Đi vào tâm dịch

Tháng 7-2021, dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều lực lượng của quân đội lên đường vào Thành phố mang tên Bác sát cánh cùng nhân dân chống dịch. Trước tình hình đó, Ban biên tập Báo QĐND triển khai cho các phòng, ban chức năng và các tổ phóng viên nhanh chóng chuẩn bị về mọi mặt, đồng thời báo cáo thủ trưởng Tổng cục Chính trị cho phép phóng viên tăng cường vào miền Nam, phối hợp với lực lượng của Ban đại diện Báo QĐND tại TP Hồ Chí Minh tác nghiệp, kịp thời phản ánh hoạt động phòng, chống dịch (PCD) của các lực lượng ở tuyến đầu. Nhiều phóng viên đăng ký xung phong “ra trận”.

Ngày chủ nhật, mệnh lệnh từ thủ trưởng Tổng cục Chính trị được chuyển đến. Ngay trong buổi sáng, Ban biên tập triển khai nhiệm vụ. Tổ phóng viên số 4 gồm 3 đồng chí nhanh chóng có mặt tại tòa soạn với đầy đủ quân, tư trang, phương tiện tác nghiệp và quân y của báo đã chuẩn bị cho phóng viên các vật tư phòng dịch thiết yếu nhất. So với những lần vào tâm dịch Hải Dương và Bắc Giang, Bắc Ninh, trong lần điều quân vào phía Nam này của Báo QĐND, tình hình, điều kiện tác nghiệp xác định là cam go, phức tạp hơn nhiều. Địa bàn rộng lớn hơn. Dịch lan rộng và nghiêm trọng hơn.

leftcenterrightdel
Hai phóng viên Báo Quân đội nhân dân chuẩn bị vào khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Quân dân y Miền Đông để tác nghiệp. 

Làm thế nào để đưa phóng viên vào tâm dịch nhanh nhất? Đi đường hàng không thì việc đặt vé máy bay lúc đó vô cùng khó khăn và theo quy định, mọi công dân từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh phải thực hiện cách ly y tế. Phương án dùng ô tô của báo chạy từ Hà Nội vào đã được tính đến, nhưng di chuyển qua các tỉnh phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định PCD, phải có “giấy thông hành đặc biệt” mới có thể xuyên qua các chốt... Sau nhiều cuộc điện thoại tìm hiểu, liên hệ, tổ phóng viên “chiến trường” được cơ động theo đường hàng không vào tâm dịch.

Trước khi nhóm phóng viên “xuất kích”, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập căn dặn: “Vào miền Nam tác nghiệp lúc này là đi làm nhiệm vụ “chiến đấu” trong thời bình, nhiều khó khăn, thách thức, hiểm nguy nên các đồng chí cần phát huy tối đa tinh thần đoàn kết, bản lĩnh và ý chí của người chiến sĩ cầm bút để hoàn thành nhiệm vụ. Chú ý trong quá trình tác nghiệp phải bảo đảm an toàn phòng dịch. Tòa soạn chờ tin, bài từ các đồng chí!”.

F0 giả và lần “báo động”... thật

Ngay khi máy bay hạ cánh xuống Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, chúng tôi đã có thông tin gửi về tòa soạn vì anh em phân công nhau tác nghiệp từ lúc ở sân bay Nội Bài và cả trong quá trình bay. Tổ công tác gồm 3 phóng viên Báo QĐND và 1 đồng chí lái xe của Thường trực phía Nam Văn phòng Tổng cục Chính trị, được Bộ tư lệnh Quân khu 7 bố trí ở tại nhà khách quân khu. Mọi hoạt động ăn, nghỉ, đi lại, tác nghiệp đều khép kín. Anh em gọi vui là phải tự cách biệt với “thế giới bên ngoài”.

