Thiếu tướng NGUYỄN KHẮC NGỌ, nguyên Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam:
Nghị quyết phải nhập tâm, thực tâm
Từ vệt bài Báo Quân đội nhân dân đề cập, chúng tôi cho rằng việc cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Quân đội ta. Những cán bộ đã trải qua chiến đấu như chúng tôi đều thấy rõ vấn đề dưới góc nhìn tham chiếu, so sánh. Trong điều kiện chiến trường ác liệt, nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy đơn vị thường rất ngắn gọn, súc tích. Dù là nghị quyết thường kỳ hay nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ đột xuất thì việc xây dựng, ban hành, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện đều phải nhập tâm và thực tâm.
Những mục tiêu, nội dung, giải pháp lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ... đều được cán bộ, đảng viên quán triệt, nhập tâm và nó nhanh chóng chuyển hóa thành mệnh lệnh, ý chí quyết tâm, hành động chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường. Yêu cầu cốt lõi để nghị quyết nhập tâm được là phải hết sức ngắn gọn, bám sát thực tế chiến đấu và yêu cầu đặt ra trên chiến trường, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ quán triệt...
Trong điều kiện thời bình, chúng ta có điều kiện để xây dựng nghị quyết một cách bài bản, khoa học, đầy đủ. Tuy nhiên, nghị quyết lại thường rất dài dòng, số lượng nghị quyết cũng rất nhiều. Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là tâm lý sợ thiếu. Nghị quyết của cấp ủy các cấp thường đề cập các nội dung, giải pháp lãnh đạo nhiệm vụ của tất cả các ngành, các cơ quan: Chính trị, tham mưu, hậu cần, kỹ thuật... nên nghị quyết rất dài.
Những năm gần đây chúng ta đã có nhiều cải tiến, hướng dẫn thực hiện thống nhất nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả xây dựng, thực hiện nghị quyết ở cấp ủy, tổ chức đảng các cấp. Chẳng hạn, ở cấp chi bộ, nghị quyết khá ngắn gọn, không đi theo mô tuýp của cấp ủy cấp trên mà chỉ xác định những nội dung trọng tâm cần tập trung lãnh đạo...
Từ thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh cải tiến việc xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện nghị quyết theo hướng thật ngắn gọn, súc tích, sát thực tế nhiệm vụ... Nghị quyết phải nhập tâm, thực tâm thì mới nhanh chóng chuyển hóa thành hành động.
    |
 |
Tranh của PHÙNG MINH/ Ảnh minh họa/qdnd.vn. |
---------
Đồng chí HOÀNG MẠNH HÀ, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái:
Không thể buông lỏng kiểm tra, giám sát
Nghị quyết chỉ có giá trị khi các chủ trương, giải pháp được xác định trong nghị quyết trở thành hành động cách mạng của cán bộ, đảng viên, nhân dân và đi vào thực tiễn đời sống xã hội. Thế nhưng hiện nay có nhiều nghị quyết, nhất là cấp chi bộ, lúc ban hành thì rất hay, mục đích nội dung rất sát thực nhưng một thời gian dài không thấy kiểm tra đánh giá, không biết rõ nghị quyết đã triển khai thực hiện đạt kết quả đến mức nào, khiến nghị quyết dần rơi vào quên lãng.
Theo tôi, nguyên nhân là do công tác kiểm tra, giám sát chưa được các cấp quan tâm đúng mức. Vì thiếu theo dõi, kiểm tra nên không biết được các chỉ tiêu nghị quyết đạt được đến đâu, chỉ tiêu nào đã hoàn thành sớm, chỉ tiêu nào khó đạt được để tập trung sức lãnh đạo, điều chỉnh, bổ sung, thay đổi trong quá trình thực hiện nghị quyết. Cũng có nơi chỉ quan tâm đến công tác cán bộ và kiểm tra nơi có dấu hiệu vi phạm mà chưa quan tâm "đường đi của nghị quyết" và tiến độ hiện thực nghị quyết nên thiếu sâu sát, dẫn tới hiệu quả chưa cao.
Theo tôi, thời gian tới cần tập trung đổi mới, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt quan tâm giải quyết dứt điểm những khó khăn, bất cập, gây dư luận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết.
Các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc phải luôn làm tốt công tác đánh giá mức độ hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được nghị quyết xác định qua từng giai đoạn. Ủy ban kiểm tra các cấp chủ động thực hiện và tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả chương trình hành động, phương hướng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ và hằng năm.
