Cội nguồn sức mạnh của mọi phong trào, tổ chức đoàn chính là từ mỗi đoàn viên, thanh niên (ĐVTN). Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay, nhiều ĐVTN đã thiếu nhiệt huyết tham gia các hoạt động Đoàn. Nhiều nội dung sinh hoạt, hoạt động của Đoàn bị xem là đơn điệu, hình thức và không thu hút được ĐVTN tham gia. Làm thế nào để tập hợp, đoàn kết các tầng lớp thanh niên nhằm phát huy triệt để vai trò, sức mạnh to lớn của Đoàn trước bối cảnh hoạt động Đoàn chịu nhiều tác động tiêu cực từ áp lực “cơm, áo, gạo, tiền” và sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ?
Bài 1: Dấu ấn thanh niên qua các chặng đường lịch sử
ĐVTN là một bộ phận quan trọng của đất nước. Trong truyền thống vẻ vang của Đoàn, suốt chiều dài lịch sử dân tộc, ĐVTN luôn tỏ rõ bầu nhiệt huyết, tinh thần cống hiến của tuổi trẻ, hăng hái tiên phong trên mọi lĩnh vực, có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, dấu ấn ĐVTN đã in đậm ở nhiều công trình, phong trào lịch sử, mang tính biểu tượng của đất nước và trên nhiều lĩnh vực...
Sáng ngời phẩm chất thanh niên
Chỉ mất hơn 5 giờ đồng hồ, chúng tôi đã hoàn thành chặng đường di chuyển qua những con đèo hùng vĩ từ TP Hà Giang lên đến huyện Đồng Văn, rồi Mèo Vạc. Cung đường kỳ vĩ ấy trước đây người dân phải mất nhiều ngày mới vượt qua được nó. Đó là công trình mang đậm dấu ấn của ĐVTN, được đặt tên là “Con đường Hạnh Phúc”. Để “xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống nhân dân để làm cơ sở cho cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, Trung ương Đảng, Chính phủ giao cho Khu ủy Khu tự trị Việt Bắc, Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam huy động lực lượng thanh niên của 6 tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hà Giang tham gia xây dựng tuyến đường từ TP Hà Giang lên huyện Đồng Văn.
Ngày 10-9-1959, công trình được khởi công với sự tham gia của 1.200 thanh niên thuộc 8 đại đội. Qua 4 năm thi công, vừa vật lộn với sự khắc nghiệt của thời tiết, điều kiện thi công, sinh hoạt, vừa đối phó với tàn quân phỉ thường xuyên quấy phá, con đường dài 164km đã được hoàn thành vào tháng 9-1963. Để hoàn thành nốt hơn 20km đường nối huyện Đồng Văn với huyện Mèo Vạc, thêm 300 thanh niên của hai tỉnh Nam Định và Hải Dương được huy động lên hợp lực xây dựng, đặc biệt là đoạn Mã Pì Lèng toàn vách đá tai mèo dựng đứng, vực sâu thăm thẳm xuống tận sông Nho Quế. Tháng 3-1965, sau 6 năm thi công, với biết bao mồ hôi cùng máu và cả sự mất mát hy sinh, tuyến đường dài 185km được hoàn thành, với hơn 2,2 triệu ngày công.
 |
Trí thức trẻ tình nguyện công tác tại Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 379, Quân khu 2 theo Dự án “Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế-quốc phòng giai đoạn 2010-2020”. Ảnh: PHẠM KIÊN |
Rời Hà Giang, chúng tôi tìm đến địa chỉ của bà Lê Thị Ngừng (sinh năm 1954, ở Thanh Xuân, Hà Nội) là người phụ nữ duy nhất lái máy xúc ở công trường Thủy điện Hòa Bình trong thập niên 1980. Dù không biết tiếng Nga nhưng quyết tâm học lái máy xúc bằng được, bà miệt mài học hỏi, quan sát và làm theo chuyên gia người Nga. Cuối cùng, bà đã thành công khi lái được máy xúc lớn.
Bồi hồi nhớ về những năm tuổi trẻ, Anh hùng Lao động Lê Thị Ngừng xúc động kể: “Chúng tôi vừa làm vừa động viên nhau vì công việc rất căng thẳng. Thanh niên cả nước đã góp rất nhiều sáng kiến và huy động lương thực, thực phẩm chở lên chia sẻ với công trường, tạo ra khí thế quyết tâm rất lớn của tuổi trẻ chinh phục dòng sông Đà hung dữ”. Thời điểm năm 1988, có đến 40.000 ĐVTN làm việc trên công trường. Trong quá trình xây dựng, 168 người đã mãi mãi gửi lại tuổi thanh xuân ở đây. Năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) công nhận công trường xây dựng Thủy điện Hòa Bình là Công trường Thanh niên Cộng sản.
Là một trong số hàng vạn thanh niên tham gia mở đường Trường Sơn để chi viện lương thực, vũ khí, sức người... cho chiến trường miền Nam, ông Nguyễn Cao Vãng, Phó chủ tịch Thường trực Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam luôn tự hào kể về những ngày là đội viên đội cảm tử phá bom nổ chậm. Lúc ấy, những người làm nhiệm vụ tháo bom, phá bom từ trường, bom nổ chậm... luôn đối mặt với cái chết, nhưng ai cũng xung phong với tâm trạng nôn nóng để mở đường cho xe qua.