Đặc thù tác nghiệp tại các “điểm nóng”, thường xuyên tiếp xúc với các bệnh nhân Covid-19 và người nghi nhiễm virus SARS-CoV-2, vì vậy, tổ phóng viên được bố trí riêng một tầng, đi cầu thang riêng; cứ ra khỏi nhà là lên xe, xuống xe là đi thẳng về phòng nghỉ. Quy tắc bất di bất dịch được đồng chí Tổ trưởng, Thiếu tá Phạm Huy Quân đưa ra là: “Không đi ngang, rẽ tắt, không tiếp xúc với người lạ, triệt để thực hiện 5K!”.

Dù đã chú ý thực hiện đúng các quy định phòng dịch, song chúng tôi vẫn không tránh khỏi những lần “báo động”. Lần cả tổ công tác có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 khi test nhanh có lẽ là kỷ niệm đáng nhớ nhất.

Được sự giúp đỡ của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, tổ công tác có các bộ kit test nhanh Covid-19, đồng thời nắm được các thao tác cơ bản để có thể tự test cho mình và đồng đội. Mỗi sáng, trước khi lên xe đi tác nghiệp ở những “điểm nóng” là chúng tôi tự test; mỗi tuần đến xe labo di động của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga để test Real-time PCR một lần. Cũng vì sự “tay ngang” vừa làm y sĩ, vừa chống dịch mà sự cố hy hữu đã xảy ra.

Sáng sớm 24-8, như thường lệ, ngay khi ngủ dậy, chúng tôi “đè” nhau ra để... ngoáy mũi. Lần này, khi nhỏ dung dịch vào que test thì chỉ ít phút sau, hai vạch đỏ đậm nổi lên. 8 con mắt như dán chặt vào que test, rồi chúng tôi nhìn nhau với bao câu hỏi được đặt ra: Nếu cả nhóm nhiễm Covid-19 thì làm thế nào để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ? Việc báo cáo về tòa soạn và cấp trên sẽ bắt đầu từ đâu? Nên xin điều trị ở chỗ nào để vẫn có thể tác nghiệp?... Thiếu tá Phạm Huy Quân đã nhanh chóng nghĩ đến phương án 3 phóng viên sẽ xin điều trị tại 3 bệnh viện khác nhau để có thể tác nghiệp được ở nhiều nơi, thực hiện phóng sự về những nơi giành giật sự sống cho bệnh nhân Covid-19. Thậm chí, chúng tôi còn định đặt tiêu đề chung cho loạt phóng sự là: Nhà báo nhiễm Covid-19 trực tiếp viết tại bệnh viện dã chiến truyền nhiễm...

Sau một hồi hội ý, chúng tôi gọi điện báo cáo nhanh tình hình, xin hướng dẫn của các bác sĩ rồi khẩn trương nai nịt bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, lên xe đến thẳng labo di động của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga. Quá trình đi đường, cả nhóm sôi nổi bàn cách tác nghiệp trong điều kiện phải đi điều trị Covid-19. Thế nhưng, kết quả xét nghiệm bằng Real-time PCR của chúng tôi lại... âm tính. Chờ đợi và làm lại lần hai vẫn không nhiễm virus SARS-CoV-2. Hóa ra, kết quả tự test nhanh của các nhà báo kiêm “y sĩ” là sai. Khi kiểm tra kỹ lại thì phát hiện anh Phạm Huy Quân đã pha dung môi dưỡng mẫu bằng dung dịch... nhỏ mũi của Thiếu tá Vũ Duy Hiển. Quả thực, hai lọ này khá giống nhau, khi đặt cạnh, nếu không đọc kỹ nhãn mác thì rất khó phân biệt lọ nào là dung môi, lọ nào là thuốc nhỏ mũi.

