Bên cạnh đó, chất lượng đoàn viên ở nhiều tổ chức đoàn còn hạn chế... Cần phải có lời giải cho vấn đề này bởi nếu không, nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sức mạnh của tổ chức đoàn các cấp...
Phong trào, tổ chức đoàn ở nhiều nơi thiếu vắng đoàn viên, thanh niên
Đoàn Thanh niên phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh (Bắc Ninh) có hơn 200 đoàn viên. Tuy nhiên, số lượng đoàn viên tham gia các phong trào và sinh hoạt thường xuyên chỉ chưa đến 40 người vì phần lớn ĐVTN trong độ tuổi là công nhân các khu công nghiệp, có ít điều kiện tham gia. Khi có phong trào, hoạt động cần triển khai, Đoàn Thanh niên phường Vũ Ninh phải huy động lực lượng ĐVTN của các đơn vị kết nghĩa ở một số trường đại học, cao đẳng, đơn vị đứng chân trên địa bàn. Năm vừa qua, nhiều sinh viên, học sinh được nghỉ học ở nhà để giãn cách xã hội nên việc huy động ĐVTN tham gia phòng, chống dịch ở địa phương có nhiều thuận lợi. Chị Nguyễn Thị Thanh Hòa, Bí thư Đoàn Thanh niên phường Vũ Ninh thẳng thắn cho biết: “Mặc dù chúng tôi đã tính toán, tổ chức nhiều phong trào, hoạt động của Đoàn vào ngày thứ bảy, chủ nhật nhằm huy động lực lượng ĐVTN là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp nhưng số lượng tham gia rất ít, theo kiểu gượng ép; nguyên nhân vì phần lớn họ vẫn đi làm theo ca, muốn nghỉ ngơi sau một tuần làm việc mệt mỏi. Ngay cả nếu có ngồi sinh hoạt, tham gia hoạt động cùng nhau thì các bạn cũng không có sự gần gũi, thân thiện vì không nói chuyện với nhau mà lại sử dụng điện thoại”. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Đoàn Thanh niên phường Thị Cầu, TP Bắc Ninh.
 |
Đoàn viên thanh niên đoàn phường Thị Cầu, TP Bắc Ninh tham gia vệ sinh môi trường để hưởng ứng phong trào "Ngày chủ nhật xanh".Ảnh: MINH VĂN. |
Anh Vũ Minh Hiện, Chủ tịch UBND xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) từng là cán bộ đoàn, nhận xét: “Việc thu hút ĐVTN nông thôn tham gia các hoạt động Đoàn ngày càng khó hơn. Cùng một phong trào, hoạt động như trước đây nhưng số lượng đoàn viên tham gia ngày một ít. Nguyên nhân chính vì họ phải đi làm ăn, một số đi xa, làm công nhân tại các khu công nghiệp nên có ít thời gian. Hơn nữa, do dịch bệnh nên các hoạt động Đoàn không thể tổ chức tập trung nên càng khó lôi cuốn hơn”.
Chúng tôi đến những khu công nhân thuê trọ để tìm hiểu thực tế. Anh Vũ Văn Chế, Trưởng thôn Núi Móng, xã Hoàn Sơn cho biết: “Công nhân thuê trọ tại nhà tôi đều trong độ tuổi ĐVTN, nhưng họ không tham gia các hoạt động của tổ chức đoàn địa phương phát động. Đi làm về là họ đóng cửa phòng. Trước đây, khi làm Bí thư Chi đoàn thôn Núi Móng, tôi thấy rằng, ngay cả ĐVTN là người địa phương cũng ít tham gia, phải người nào nhiệt tình lắm họ mới đến cho có. Vì ngày nghỉ, họ còn nghỉ ngơi, lo việc nhà; còn ngày thường, nếu nghỉ họ sẽ không được trả lương”.
Gặp chị Trần Thị Mẫn, công nhân thuê trọ tại nhà anh Vũ Văn Chế (quê ở xã Khánh Thiện, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái), tôi hỏi:
- Chị tham gia sinh hoạt đoàn ở đâu?
- Úi xời! Tôi đi làm cả ngày lẫn đêm, thời gian đâu mà tham gia.
- Chị có thể tham gia vào cuối tuần được mà!-Tôi tiếp chuyện.
- Cuối tuần, có hôm tôi vẫn phải đi làm. Nếu là ngày nghỉ, tôi chỉ muốn được yên tĩnh, nghỉ ngơi-chị Mẫn nói rồi vội vã đi ngay.