Cùng với đó, cần phải phát huy hơn nữa vai trò “tai, mắt” của nhân dân. Cấp ủy, chỉ huy, người đứng đầu các cấp cần tăng cường về cơ sở, đối thoại với dân, lắng nghe dân để đánh giá được thực chất hiệu quả cũng như những khó khăn trong thực hiện nghị quyết để có giải pháp kịp thời.
----------
Đại tá TRỊNH VIỆT THÀNH, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa:
Không thể quyết nghị cho xong
Đọc loạt 5 bài trong vệt bài: Vì sao nghị quyết thì hay, thực hiện lại “gay trăm bề”? đăng trên Báo Quân đội nhân dân, tôi thấy các bài viết khá sâu sắc, đánh giá đúng về thực tiễn xây dựng nghị quyết, nhất là qua số liệu điều tra xã hội học thể hiện sự phản ánh khách quan chất lượng tiến hành phần việc này; xác định các mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung, giải pháp của nghị quyết.
Thực tế cho thấy có không ít cấp ủy, tổ chức đảng rất coi trọng công tác xây dựng nghị quyết nhưng lại mắc bệnh “nặng về số lượng”, vì thế chủ trương, giải pháp lãnh đạo đề ra quá nhiều, còn dàn trải, hoặc áp đặt ý kiến chủ quan của những người đứng đầu. Trong khi đó, nếu xác định chỉ tiêu đúng mà không đề ra được giải pháp lãnh đạo khả thi thì chẳng khác gì tổ chức "giao việc" mà không bày vẽ, hướng dẫn cách làm; khiến cơ sở phải tự mò mẫm hoặc lúng túng trong tổ chức triển khai.
Tôi cho rằng, việc xây dựng dự thảo và để dự thảo trở thành nghị quyết của các cấp ủy, tổ chức đảng, không phải “đao to búa lớn” trong cách thức thể hiện mà nhìn từ thực tế nhiệm vụ cần tập trung lãnh đạo để xây dựng dự thảo nghị quyết trở thành nghị quyết.
Cùng với đó là chấp hành các nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng, ban hành nghị quyết. Trong một hội nghị tổ chức đảng, có thể chọn 1 đến 2 vấn đề nổi cộm, hạn chế của cơ quan, đơn vị mà tập trung bàn bạc, thảo luận, đề xuất các giải pháp; hoặc tìm cho bằng ra nhiệm vụ trọng tâm, vấn đề đột phá phát huy trí tuệ chung, kết nên chủ trương lãnh đạo thật sự thiết thực.
Muốn vậy, người chủ trì phải chuẩn bị kỹ nội dung điều hành; có trao đổi trong cấp ủy, chỉ huy để chọn vấn đề, nội dung tập trung lãnh đạo. Phát huy trách nhiệm của đảng viên trong chuẩn bị ý kiến và tham gia thảo luận đóng góp vào dự thảo nghị quyết. Khi đã có sự thống nhất cao trong tập thể cấp ủy và tổ chức đảng mới quyết nghị, thống nhất ban hành.
Nếu tổ chức một hội nghị mà chưa có sự đồng thuận, thống nhất thì tiếp tục tổ chức nhiều hội nghị để bàn thảo đến tận cùng vấn đề trên tinh thần xây dựng và đề cao trách nhiệm, tôn trọng trí tuệ của đảng viên. Tuyệt đối không được hời hợt bày tỏ sự nhất trí theo kiểu quyết nghị cho xong, mong sớm kết thúc hội nghị.
----------
Tiến sĩ TRẦN THỊ QUỲNH DIỄN, giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội:
Coi trọng “test” nhận thức chính trị của cán bộ
Vệt bài: Vì sao nghị quyết thì hay, thực hiện lại “gay trăm bề”? của Báo Quân đội nhân dân đã đề cập đến một trong những vấn đề rất đáng báo động hiện nay, đó là lối học tập nghị quyết rất thờ ơ, hời hợt của cán bộ, đảng viên mà trong đó có cả cán bộ chủ trì, chủ chốt.
Thông thường, sau mỗi đợt học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng, các cơ quan, đơn vị tổ chức lớp học khi báo cáo kết quả triển khai việc học tập, quán triệt thường chỉ báo cáo số lớp, số người tham gia mà ít có đánh giá, hoặc chưa đánh giá đúng thực chất về chất lượng học tập nghị quyết. Để kiểm tra, đánh giá nhận thức của cán bộ, đảng viên thì sau mỗi đợt học tập, quán triệt, đội ngũ cán bộ, đảng viên thường được giao viết bài thu hoạch. Tuy nhiên, việc kiểm tra nhận thức như vậy cũng chỉ đơn thuần là “điểm danh” số lượng mà chưa đánh giá đúng thực chất nhận thức của cán bộ, đảng viên đối với nghị quyết vừa được học tập, quán triệt.
