Cuộc họp diễn ra hơn hai tiếng đồng hồ, kết thúc lúc gần 23 giờ vì xuất hiện thêm bệnh nhân Covid-19 ở huyện Kim Thành! Gần một tháng qua, cả hệ thống chính trị và quân dân Hải Dương đã thường trực “chiến đấu” với “giặc” Covid-19. Giờ càng phải nỗ lực để sớm dập dịch...
Nhớ “4 tại chỗ”...
Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân về Hải Dương tác nghiệp từ ngày 19-2 và được bố trí ăn ngủ tại Bộ CHQS tỉnh, nhưng sáng sớm 23-2, chúng tôi mới có được vài phút trao đổi trực tiếp với Đại tá Nguyễn Huy Thăng, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Hải Dương trước khi đồng chí đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 ở “điểm nóng mới” là huyện Kim Thành. Anh Thăng nói nhanh, đại ý:
- Đêm qua, các đồng chí đã cùng dự họp ở Bộ CHQS tỉnh nên nắm được cơ bản tình hình rồi. Chúng tôi đang tiếp tục tham mưu, phát huy cao độ “4 tại chỗ” để nỗ lực dập dịch, nhất là ở những điểm mới phát sinh. Đặc biệt, với tinh thần “chiến đấu trong thời bình” thì LLVT phải xung kích, tiên phong cùng các lực lượng tham gia PCD. Hôm nay, các đồng chí tiếp tục đi thực tế sẽ thấy.
Đúng 7 giờ ngày 23-2, đoàn công tác chúng tôi có mặt tại thị trấn Phú Thái, trung tâm huyện Kim Thành. Ban CHQS huyện chỉ có đồng chí trực ban ở lại vì ngoài anh em bám chốt PCD và trực tại các điểm cách ly thì tất cả đang tập trung ở khu vực nhà thi đấu của huyện để triển khai gấp khu cách ly cho khoảng 200 người. Trung tá Nguyễn Quang Mạnh, Chính trị viên Ban CHQS huyện Kim Thành mắt thâm quầng sau nhiều đêm ít ngủ, đang cùng cán bộ, chiến sĩ và dân quân khẩn trương lắp đặt hệ thống vách ngăn, kê tấm nệm... Nói trong hơi thở gấp gáp qua lớp khẩu trang, anh Mạnh cho biết: "Ngày 22-2, huyện Kim Thành phát hiện thêm 3 trường hợp nhiễm Covid-19. Ngay trong đêm, Ban chỉ đạo PCD của huyện đã triển khai các lực lượng tại chỗ tiến hành truy vết, lấy tờ khai y tế của 8.000 người, đồng thời triển khai thêm hai khu cách ly...".
 |
Các lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phòng dịch Covid-19 ở thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành (Hải Dương). |
8 giờ sáng, Thượng tá Vũ Đăng Khoa, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Kim Thành vừa từ hai điểm phát hiện bệnh nhân về tới nhà thi đấu của huyện thì nhận được tin báo: Ban chỉ đạo PCD huyện họp gấp! Trước khi rời khỏi khu cách ly đang dần hoàn thiện, anh Khoa nhắc cán bộ phụ trách thi công tại đây: “Nhớ lắp đặt thêm wifi để các cháu đến cách ly còn học trực tuyến và vận dụng “4 tại chỗ” trong tổ chức khu cách ly”.
