Ăn tranh thủ, ngủ ít thôi

Sáng 26-2, chúng tôi tình cờ gặp y sĩ Phạm Thị Bích Ngọc, Khoa Y tế công cộng, Trung tâm Y tế TP Chí Linh (Hải Dương) khi chị đang tiến hành lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại phường Văn An. Nhiệm vụ của chị và các đồng nghiệp trong ngày là tới 15 xã, phường của TP Chí Linh lấy tổng số hơn 1.500 mẫu xét nghiệm có biểu hiện dịch tễ. Ngày 25-2, tổ xét nghiệm của chị cũng đã lấy số mẫu xét nghiệm tương đương. Gần một tháng kể từ khi ca bệnh Covid-19 đầu tiên xuất hiện ở Hải Dương, chị và đồng nghiệp không có ngày nào ngơi nghỉ, cũng chưa được về nhà. Thời gian đầu, với những mẫu khẩn, họ phải trực tiếp chuyển ra Hà Nội để xử lý ngay trong đêm, sau đó trở về Hải Dương để tiếp tục cho công việc hôm sau. Tất cả làm việc trên tinh thần “ăn tranh thủ, ngủ ít thôi”...

Đó là tình trạng chung của những bác sĩ đang phục vụ công tác PCD tại tỉnh Hải Dương. Bác sĩ Hoàng Thị Thư, Khoa Nhi, Bệnh viện dã chiến số 2 (Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương) cũng chưa được về nhà kể từ ngày 28-1. Mỗi ngày, trong bộ đồ bảo hộ mà mọi người thường gọi với cái tên "bộ đồ nuôi ong”, bác sĩ Thư thực hiện công việc đều đặn: Sáng lấy dấu hiệu sinh tồn cho bệnh nhân, sau đó hỏi han, cho thuốc bệnh nhân. Công việc buổi chiều, tối cũng tương tự. Đối với bệnh nhân nặng, khoảng hai giờ chị thăm khám một lần.

Không chỉ tại các bệnh viện mà ở những khu cách ly, vừa qua, đội ngũ y sĩ, bác sĩ cũng không có Tết. Có những thầy thuốc còn tình nguyện ở lại phục vụ công tác chăm sóc, theo dõi sức khỏe công dân cách ly đã hơn một năm trời. Đó là những bác sĩ, y sĩ đang làm việc tại khu cách ly Trung đoàn 125 (Bộ CHQS tỉnh Hải Dương) mà điển hình là Trung úy QNCN Phùng Văn Mạo, Ban Quân y, Phòng Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh Hải Dương.

Phải làm việc trong thời gian dài, có yếu tố dịch tễ nguy hiểm là những vấn đề mà các y sĩ, bác sĩ phải đối diện. Thế nhưng, với họ, sự vất vả có khi lại đến từ những thứ tưởng như rất nhỏ. Bác sĩ Ngô Đức Hùng (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai), người được tăng cường làm nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 2 ở TP Hải Dương, chia sẻ: "Với chúng tôi, điều đáng sợ nhất không phải là nguy cơ nhiễm Covid-19, bởi nếu sợ thì đã không vào. Chúng tôi cũng không sợ bị kỳ thị khi người quen nhìn thấy thì kiếm cớ tránh xa. Sự tra tấn khủng khiếp nhất là khi bị ngứa mũi trong "bộ đồ nuôi ong" kín mít cùng khẩu trang N95 “sang, xịn, mịn”. Cảm giác ấy thật khổ sở làm sao. Cái ngứa từ mũi nó luồn dần lên óc, dấm dứt khiến mắt hoa lên. Cái khẩu trang dày cộp chỉ cho không khí lọt vào từ từ, không thể khịt mũi, cũng càng không thể thò tay lên mà gãi được..."

 Phút nghỉ ngơi của các y sĩ, bác sĩ, nhân viên xét nghiệm trong Bệnh viện dã chiến số 1. 

Gần nhà nhưng không thể về

Với y sĩ Phạm Thị Bích Ngọc, dịp Tết vừa rồi thật đặc biệt trong cuộc đời chị. Chồng chị là giáo viên Trường THPT Phả Lại, khi có dịch, trường trở thành khu cách ly và anh cũng tình nguyện ở lại chống dịch. Con gái của chị Ngọc 18 tuổi, đang học đại học năm thứ nhất; con trai mới học lớp 2. Chị Ngọc kể: “Hai cháu tự ăn tết ở nhà vì bố mẹ đều tham gia PCD, chúng tôi cũng chưa kịp sắm sửa gì. Vợ chồng tôi tranh thủ gọi điện thoại cho ông bà, nói năm nay thông cảm vì không về được. Đúng là một cái tết đặc biệt”.