Theo anh Ngô Phú Anh Tài, Bí thư Huyện đoàn Hưng Nguyên (Nghệ An), toàn huyện có 31 cơ sở đoàn trực thuộc với 18 cơ sở đoàn thuộc khối dân cư, 6 cơ sở đoàn thuộc khối trường trung học phổ thông, 7 cơ sở đoàn là lực lượng vũ trang, cơ quan, đơn vị với khoảng 3.850 đoàn viên và hơn 4.970 thanh niên. Tuy thế, tỷ lệ ĐVTN tham gia các hoạt động, phong trào chưa đáp ứng được kỳ vọng. Nguyên nhân vì ĐVTN đi làm ăn xa; không thể cân bằng được giữa việc tham gia các phong trào, hoạt động của Đoàn với phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống.
 |
Sự phát triển nhanh chóng của của khoa học, công nghệ, nhất là mạng xã hội và internet đã ảnh hưởng đến mọi hoạt động và sinh hoạt của thanh niên. Ảnh: HUYỀN NGUYỄN. |
Đoàn Thanh niên phường Quảng An, quận Tây Hồ (Hà Nội) có 134 đoàn viên ở 11 chi đoàn trực thuộc. Theo anh Đinh Ngọc Thanh, Bí thư Đoàn Thanh niên phường Quảng An, việc huy động ĐVTN tham gia sinh hoạt các phong trào ở đây cũng gặp nhiều khó khăn vì họ ít quan tâm tới công tác Đoàn và có nhiều mối bận tâm khác. Hơn nữa, trên địa bàn phường, nhiều gia đình cho người nước ngoài thuê nhà và chuyển đến sống ở nơi khác, vì thế, việc tập hợp, thu hút đoàn viên lại càng khó hơn. “Đợt dịch Covid-19 giữa năm 2021, Đoàn Thanh niên phường tuyển tình nguyện viên tham gia phòng, chống dịch thì có nhiều ĐVTN đăng ký. Tuy nhiên, nhiều người đăng ký vì lý do phải ở nhà quá lâu do thời gian giãn cách kéo dài, muốn tham gia để được... đi ra đường”, anh Đinh Ngọc Thanh chia sẻ.
Tiến sĩ Hoàng Minh Tuấn, Phó giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam đánh giá: “Qua công tác giảng dạy, nghiên cứu và thực tế, có thể khẳng định mạng xã hội, internet cùng các thiết bị công nghệ số có tác động rất mạnh mẽ đến sự tham gia của ĐVTN với các phong trào, hoạt động Đoàn. Tại các địa phương và một số địa bàn dân cư, hoạt động Đoàn cũng gặp nhiều khó khăn do một bộ phận không nhỏ ĐVTN đi làm ăn, kiếm sống xa nhà (ở các khu công nghiệp, trên thành phố lớn) nên ít quan tâm đến hoạt động Đoàn. Lực lượng thanh niên ở nhà chủ yếu là học sinh, sinh viên trên địa bàn đang học trung học phổ thông hoặc một số trường đại học, cao đẳng. Điều này cũng gây khó khăn đến phong trào, hoạt động Đoàn ở địa phương, nhất là đối với một số phong trào yêu cầu cần có lượng tham gia đông đảo của thanh niên địa phương”. Trong khi đó, anh Nguyễn Đức Tiến, Phó bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP Hà Nội, băn khoăn: “Sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ và đời sống kinh tế-xã hội tạo ra nhiều cơ hội để phát triển nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức với thanh niên và các phong trào, tổ chức đoàn. Đây cũng là những vấn đề mà công tác thanh niên của Đảng và Nhà nước cần phải giải quyết trong thời gian tới”.
Chất lượng đoàn viên chưa được quan tâm
Cội nguồn sức mạnh của mọi phong trào, tổ chức đoàn chính là ĐVTN. Vì thế, song song với nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết các tầng lớp thanh niên thì tổ chức đoàn các cấp cũng phải chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đoàn viên sau khi tổ chức kết nạp. Thực tế cho thấy, từ lâu nay, tổ chức đoàn các cấp mải quan tâm đến số lượng mà dường như quên đi nhiệm vụ này. Ở nhiều cơ sở đoàn, thanh niên cứ đến tuổi là cho đi học lớp tìm hiểu Đoàn Thanh niên ít buổi, sau đó, yêu cầu viết bài thu hoạch mang tính hình thức và tiến hành kết nạp. Trong khi đó, hình thức đào tạo khô khan, cứng nhắc, nội dung học tập chỉ dừng ở việc nêu định nghĩa tổ chức đoàn mà thiếu đi cơ sở thực tiễn nên không cuốn hút, không giúp thanh niên nắm được những vấn đề cơ bản về trách nhiệm của mình khi tham gia vào tổ chức đoàn.