Những ngày qua khi tác nghiệp ở vùng dịch Hải Dương, chúng tôi phần nào chứng kiến việc thực hiện “4 tại chỗ” trong công tác PCD. Cơ quan quân sự các cấp từ tỉnh đến huyện, xã đều chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền, ban chỉ đạo PCD địa phương vận dụng thực hiện phương châm này nhằm nhanh chóng thành lập 203 khu cách ly tại địa bàn với người chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ và vật tư, phương tiện tại chỗ cùng hậu cần tại chỗ. Việc thành lập các chốt kiểm soát PCD, tiến hành kê khai y tế, rà soát các trường hợp F0, F1, F2, F3 cũng tương tự như vậy. Kể cả các xã, huyện chưa có trường hợp nhiễm Covid-19 thì các cơ quan, đơn vị đều bố trí lực lượng trực thường xuyên và chuẩn bị phương tiện, lương thực, thực phẩm, dụng cụ y tế, trang bị phòng dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn... chu đáo, sẵn sàng triển khai thực hiện PCD ở cấp độ cao. Lực lượng phục vụ công tác PCD được thành lập ở tất cả 12 huyện, thị xã, thành phố, thường xuyên kiện toàn, hoạt động hiệu quả. Với sự chủ động ấy, dù đợt này chủng virus mới rất dễ lây nhiễm và địa bàn Hải Dương cũng có nhiều yếu tố gây khó khăn cho công tác PCD nhưng cùng với sự chỉ đạo và giúp đỡ của trên, đến nay, tình hình dịch Covid-19 tại địa phương cơ bản được kiểm soát.
Sức mạnh đồng lòng
Ngày 23-2, vào một số khu cách ly tác nghiệp, chúng tôi được biết rất nhiều cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ CHQS tỉnh Hải Dương đã tình nguyện viết đơn xin vào vùng “tâm dịch” để góp phần sớm đẩy lùi “giặc” Covid-19.
Mặc dù hai con còn nhỏ, vợ làm cán bộ y tế phải trực tiếp tham gia PCD Covid-19 tại thị xã Kinh Môn nhưng Thiếu tá Nguyễn Văn Cương, trợ lý Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị Bộ CHQS tỉnh Hải Dương vẫn viết đơn tình nguyện đến TP Chí Linh thực hiện nhiệm vụ chống dịch. Hiện anh Cương đang được phân công phục vụ tại điểm cách ly ở Trường THCS Lê Lợi (xã Lê Lợi, TP Chí Linh). Đại úy Nguyễn Tuấn Hùng, trợ lý doanh trại Phòng Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh Hải Dương cũng bàn với vợ gửi các con về nhờ ông bà nội chăm sóc để xung phong đi chống dịch ở TP Chí Linh. Anh Hùng kể: “Vợ và các con tôi cũng thông cảm và ủng hộ khi tôi viết đơn xin đi chống dịch. Điều đó giúp tôi yên tâm hơn khi công tác xa nhà”.
Trao đổi với các đồng chí cán bộ Bộ CHQS tỉnh Hải Dương tại hiện trường lắp ghép khu cách ly ở huyện Kim Thành, chúng tôi được biết, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ thuộc LLVT tỉnh Hải Dương đã viết đơn xin được đến các “điểm nóng” tham gia PCD. Trong đó, nhiều đồng chí hoàn cảnh gia đình neo đơn, khó khăn nhưng vẫn gác việc riêng, không quản hiểm nguy để bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân và quê hương, đất nước.
Không đến được tất cả 950 chốt kiểm soát phòng dịch các cấp trên toàn tỉnh Hải Dương, nhưng trong quá trình tác nghiệp, gặp chốt nào chúng tôi cũng phải xuất trình giấy tờ, làm các thủ tục, đo nhiệt độ theo đúng quy định PCD. Số lượng chốt phòng dịch dày đặc từ tỉnh đến thôn, xóm đòi hỏi nhân lực rất lớn, trong khi lực lượng thường trực quân sự, công an và y tế có hạn. Đi qua trạm, chốt nào chúng tôi cũng gặp các thầy giáo, cô giáo, thanh niên tình nguyện tham gia hỗ trợ lực lượng chức năng trực suốt 24/24 giờ trong ngày.
Tại chốt số 3 trước Trạm Y tế phường Tân Bình, TP Hải Dương, chúng tôi được cô Nguyễn Thị Thu Hà, giáo viên Trường Tiểu học Thạch Khôi cho biết: "Ngoài giờ lên lớp bằng phương pháp dạy học trực tuyến, các thầy cô của nhà trường đều tình nguyện tham gia trực chốt phòng dịch. Mỗi chốt có 3 giáo viên, chia làm hai ca, sáng từ 6 giờ đến 9 giờ, chiều từ 4 giờ đến 5 giờ 30 phút. Tất cả đều nỗ lực vì mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh.