Để bảo đảm chất lượng của mỗi đợt học tập, quán triệt nghị quyết, thiết nghĩ cần thay đổi phương pháp, cách thức đánh giá và nên “test” nhanh cán bộ, đảng viên ngay trong quá trình học tập nghị quyết thay vì viết bài thu hoạch như hiện nay. Theo đó, ngay tại buổi học tập, quán triệt nghị quyết, báo cáo viên dành thời gian cuối giờ để có thể test nhanh cán bộ, đảng viên tham gia học tập, quán triệt về một nội dung nào đó vừa được quán triệt bằng cách hỏi-đáp, hoặc bằng phương pháp kiểm tra viết trong thời gian nhất định.
Biện pháp này vừa mang lại kết quả kép, có nghĩa là vừa “test” nhanh nhận thức của người học về nghị quyết, vừa đánh giá được ý thức, thái độ của cán bộ, đảng viên trong quá trình học tập, quán triệt có tham gia đầy đủ hay không, ý thức học tập có nghiêm túc không...
Bên cạnh đó, cần tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong học tập, quán triệt bằng việc áp dụng quy chế lớp học. Lấy kết quả và ý thức, thái độ học tập nghị quyết của cán bộ, đảng viên là một tiêu chí đánh giá, xếp loại đảng viên hằng năm; đồng thời tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính tự giác của cán bộ, đảng viên trong việc viết thu hoạch sau học tập, quán triệt...
----------
Thạc sĩ TRẦN HOÀI NAM, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Sơn La:
Nêu cao vai trò gương mẫu của người đứng đầu
Không khó để nhận thấy nhiều hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết ở không ít cơ quan, đơn vị, địa phương, tuy cán bộ, đảng viên được triệu tập có mặt rất đông đủ nhưng lại chưa phản ánh đúng thực chất chất lượng học tập. Nhiều người chỉ ngồi nghe mà không ghi chép nên khi kết thúc buổi học tập, quán triệt, có người không nhớ nổi tên nghị quyết vừa được quán triệt là gì chứ chưa nói đến việc nắm, hiểu nội dung nghị quyết...
Trong việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng thì đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương có vai trò tiên phong, gương mẫu trong việc tự học và tổ chức cho cán bộ, đảng viên nghiên cứu, tiếp cận quan điểm, chủ trương của Đảng được đề cập trong nghị quyết. Khi người cán bộ chủ trì học tập nghiêm túc, trách nhiệm, nắm chắc, sâu sắc nội dung nghị quyết thì sẽ có phương pháp tổ chức học tập nghị quyết khoa học, hiệu quả; đồng thời cũng là tấm gương sáng về tinh thần học tập, quán triệt nghị quyết cho cấp dưới và quần chúng noi theo.
Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều cán bộ đứng đầu cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp chưa thực sự nêu gương trong học tập nghị quyết. Có nơi tổ chức học tập nghị quyết, cán bộ chủ chốt, chủ trì chỉ đến dự khai mạc, tham gia ở một vài giờ đầu tại hội nghị, rồi viện lý do về sớm vì bận việc này, việc kia. Ở một vài nơi, vẫn còn cán bộ cấp trên viết bài thu hoạch chính trị qua loa, hình thức, đối phó, hoặc “nhờ” cấp dưới viết hộ thu hoạch... Những việc làm này tuy nhỏ, nhiều trường hợp có lý do chính đáng, nhưng với cương vị người cán bộ chủ trì, chủ chốt thì vô hình trung đã ảnh hưởng đến thái độ, tinh thần học tập, quán triệt nghị quyết của cấp dưới.
Do vậy, đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt, bí thư cấp ủy, các đồng chí cấp ủy phải nêu gương một cách thực chất, hiệu quả trong việc học tập, nghiên cứu nghị quyết; phải lấy trách nhiệm, sự gương mẫu để nâng cao uy tín, danh dự của bản thân và tập thể; khẳng định vai trò đứng đầu và đi đầu của bản thân để góp phần khắc phục tình trạng học tập nghị quyết hời hợt, thiếu thực chất như hiện nay.