Đoàn viên Nguyễn Thị Thu Huyền, Chi đoàn khu Phúc Sơn, phường Vũ Ninh cho biết: “Tôi được kết nạp vào Đoàn Thanh niên đã 5 năm. Lúc đó, tôi học lớp 9 hay lớp 10 gì đó. Vì không còn ai nên tôi được huy động vào Đoàn”. Nhiều bạn trẻ khi được chúng tôi đặt câu hỏi, họ không hiểu mục đích lý tưởng vào Đoàn để làm gì. Chị Nguyễn Thị Thanh Hòa trăn trở: “Một số ĐVTN có nhiệt huyết nhưng lý tưởng, niềm tin vào tổ chức đoàn bị phai nhạt. Một số không yêu tổ chức đoàn lắm, vì thế, sau khi nghỉ học đi làm công nhân thì không còn tham gia sinh hoạt nữa”.
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, anh Nguyễn Đức Tiến cho rằng, chất lượng đoàn viên chưa cao còn thể hiện ở một bộ phận thanh niên mơ hồ trong xác định mục đích hội nhập quốc tế, chỉ thấy mặt tích cực mà chưa thấy hết được tiêu cực, thách thức. Lối sống, lối ứng xử ở một bộ phận thanh niên còn thiếu sự chọn lọc, chắt chiu những giá trị tích cực, đôi khi bắt chước một cách máy móc. Lối sống thực dụng, hưởng thụ, sùng ngoại và hướng ngoại thái quá của một bộ phận thanh niên đang có xu hướng lan tỏa trong giới trẻ. Một bộ phận thanh niên thiếu ý thức rèn luyện, hạn chế về nhận thức chính trị, chưa xác định được lý tưởng sống đúng đắn, thụ động, dễ bị lôi kéo xa rời định hướng xã hội chủ nghĩa; các giá trị văn hóa đích thực trong một bộ phận thanh niên còn có những vấn đề đáng lo ngại.
Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải đầu tư cả về nội dung lẫn hình thức các lớp bồi dưỡng, tìm hiểu kiến thức về Đoàn Thanh niên; chấn chỉnh và thực hiện tốt quy trình, nguyên tắc, thủ tục kết nạp đoàn viên mới để người được kết nạp cảm thấy thật tự hào, có trách nhiệm hơn. Cùng với đó là rèn luyện đoàn viên theo hướng phù hợp từng khu vực, thành phần, đối tượng; đề cao vai trò chủ động của cơ sở đoàn, chi đoàn; tạo môi trường và nâng cao tinh thần tự giác của đoàn viên, trong đó chú trọng bồi dưỡng nhận thức chính trị, kỹ năng giao tiếp, khả năng vận động quần chúng của đoàn viên gắn với việc đổi mới nội dung, quy trình thực hiện công tác phân tích chất lượng đoàn viên và phân loại chi đoàn hằng năm. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để rèn luyện, nâng cao chất lượng đoàn viên phải thông qua các hoạt động, phong trào thiết thực, phù hợp với từng lực lượng thanh niên, thu hút được đông đảo ĐVTN. Thông qua các hoạt động này mới có thể phát hiện được điểm mạnh, điểm yếu của từng đoàn viên, từ đó có phương pháp giáo dục, bồi dưỡng cụ thể. Đây đang thực sự là bài toán khó đối với tổ chức đoàn.
Đồng tình với quan điểm này, anh Nguyễn Phương Linh, Phó bí thư Đoàn Thanh niên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và anh Nguyễn Thái Dũng, chị Nguyễn Thị Hà Giang, cùng là Phó bí thư Đoàn Thanh niên Trường Đại học Vinh, cho rằng: “Muốn tuyên truyền, phổ biến, giáo dục hay bồi dưỡng nâng cao ý thức, chất lượng đoàn viên thì trước hết cần phải tập hợp được họ. Như thế, vấn đề quay trở lại là làm sao để tập hợp được ĐVTN? Làm sao để hoạt động Đoàn thực sự có sức hút?”.
Tiến sĩ Hoàng Minh Tuấn, Phó giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam thẳng thắn chỉ ra: Các hoạt động Đoàn đã có đổi mới nội dung và hình thức, nhanh nhạy ứng dụng công nghệ thông tin. Đây là những kênh hữu ích giúp Đoàn kịp thời nắm bắt thực tiễn tình hình thanh niên, phản ánh đời sống, tâm tư, tình cảm của thanh niên. Tuy nhiên, còn tình trạng các buổi sinh hoạt xơ cứng về hình thức, đơn giản về nội dung; nặng về phổ biến thông tin, tổ chức kiểu... đối phó để bảo đảm số lượng, nhằm lấy số liệu để báo cáo, đồng thời để giao lưu gặp gỡ, giải trí. Thông qua sinh hoạt, nhiều cơ sở đoàn chưa chú trọng vấn đề giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống vốn là những vấn đề cấp bách đối với thanh niên hiện nay... |
(còn nữa)
ĐỨC TUẤN - HUYỀN TRANG - VĂN THI - NGUYỄN ANH