Dù thở phào vì cả nhóm vẫn an toàn để tiếp tục làm việc, song đây là lần “báo động” thật sự để anh em trong tổ công tác đề cao cảnh giác hơn với loại giặc vô hình nhằm bảo đảm tác nghiệp đến khi kết thúc “chiến dịch đánh giặc Covid-19” tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Gác mọi niềm riêng

Nếu như Thượng úy QNCN Đinh Quang Học, lái xe kiêm “chủ nhiệm hậu cần” của nhóm chúng tôi phải nén lại lo âu khi vợ nhiễm Covid-19 để thực hiện nhiệm vụ thì Thiếu tá Vũ Duy Hiển cũng gác nỗi niềm hơn nửa năm xa nhà, hai con nhỏ gửi ông bà nội chăm sóc để tác nghiệp. Vào ban đêm, khi việc viết và gửi tin, bài đã xong, lòng tôi cũng “nóng như lửa đốt” bởi hai con nhờ ông bà ngoại trông ở Lạng Sơn suốt mấy tháng không thể về nhà ở Hà Nội để vợ tôi kèm học trực tuyến. Và “thủ lĩnh” của nhóm, Thiếu tá Phạm Huy Quân tuy vẫn có nỗi nhớ, nỗi lo như chúng tôi nhưng anh luôn tỏ ra phơi phới yêu đời, vừa chỉ huy anh em tác nghiệp, vừa đảm nhiệm vai trò “anh nuôi”, “bác sĩ”, “chuyên gia tâm lý” kiêm “thợ cắt tóc” của tổ công tác...

Buổi tối mà Thượng úy QNCN Đinh Quang Học nhận tin vợ nhiễm Covid-19, anh tâm sự với chúng tôi: “Nhà mình ở ngay gần đây mà không thể về thăm vợ, chăm con thì cũng thấy áy náy. Nhưng rất may là đã có các đồng đội ở chung nhà công vụ giúp lo bữa ăn, giấc ngủ cho hai con nhỏ và lo cho vợ đi viện điều trị Covid-19. Vì thế, tôi sẽ tập trung tinh thần cao nhất để cùng các nhà báo hoàn thành nhiệm vụ được giao”. Nghe anh nói, cánh phóng viên chúng tôi không khỏi xúc động và càng thêm quyết tâm phải tác nghiệp hiệu quả để góp phần vào cuộc chiến chống “giặc Covid-19”. Số lượng tin, bài, ảnh và phóng sự truyền hình phản ánh công tác PCD được chúng tôi gửi về tòa soạn ngày càng nhiều thêm.

Khi lên đường vào tâm dịch TP Hồ Chí Minh, Thiếu tá Vũ Duy Hiển gọi điện động viên vợ: “Chỉ ít ngày nữa, khi thắng “giặc Covid-19”, anh sẽ về Gia Lai đoàn tụ cùng gia đình và nhận nhiệm vụ làm phóng viên thường trú tại địa bàn”. Ban đầu, phóng viên Vũ Duy Hiển cũng nghĩ dịch bệnh sẽ nhanh chóng được đẩy lùi và anh sẽ kịp về với con trong ngày khai giảng năm học mới. Thế nhưng, mọi kế hoạch của anh dành cho vợ con đành gác đến ngày TP Hồ Chí Minh trở lại trạng thái bình thường mới, khi tổ công tác hoàn thành nhiệm vụ, được lệnh trở về.

Nhiều lần mặc bộ trang phục bảo hộ cấp 4 trắng muốt, nóng đổ mồ hôi để vào những nơi nguy hiểm nhất trong vùng tâm dịch Covid-19, bước ra, Thiếu tá Vũ Duy Hiển đã nói với chúng tôi: “Nếu không có điện thoại thì buổi tối hằng ngày, nhất là sau những lần vào nơi mong manh sinh-tử, mình sẽ viết cho vợ và con một lá thư, để sau này sẽ đóng thành tập gửi gắm tâm sự của những người làm nhiệm vụ đặc biệt với quyết tâm: Gác mọi nỗi niềm riêng vì nhiệm vụ, vì nhân dân!”.

Bài và ảnh: ĐĂNG DUY