“Ngày 6-10-1968, địch thả đầy bom bi dây, bom nổ chậm, bom từ trường khiến hàng trăm xe không thể đi qua. Tôi và 3 đồng chí nữa, trong đó có Hoàng Lộc, nhà ở phố Trần Xuân Soạn (Hà Nội) xung phong ra tuyến phá bom. Bất ngờ, một quả bom bi nổ gần chúng tôi. Nghe thấy Lộc nói “anh Vãng ơi, tôi bị mất một mắt rồi”, tôi vội vàng quay sang thì thấy Hoàng Lộc người sạm đen, đầy máu, ngã gục xuống nhưng vẫn nhắn nhủ với tôi: “Cho tôi hôn cờ Đảng. Vãng ơi! Đừng bỏ đồng bào miền Nam nhé!”. Tôi ôm lấy Lộc và anh hy sinh sau đó một giờ”, ông Nguyễn Cao Vãng nhớ lại.
Không thể kể hết những thành tích trong trang sử vàng của ĐVTN suốt những năm tháng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhưng chắc chắn sự kiện, công việc nào, công trình, thành tích gì của đất nước, của dân tộc cũng đều có dấu ấn, đóng góp của ĐVTN.
Khi được chúng tôi hỏi “động lực nào đã thôi thúc thanh niên vượt qua khó khăn, hy sinh xương máu để góp sức giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc?”, ông Vũ Trọng Kim, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam cho biết: “Vào giai đoạn của chúng tôi, không cần phải có ban vận động gì, chủ yếu là tinh thần xung phong. Là đội viên thiếu niên gương mẫu ở vùng giải phóng xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, 16 tuổi, tôi đã được kết nạp vào Đoàn Thanh niên, phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong tham gia lực lượng quần chúng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968 tại Hội An, Thăng Bình.
Chúng tôi tham gia cõng gạo chi viện cho bộ đội, chuyển thương binh về các bệnh viện dã chiến mà không biết sợ là gì. Đó chính là tinh thần của thanh niên. Nếu không có tinh thần của người trẻ thì không thể có được sức mạnh ấy. Mạch nguồn của những phong trào đoàn hiệu quả thời bấy giờ chính là tinh thần gương mẫu của người cán bộ đoàn. Động cơ của chúng tôi lúc đó không phải là đi làm vì có chính sách gì. Khi đất nước độc lập, phồn vinh, chúng tôi mới đề nghị những gì TNXP đáng được hưởng”.
Viết tiếp những trang sử vàng
Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Phạm Văn Điều, Chủ tịch UBND xã Bản Cái, huyện Bắc Hà (Lào Cai) vẫn còn nguyên nhiệt huyết xung kích của tuổi trẻ từ những ngày đầu về công tác ở các xã vùng cao này. Tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp 1 (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) rồi ở lại TP Hà Nội lập nghiệp, nhưng khi biết tin ngày 26-1-2011, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 170/QĐ-TTg phê duyệt Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo (Dự án 600), anh Điều đã nộp hồ sơ và được điều động về làm Phó chủ tịch UBND xã Na Hối, huyện Bắc Hà. Đặt chân đến Na Hối, giữa bát ngát núi rừng, bộn bề khó khăn, Phạm Văn Điều trăn trở, mình phải tìm hướng làm giàu cho bà con.
Vì sao ở đây người dân thường chỉ trồng ngô, lúa và mận? Trong khi đó, khí hậu ở Bắc Hà khắc nghiệt, mưa mù quanh năm, một năm mất 3 tháng ăn chơi: Tháng Chạp, tháng Giêng và tháng Hai nên cái đói, cái nghèo mãi bủa vây là dễ hiểu. Bằng chính nhiệt huyết của tuổi trẻ cộng với kiến thức đã được học, nhận thấy khí hậu ở đây có thể trồng được cây atiso, năm 2012, anh Điều cùng lãnh đạo xã đưa cây atiso về vùng đất này. Ban đầu chỉ có 4 hộ tham gia trồng thử nghiệm trên diện tích 3.000m2. Nhưng để có được diện tích nhỏ nhoi này cũng không dễ, vì thời điểm đó, người dân chưa tin. Họ sợ phải thay đổi tập quán canh tác đã tồn tại lâu đời, phải phá bỏ những cây mận hàng chục năm. Vận động người dân trồng atiso đã khó, đến khâu chế biến còn khó bộn phần.
