Để chuẩn bị cho chiến dịch năm 1972, Trung đoàn 148 của chúng tôi được di chuyển về huyện Nong Het, tỉnh Xiêng Khoảng để bổ sung quân số và huấn luyện tăng cường các nội dung như giáo dục chính trị, kỹ-chiến thuật cho phù hợp với đối tượng tác chiến, đồng thời là lúc dừng chân để bộ đội nghỉ ngơi đôi chút lấy lại sức. Thời điểm đó gần dịp Tết Nguyên đán Nhâm Tý 1972. Về đóng quân tại khu vực các bản thuộc huyện Nong Het nhưng thực chất là chúng tôi đóng quân ở khe núi, khe suối.

Để nắm được tình hình tại điểm đóng quân và các khu vực xung quanh, ngoài lực lượng trinh sát của Trung đoàn và Tiểu đoàn, Đại đội chúng tôi may mắn được trên tăng cường một nữ giao liên cấp huyện của bạn tên là Sounthone Xayachack. Em giúp chúng tôi nhiều việc, nhất là nắm tình hình chuẩn bị các mặt, trong đó có Tết của bộ đội Việt Nam. Lúc đó, tôi là Đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 148, Sư đoàn 316. Hằng ngày, tôi và Sounthone Xayachack trao đổi với nhau về công việc, đặc biệt là tình hình địch và nhân dân.

Thầy và trò Trường Hữu nghị T78, ngôi trường đặc biệt đối với sự phát triển tình hữu nghị Việt Nam - Lào, đón Tết Bunpimay. Ảnh: TUẤN HUY 

Ngày ấy, chúng tôi được học tập và quán triệt kỹ 12 điều kỷ luật của Quân đội nhân dân Việt Nam cũng như các quy định trong mối quan hệ, tiếp xúc quốc tế. Anh em chúng tôi bảo nhau phải chấp hành nghiêm kỷ luật, “không lấy cái kim, sợi chỉ của nhân dân”. Nếu vi phạm các quy định về quan hệ quốc tế, thậm chí sẽ bị “xét xử theo tòa án binh”. Vì vậy, từ chiến sĩ đến đại đội trưởng đều ghi nhớ và chấp hành nghiêm chỉnh.

Gọi là bản, song cũng là chiến trường nên lúc ấy, hầu như không có người ở, thỉnh thoảng mới có một vài người ở đâu đó qua lại. Gọi là Tết gần bản nhưng là bản thời chiến nên cảnh vật xơ xác, thậm chí không có bất cứ loại gia cầm, vật nuôi nào... Vậy là Sounthone Xayachack bảo tôi: “Anh ơi, em nghĩ phải kiếm thêm cái gì đó để bộ đội ăn Tết”. Suy nghĩ một lúc, tôi bảo: “Nếu có thể, nhờ em xem rừng ở khu vực này có rau gì đồng bào mình hay ăn mà ngon thì hướng dẫn các anh và chiến sĩ đi tìm về”. Sau khi thống nhất với Sounthone Xayachack, tôi quyết định cử một nhóm chiến sĩ cùng chính trị viên phó đại đội đi cùng em để kiếm rau rừng cải thiện, kết hợp nắm tình hình xung quanh khu vực đóng quân. Sounthone Xayachack thạo địa hình, lại biết loại rau rừng nào ăn được nên chỉ sau một ngày tìm kiếm, em và nhóm chiến sĩ của chúng tôi không chỉ về báo cáo tình hình xung quanh khu vực đóng quân mà còn mang trên lưng là những chiếc gùi nặng trĩu rau rừng, măng rừng cho đơn vị. Hôm đó cũng là ngày cuối cùng của năm 1971.

Tết Xiêng Khoảng năm ấy, ngoài món rau rừng, măng rừng là chủ lực, chúng tôi còn có thịt hộp và lương khô. Trao đổi qua lại mấy lần, ban chỉ huy quyết định chỉ lấy một ít thịt hộp để các bếp nấu với măng rừng làm canh, còn lại phải dự phòng cho chiến dịch. Cỗ Tết cũng phải nấu bằng bếp Hoàng Cầm để không lộ khói lửa, vì suốt ngày đêm, máy bay OV-10 của Mỹ lượn qua lượn lại nhằm chỉ điểm cho máy bay ném bom.

Công tác chuẩn bị Tết cho bộ đội và cách chúng tôi đón Xuân 1972 ở chiến trường Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng là thế! Không đèn, không điện, không rượu, không thuốc lá, không trà, không khói, không lửa, chỉ có tiếng hát thì thầm, nhỏ nhẹ. Vậy mà đơn vị chúng tôi vui xuân vẫn thật đầm ấm, tình cảm như một gia đình. Nỗi nhớ nhà của mỗi cán bộ, chiến sĩ vì thế cũng vơi đi... Chúng tôi đã trải qua một cái Tết “thành công” và cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Thế nhưng có những việc giờ thì đơn giản, còn khi đó lại phức tạp vô cùng. Bởi cả Đại đội toàn nam giới, chỉ có giao liên do phía bạn tăng cường là nữ nên phải cư xử thế nào cho đúng mực, khéo léo và giữ trọn nghĩa, trọn tình. Cô giao liên Sounthone Xayachack biết tiếng Việt, nói năng lại nhẹ nhàng, thân thiện nhưng với chúng tôi thì nhất nhất vẫn phải giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật. Sau khi bàn với chính trị viên, chúng tôi quyết định làm một cái lán nhỏ ngay cạnh lán chỉ huy Đại đội, có cả nhà tắm, nhà vệ sinh để tiện cho sinh hoạt hằng ngày và công việc của Sounthone Xayachack.

Thật may mắn nhưng cũng rất tình cờ, đầu năm 2003, tôi được cấp trên phân công đảm nhiệm cương vị Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng Việt Nam thì Sounthone Xayachack được Nhà nước Lào bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam. Biết tin, tôi xin ý kiến anh Nguyễn Huy Hiệu (lúc đó là Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách đối ngoại) và được anh đồng ý cho đến thăm người bạn cũ. Đón tôi hôm đó là nữ Đại sứ Sounthone Xayachack cùng đồng chí Tùy viên quân sự của Lào. Chúng tôi thông tin cho nhau biết về hoàn cảnh hiện tại và cùng ôn lại những kỷ niệm nơi chiến trường. Kỷ niệm nhiều nên dường như chẳng ai muốn kết thúc câu chuyện...

Sau đó, do công việc có liên quan nên tôi trực tiếp báo cáo anh Ba Trà (Đại tướng Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) cho phép được hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp nơi ở và làm việc của Đại sứ quán Lào tại Việt Nam khang trang hơn. Bản thân tôi rất vui vì đã làm được một việc nho nhỏ để đáp lại những ngày bạn cùng ta đồng cam cộng khổ nơi chiến trường.

Mấy chục năm trôi qua, tôi đã bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, còn nữ giao liên Sounthone Xayachack ngày nào giờ đã là cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước Lào. Chỉ có một thứ không đổi là nghĩa tình giữa hai dân tộc, hai đất nước, hai Đảng, hai Quân đội Việt Nam-Lào và giữa những con người cụ thể như chúng tôi.

Tết năm nay, cái Tết ở Xiêng Khoảng năm ấy lại một lần nữa ùa về!

Trung tướng PHẠM THANH LÂN - Nguyên Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng