Trong chuyến công tác, Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Thượng viện Nhật Bản đã được lãnh đạo hai bên ký kết, tạo dấu ấn trong hợp tác nghị viện, góp phần cụ thể hóa nội hàm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nhật Bản trên tất cả lĩnh vực.
Xứ sở hoa anh đào - chân thành và tin cậy
Trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã có lịch trình hoạt động dày đặc với các cuộc trao đổi tiếp xúc với lãnh đạo của Hoàng gia, Chính phủ, Quốc hội và đông đảo các tổ chức kinh tế-xã hội, hội hữu nghị, các chính trị gia có nhiều đóng góp cho quan hệ Việt Nam-Nhật Bản... Lịch trình hoạt động cho thấy sự coi trọng của phía Nhật Bản đối với chuyến thăm, đồng thời thể hiện mong muốn thúc đẩy hợp tác thực chất và hiệu quả giữa hai nước.
 |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân hội kiến Nhà vua Naruhito cùng Hoàng hậu Masako. Ảnh: TTXVN |
Được mệnh danh là quốc gia tự lực-tự cường, từ một nước bị chiến tranh và thiên tai tàn phá khốc liệt, Nhật Bản đã mạnh mẽ vươn lên thành một cường quốc hàng đầu trên thế giới. Người Nhật Bản luôn khiến cả thế giới nể phục bởi sự tận tâm, sáng tạo trong công việc và tinh thần vượt khó vươn lên. Trong suy nghĩ, trái tim của người Việt Nam, người Nhật Bản và đất nước xứ sở hoa anh đào luôn có một vị trí đặc biệt. Việt Nam luôn cảm ơn Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam trong thời gian qua, nhất là về nguồn vốn ODA. Hình ảnh của những cây cầu lớn như Nhật Tân, Bãi Cháy, Thanh Trì...; Nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài, hầm đường bộ Hải Vân... không đơn giản là công trình của hạ tầng giao thông hiện đại, với kiến trúc độc đáo, mà hơn cả, đó là biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản.
 |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru. |
Trong bối cảnh đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, sự đồng hành hỗ trợ của bạn bè quốc tế, nhất là Nhật Bản, đóng vai trò hết sức quan trọng. Sự tương đồng về văn hóa cùng sự gắn kết lịch sử lâu dài, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, tạo nền tảng quan trọng để Việt Nam luôn mong muốn được học tập, hợp tác, chia sẻ lợi ích và cơ hội phát triển với Nhật Bản. Điều này cũng đúng như Chủ tịch Đảng Dân chủ lập hiến Nhật Bản Noda Yoshihiko nhận định, ngay từ năm 2011-thời kỳ ông đảm nhiệm cương vị Thủ tướng Nhật Bản đã thấy rằng, Việt Nam-Nhật Bản có thể hợp tác để tạo ra mô hình hoàn hảo, bổ sung và tương trợ cho nhau. Điều này xuất phát từ cơ cấu dân số Việt Nam đang trong giai đoạn hoàn hảo với tỷ lệ lực lượng lao động trẻ chiếm đa số và tỷ lệ người cao tuổi ở mức thấp. Trong khi đó, cơ cấu dân số Nhật Bản lại đối lập với tỷ lệ người cao tuổi ở mức cao, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động ở mức thấp. Thêm vào đó, Nhật Bản có lợi thế về kỹ thuật, công nghệ, có thể hỗ trợ Việt Nam trong triển khai các dự án, chương trình có quy mô lớn. Đánh giá cao tiềm năng phát triển, hợp tác với Việt Nam, trong cuộc hội kiến, chia sẻ với Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ấn tượng về chuyến thăm Việt Nam cách đây 35 năm, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru tin tưởng Việt Nam sẽ ngày càng phát triển và sớm trở thành một nước hàng đầu ở khu vực châu Á.
 |
Cán bộ, nhân viên Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, cộng đồng người Việt tại tỉnh Nagasaki đón Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và phu nhân. Ảnh: TTXVN
|
Tại các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã truyền tải thông điệp tới tất cả lãnh đạo và đông đảo người dân Nhật Bản về một đất nước Việt Nam đổi mới, yêu chuộng hòa bình, khát vọng phát triển, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, cũng như mong muốn tăng cường hợp tác, chia sẻ lợi ích và cơ hội phát triển với Nhật Bản. Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài. Với những tiềm năng, lợi thế từ Nhật Bản, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Nhật Bản tiếp tục triển khai hiệu quả vốn ODA thế hệ mới có tính ưu đãi cao, thủ tục đơn giản, linh hoạt cho các dự án phát triển hạ tầng chiến lược quy mô lớn của Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam thực hiện công nghiệp hóa-hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập sâu rộng, toàn diện; thực hiện 3 đột phá chiến lược về cơ sở hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực...
Sự khởi đầu mới của chặng đường hợp tác phát triển và thịnh vượng
Có thể nói quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất, tin cậy chính trị rất cao. Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đối tác lớn nhất về viện trợ không hoàn lại (ODA), thứ hai về hợp tác lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ tư về thương mại. Nhật Bản rất tích cực ủng hộ Việt Nam về nhiều vấn đề trên các diễn đàn song phương và đa phương. Điều này thể hiện Nhật Bản coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam trên các lĩnh vực, cũng cho thấy vị thế, uy tín quốc tế của đất nước ta.
 |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Sekiguchi Masakazu trao đổi văn kiện hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Thượng viện Nhật Bản. |
Dành tình cảm đón tiếp chân tình và cởi mở đối với Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Sekiguchi Masakazu tin tưởng năm 2024 đánh dấu sự khởi đầu mới của chặng đường hợp tác giữa hai nước trong 50 năm tới. Đặc biệt, trong chuyến thăm lần này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Thượng viện Sekiguchi Masakazu đã ký Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Thượng viện Nhật Bản. Đây là tiền đề rất quan trọng, góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước, tạo điều kiện thuận lợi để hai bên triển khai các hoạt động hợp tác song phương cũng như tại các diễn đàn đa phương, góp phần thúc đẩy quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”, phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước.
 |
Cộng đồng người Việt tại tỉnh Nagasaki đón Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam. |
Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21-9-1973. Sau hơn 5 thập kỷ vun đắp và xây dựng, Việt Nam-Nhật Bản là hình mẫu tiêu biểu cho sự hợp tác hiệu quả, chân thành, với tiềm năng và triển vọng hết sức rộng mở. Khuôn khổ quan hệ giữa hai nước đã liên tục được nâng cấp, từ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài” (năm 2002) lên “Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” (năm 2009), “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng của châu Á” (năm 2014), “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” (tháng 11-2023). Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn một lần nữa đã phản ánh mức độ tin cậy chính trị cao và sự chín muồi của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, mở ra thời kỳ hợp tác phát triển mới thực chất và hiệu quả hơn nữa trên mọi lĩnh vực, đáp ứng mong muốn, nhu cầu và lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng tại khu vực và trên thế giới.
VŨ DUNG (từ Tokyo, Nhật Bản)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.