Lại là một cuộc vận động. Với tư tưởng phát triển chuỗi sản xuất nông nghiệp một cách bền vững, từ khâu trồng trọt đến chế biến và tiêu thụ, anh Điều thành lập Hợp tác xã Chế biến dược liệu Na Hối, vận động người dân tham gia vào hợp tác xã. “Thời điểm tôi mới về, gặp nhiều khó khăn như chưa có kinh nghiệm quản lý, người dân không tin tưởng. Phải mất 5 phiên họp, người dân mới nhất trí trồng 3.000m2, mỗi nhà trồng thử nghiệm một ít. Đầu ra đã có nhưng lúc đầu người dân vẫn không dám làm. Vậy là tôi lại đứng ra trực tiếp làm luôn. Vốn đầu tư ban đầu tôi bỏ ra. Đến khi trừ chi phí, có lãi thì tôi chuyển giao cho người dân”, anh Điều chia sẻ.
Khi hỏi về đóng góp của người cán bộ trẻ cho cuộc sống ấm no hơn của người dân xã Na Hối, bà Nguyễn Thị Nụ (Km 6, xã Na Hối) phấn khởi cho biết: “Từ ngày có dự án phát triển cây atiso, không còn những tháng ăn chơi nữa, chúng tôi có thu nhập nhiều hơn, không nghèo khổ như trước. Giờ gia đình tôi đã thoát nghèo và làm gương cho mọi người học rồi”. Từ tháng 9-2019, đồng chí Phạm Văn Điều về làm Chủ tịch UBND xã Bản Cái, nhưng người dân xã Na Hối sẽ không bao giờ quên hình ảnh người cán bộ trẻ đa tài, sâu sát, tận tình giúp đỡ nhân dân.
Sau hơn 10 năm triển khai, Dự án 600 góp phần quan trọng giúp các xã khó khăn từng bước xây dựng được đội ngũ cán bộ trẻ có trình độ, năng động, sáng tạo, tích cực cùng cấp ủy, chính quyền trong thực hiện các nhiệm vụ. Những “hạt giống đỏ” được ươm trồng trong gian khó nay đã trưởng thành. Dư âm, hiệu quả mang lại từ dự án vẫn tiếp nối, lan tỏa...
 |
Đoàn viên, thanh niên Sư đoàn 8, Quân khu 9 cùng thanh niên địa phương dựng đèn chiếu sáng tại xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp). Ảnh: QUANG ĐỨC |
Một dự án khác đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia tích cực của ĐVTN, đó là dự án xóa cầu khỉ ở Đồng bằng sông Cửu Long được Thủ tướng Chính phủ giao Trung ương Đoàn thực hiện vào năm 2000. Bằng giải pháp của cơ sở đoàn và cơ chế vốn 60+30+10 (Chính phủ đầu tư vốn 60%, địa phương 30%, công thanh niên 10%), ngay trong loạt đầu tiên, 475 cây cầu được xây ở 5 tỉnh, sau đó là hàng nghìn cây cầu khác. Thanh niên làm cầu ở đâu, dân cho ăn ngủ ở đó. Người dân vui vì nhờ thanh niên mà có cây cầu an toàn cho trẻ đi học. Thông qua dự án, đã có hơn 5.500 thanh niên có việc làm ổn định, hàng nghìn ĐVTN học tập được kỹ thuật làm cầu mới và các cơ sở đoàn kết nạp 25.120 đoàn viên mới. Thành công của dự án còn là sự khơi dậy toàn xã hội tham gia phong trào xóa cầu khỉ, xây dựng cầu nông thôn mới khắp nơi.
Trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, tuổi trẻ cả nước đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống của các thế hệ cha anh, bắt nhịp nhanh với điều kiện mới, vươn lên lập thân, lập nghiệp, xung kích, sáng tạo, sẵn sàng có mặt ở mọi nơi khó khăn, gian khổ, đón nhận nhiệm vụ mới. Dự án 600, dự án xóa cầu khỉ là những điển hình thu hút được ĐVTN tham gia, qua đó, họ đã phát huy được năng lực, trí tuệ, sở trường của mình. Nó cũng chứng minh, nếu có những phong trào, hoạt động thiết thực sẽ dễ dàng thu hút được ĐVTN tham gia.
Thực tiễn cho thấy, các phong trào thanh niên trong gần 91 năm qua với hình thức đa dạng, phong phú và nội dung triển khai đáp ứng nhu cầu của thanh niên, yêu cầu thực tiễn đã làm nên uy tín, vị thế của tổ chức đoàn. Nhiều phong trào có sức bền vững, lan tỏa, giá trị lịch sử, truyền cảm hứng sâu rộng trong cộng đồng như Phong trào “Ba sẵn sàng”, “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”... Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội đã ghi nhận thành tích, công lao đóng góp của Đoàn Thanh niên khi hai lần trao tặng phần thưởng cao quý là Huân chương Sao Vàng. Đó là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực, phấn đấu không ngừng của cả hệ thống tổ chức đoàn từ khi ra đời đến nay.
Phát biểu với Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2017-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, thanh niên nước ta hết thế hệ này đến thế hệ khác đã luôn nêu cao tinh thần yêu nước, không ngại gian khổ, không sợ hy sinh, sẵn sàng phấn đấu, dấn thân vì sự nghiệp dựng nước và giữ nước".
|
(còn nữa)
ĐỨC TUẤN - HUYỀN TRANG - VĂN THI - NGUYỄN ANH