Với bác sĩ Hoàng Thị Thư, chị có chút tâm tư bởi cậu con trai 4 tuổi thời gian gần đây có vẻ “dỗi”, không thèm nói chuyện khi chị gọi điện thoại về. “Chắc tại vợ chồng tôi xa cháu lâu quá”, chị giải thích. Chồng chị Thư hiện công tác tại Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội Hải Dương, Tết vừa qua anh cũng không về nhà vì làm nhiệm vụ PCD. Cậu con trai chị Thư đành phải gửi về bà ngoại. “Hết dịch trở về, tôi sẽ cho cháu đi Hà Nội chơi để bù lại những ngày thiếu vắng bố mẹ”, bác sĩ Thư tâm sự.

Sự hy sinh ấy, chúng tôi càng thấm thía hơn khi tâm sự với Trung úy QNCN Phùng Văn Mạo. Hơn một năm trời làm việc tại khu cách ly, anh chỉ được về nhà vài ngày. Khi vợ sinh con, anh cũng không về được dù nhà không quá xa đơn vị...

Vất vả, hy sinh là thế, nhưng các y sĩ, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch đã được tiếp thêm nhiều động lực để vượt qua khi họ nhận được những tình cảm ấm áp từ người bệnh. Tại Bệnh viện dã chiến số 1 (Trung tâm Y tế TP Chí Linh), Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Đình Khoa, Trưởng khoa Ngoại cũng bám trụ gần một tháng qua. Công việc hằng ngày của anh là thu thập thông tin của các bệnh nhân F0, theo dõi quá trình diễn biến bệnh lý và chỉ định thuốc cho họ. Chúng tôi, những phóng viên trực tiếp có mặt trong khu điều trị bệnh nhân F0 đã chứng kiến khi bác sĩ Nguyễn Đình Khoa thay ca, các bệnh nhân đều đứng bên cửa sổ vẫy tay chào anh. Một cử chỉ ấm áp tình người.

Kể về tấm lòng của bệnh nhân, bác sĩ Hoàng Thị Thư vui vẻ nói: “Rất nhiều bệnh nhân sau khi bình phục đã gửi lời cảm ơn, động viên chúng tôi. Nhiều người còn gửi cả ảnh, clip cảm ơn. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc”...

Trong những ngày tỏa về các địa bàn, khu cách ly, các bệnh viện dã chiến thu dung bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hải Dương, chúng tôi không khỏi xúc động, tự hào về đội ngũ y sĩ, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch-về những "thiên thần áo trắng”. Họ thầm lặng để lại phía sau gia đình nhỏ, hạnh phúc của mình để chiến đấu bảo vệ “gia đình lớn", quê hương, đất nước. Cường độ làm việc liên tục, không kể ngày đêm, nhiều khi phải ăn đứng, ngủ ngồi...

Trước một ngày kỷ niệm 66 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 / 27-2-2021), nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân tác nghiệp tại tâm dịch Hải Dương được chứng kiến những "chiến sĩ áo trắng" vẫn xông pha PCD, quên cả ngày lễ lớn của mình. Không liên hoan, không gặp mặt, vắng cả những bó hoa vì toàn tỉnh đang trong điều kiện PCD, nhưng những "chiến binh dập dịch" vẫn rất vinh dự, tự hào bởi đồng bào cả nước đang hướng về họ với niềm cảm phục, biết ơn sâu sắc.

Chúng tôi chỉ mong, để bù đắp cho những cống hiến hy sinh thầm lặng của các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, mọi người dân hãy cùng nêu cao ý thức tự giác PCD để chung tay đẩy lùi, chiến thắng đại dịch Covid-19. Nếu không, sẽ rất phí công sức, phụ cả sự hy sinh của rất nhiều người đã và đang nỗ lực hết mình để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, vì sự bình yên và phát triển của quê hương, đất nước.

Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương chia sẻ: “Trong “cuộc chiến” với dịch Covid-19 ở tỉnh Hải Dương cũng như ở nhiều địa phương trên cả nước, có thể nói đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế là một trong những lực lượng xung kích đi đầu. Các thầy thuốc đã trực tiếp làm nhiệm vụ ở những nơi có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao nhất, đó là điều trị cho bệnh nhân trong các bệnh viện, làm công tác lấy mẫu, xét nghiệm, phục vụ tại các khu cách ly tập trung, kiểm soát dịch bệnh tại các chốt... Tới các bệnh viện dã chiến phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19, các khu cách ly, chốt kiểm soát phòng dịch trong những ngày qua, chúng tôi đã chứng kiến sự nỗ lực làm việc, cống hiến hết mình của các chiến sĩ quân đội, công an, dân quân, tự vệ, sinh viên tình nguyện... nhất là các nhân viên y tế, có đồng chí đã mãi ra đi do gặp tai nạn trên đường làm nhiệm vụ. Nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, thay mặt Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Hải Dương, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc nhất và chúc các y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vô cùng cao quý của mình, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, nhất là trong đại dịch Covid-19 nguy hiểm này”.   

 

ĐÔNG SƠN VIỆT - HÀ HIẾU HUY