Có thể nói, để chống dịch hiệu quả, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, không thể thiếu sức mạnh tổng lực của cả xã hội, của nhân dân. Và “Tổ giám sát Covid tại cộng đồng” là giải pháp hiệu quả của tỉnh Hải Dương. Đây được coi là "cánh tay nối dài" của các lực lượng chức năng để kiểm soát đến từng hộ dân, từng người.
Huyện Cẩm Giàng-một “điểm nóng” về dịch Covid-19 đã thành lập 764 “Tổ giám sát Covid tại cộng đồng” với hơn 1.500 thành viên. Họ đến từng nhà, rà từng người để thông tin, nhắc nhở người dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định PCD. Không ít trường hợp bệnh nhân Covid-19 được tổ phát hiện.
Từ lúc 6 giờ sáng, 5 "Tổ giám sát Covid tại cộng đồng" ở thôn Đào Xá, xã Cao An (Cẩm Giàng) đã hoạt động. Ông Nguyễn Văn Khoái, Trưởng thôn Đào Xá cho biết: “Đào Xá hiện có 420 hộ dân. Cứ 3 lần mỗi ngày, "Tổ giám sát Covid tại cộng đồng" lại đến từng nhà để nắm tình hình và nhắc người dân thực hiện các biện pháp PCD. Trường hợp nào có biểu hiện ốm sốt, chúng tôi đôn đốc gia đình khai báo y tế để lấy mẫu xét nghiệm ngay. Ngoài ra, đang là vụ mùa nên chúng tôi cũng nhắc người dân khi ra đồng cũng phải tuân thủ các quy định phòng dịch”.
Nhiều thành viên trong các "Tổ giám sát Covid tại cộng đồng" dù tuổi đã cao nhưng vẫn tích cực tham gia PCD. Gặp chúng tôi lúc trời nhá nhem tối, ông Nguyễn Quang Huy, Bí thư chi bộ thôn Thu Lãng, xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng), kể: “Tôi tranh thủ đi nhắc vì giờ này bà con hay ở nhà. Là đảng viên thì càng phải có trách nhiệm trong việc PCD. Thôn chúng tôi hiện có 6 "Tổ giám sát Covid tại cộng đồng", phụ trách 314 hộ gia đình. Đặc biệt, trong thôn có rất nhiều công nhân làm việc ở các khu công nghiệp tạm trú, chúng tôi phải chú ý theo dõi hơn”.
Tính đến ngày 23-2, toàn tỉnh Hải Dương có hơn 8.000 "Tổ giám sát Covid tại cộng đồng" với gần 17.000 thành viên. Mô hình này đã và đang góp phần quan trọng trong công tác PCD Covid-19.
Nghĩ về “thế trận lòng dân” trong PCD Covid-19, chúng tôi không khỏi xúc động khi đọc lá thư của cháu Vũ Phương Ngân (học sinh Lớp 6H, Trường THCS Võ Thị Sáu, TP Hải Dương) viết gửi bố là Trung tá Vũ Đình Toàn, trợ lý chính trị Phòng Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh Hải Dương. Xin trích một đoạn trong bức thư này: “Kể từ khi bố phải đi trực chốt dịch Covid-19 ở Chí Linh, Hải Dương, con, mẹ và anh nhớ bố lắm... Bố ơi, mẹ và anh em con ở nhà vẫn rất khỏe. Bố đừng quá lo lắng nhé! Bố hãy cứ làm tốt nhiệm vụ của mình, kiểm soát dịch thật tốt để cống hiến cho đất nước. Mọi người đều chờ tin vui từ bố... Nếu bố tự hào vì con là học sinh giỏi thứ hai trong lớp thì con tự hào vì bố của con là một tấm gương sáng để chúng con noi theo. Cả nhà cùng chống dịch và con sẽ không quên câu nói “chống dịch như chống giặc”... |
(còn nữa)
ĐÔNG SƠN - VIỆT HUY - HÀ HIẾU