ thể hóa quy trình: Ra nghị quyết-thực hiện nghị quyết-kiểm tra thực hiện nghị quyết-sơ, tổng kết nghị quyết; các khâu đều có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, phải thực hiện tròn khâu mới mang lại hiệu quả cao nhất. Song quá trình triển khai thực hiện nghị quyết luôn được đánh giá có ý nghĩa quyết định đến toàn bộ quy trình. Do vậy, việc triển khai thực hiện nghị quyết của cấp ủy (chi bộ) phải được tiến hành đồng bộ. Trong đó, ban thường vụ, cấp ủy, bí thư (phó bí thư) phải thể hiện được rõ vị trí, vai trò trong việc chỉ đạo xây dựng chương trình thực hiện nghị quyết với các nội dung cụ thể trên từng mặt công tác; có biện pháp, thời gian thực hiện của từng giai đoạn, từng nhiệm vụ, xác định trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân chịu trách nhiệm với từng nội dung nhiệm vụ ngay trong chương trình hành động để từ đó mà kiểm điểm và quy trách nhiệm. Đồng thời, có kế hoạch thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện nghị quyết, nếu thuận lợi thì phát huy, nếu không đạt hoặc chưa đạt đủ chỉ tiêu thì bàn bạc thống nhất để từ đó đề xuất điều chỉnh, bổ sung biện pháp, cách làm cho phù hợp.

Mặt khác, các cấp phải thường xuyên kiểm tra, giám sát đảng viên thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ và kỷ luật đảng; thông qua các hội nghị, giao ban, hội ý, sơ kết, tổng kết... và các hoạt động nắm tình hình, kết quả thực hiện nghị quyết của cán bộ, đảng viên, các tổ chức, các lực lượng để uốn nắn, điều chỉnh kịp thời.