Riêng Ấn Độ cử đoàn tham gia với tư cách quan sát viên. Tinh thần thi đấu hết mình, đầy nhiệt huyết của các đội tuyển để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Một trong số đó là đội tuyển Congo.

Đội tuyển "Vùng tai nạn" Congo cùng Thiếu tướng Lã Đại Phong, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam và Chuẩn đô đốc Subbotin Andrei Nikolaevich, đại diện Ban tổ chức Army Games 2022 của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga.

Theo lịch bốc thăm của Ban tổ chức, đội tuyển Congo được xếp thi đấu cặp đôi với đội tuyển Myanmar. Kết quả là dù về sau đối thủ đến gần một tiếng đồng hồ, nhưng đội Congo vẫn cần mẫn, thận trọng thực hiện từng nội dung thi đấu, không bỏ sót một mục nào. Chưa hết, họ còn khiến cả thao trường ngạc nhiên và thích thú với màn biểu diễn ca hát, nhảy múa đầy ngẫu hứng ngay trên đường đua. Khi dàn đồng ca của đội tuyển Congo cất vang, toàn bộ khán giả và Ban giám khảo cuộc thi đồng loạt đứng dậy vỗ tay.

Đó là những tràng pháo tay dành tặng tinh thần thi đấu kiên cường, tinh thần thể thao fair play, thua không nản của đội tuyển Congo. Sự mệt nhọc và cả cái nóng oi bức trên thao trường dường như tan biến. Sức mạnh của âm nhạc, của lời ca, tiếng hát đã xóa nhòa mọi ranh giới về ngôn ngữ, màu da... xóa tan mọi sự ăn thua vốn có trong một cuộc đua.  

Chiều hôm đó, tranh thủ giờ giải lao, tôi tiếp cận Trung úy Koutatouka Jurdelein Brown, Đội trưởng đội tuyển Congo. Koutatouka là kỹ sư ngành bản đồ học, đang theo khóa huấn luyện quân sự 5 năm tại Nga. Giống như anh, các thành viên đội tuyển Congo đều là học viên quân sự đang học tập tại Nga.

Trung úy Koutatouka Jurdelein Brown, Đội trưởng Đội tuyển "Vùng tai nạn" Congo trò chuyện với Trung tá Trịnh Thị Xoan, giảng viên Học viện Khoa học Quân sự. Ảnh: MAI VŨ 

Lần đầu tiên tham dự một hội thao quân sự quốc tế nên đội tuyển Congo xác định rõ mục đích tham gia để học hỏi, giao lưu là chính, rút kinh nghiệm thi đấu cho các năm tiếp theo. Qua hội thao lần này, các quân nhân Congo cũng có cơ hội luyện tập và trải nghiệm cách sử dụng nhiều loại trang bị, vũ khí, tiếp cận với khoa học-công nghệ ứng dụng trong quân sự; kỹ thuật bắn súng và kỹ năng cứu hộ, cứu nạn được nâng cao. Dù kết quả thi đấu chưa tốt song họ tự hào vì đã thi đấu hết mình, không bỏ cuộc, kể cả ở những phần thi khó nhất.

Đây là lần đầu tiên các VĐV đội tuyển Congo đặt chân tới đất nước Việt Nam. Từ sân bay, họ được xe của Ban tổ chức đưa thẳng tới Trung tâm Huấn luyện Quân sự quốc gia (TTHLQSQG) 4 tại Miếu Môn (Hà Nội)-nơi diễn ra cuộc thi. Để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các VĐV, việc ăn ở, tập luyện, thi đấu của tất cả các đội tuyển đều gói gọn tại Trung tâm. Ấn tượng của Koutatouka là điều kiện ăn ở, sinh hoạt tại đây rất tốt; đặc biệt, các bữa ăn đều được chuẩn bị chu đáo, ngon lành, đa dạng, hợp khẩu vị. Các VĐV còn được Ban tổ chức cấp SIM điện thoại, kết nối internet để giữ liên lạc với gia đình. Bên cạnh đó, thao trường tập luyện cũng được bố trí, sắp xếp khoa học, bài bản.

Tại thời điểm diễn ra cuộc thi, thời tiết còn khá nóng, nhiệt độ ngoài trời tuy chỉ khoảng 34-35oC song nắng gắt khiến không khí luôn oi bức, khó chịu. Trong các buổi tập, những nhân viên phục vụ hậu cần tại Trung tâm đều chuẩn bị chu đáo từ nước uống đến trang thiết bị tập luyện, mũ, áo mưa cho các VĐV. Đội trưởng đội tuyển Congo tỏ ra đặc biệt thích thú với bộ quần áo mưa của bộ đội Việt Nam vì sự tiện dụng, thiết kế hợp lý.

 Đội tuyển "Vùng tai nạn" Congo cùng thành viên Ban tổ chức trong dịp vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: NGÔ VIỆT TRUNG

Thậm chí anh còn hỏi xin vài bộ cho các VĐV đội tuyển của mình, song bộ phận phục vụ hậu cần không có sẵn, mà anh em mỗi người cũng chỉ có một bộ được cấp phát để sử dụng. Cái khó là TTHLQSQG 4 nằm biệt lập một nơi, các lực lượng phục vụ cũng tập trung ăn nghỉ tại chỗ, việc đi lại, ra vào cổng được kiểm soát chặt chẽ. Thế nên có muốn xoay xở cũng khó. Biết chuyện, phiên dịch cho đoàn Congo là Trung tá Trịnh Thị Xoan, giảng viên tiếng Pháp của Học viện Khoa học Quân sự đã trổ tài ngoại giao, nhờ vả khắp nơi, cuối cùng cũng xin được một bộ quần áo mưa bộ đội đem tặng Koutatouka làm kỷ niệm. 

Các đội tuyển bạn cũng đã có những trải nghiệm ấn tượng qua các chuyến tham quan tới vịnh Hạ Long, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử, đất nước, con người Việt Nam cũng như quá trình dựng nước và giữ nước, quá trình đấu tranh giải phóng, giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Vào Lăng viếng Bác, xúc động trước tình cảm kính trọng thiêng liêng đối với Bác của người dân Việt Nam, từ trẻ đến già, ở khắp mọi miền đất nước, Koutatouka càng khâm phục vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam và ấn tượng sâu sắc về sự thân thiện, cởi mở, hiếu khách của con người nơi đây. Với Koutatouka, Hà Nội hiện lên thật đẹp, đất nước Việt Nam thật đẹp. Anh bảo: "Nhất định sẽ có dịp tôi trở lại nơi đây!". 

HÀ PHƯƠNG