Họ thong dong giữ lửa, đợi Tết. Chờ mọi thứ thơm lừng, đoán chừng trong tận lõi đã ngọt lựng, sẽ gẩy ra, thổi phập phù, lau sạch bụi than, thật thà mời khách. Dấu ấn lam lũ lưu lại từng vết chân chim, tàn nhang trên gương mặt những người phụ nữ. Vậy mà khi lửa được nhóm lên, sắc hồng ửng dần, lan tỏa, như thể từ tận sâu trong tâm hồn những người phụ nữ nơi ấy đã sẵn lửa rồi.

Khi công trình Thủy điện Sơn La được xây dựng, nhiều làng bản đã di cư. Có người phụ nữ vừa cời lửa vừa chỉ về hướng những nóc nhà sàn tỏa lan vầng khói: “Chị thấy không? Là khau cút, người đi xa theo đó mà về”. Khau cút, gọi nôm na là “sừng trăng”, biểu tượng đặt trên nóc nhà của người Thái đen gắn với ý nghĩa tín ngưỡng đặc biệt. Khu tái định cư này được Nhà nước đầu tư xây dựng với hàng trăm ngôi nhà sàn liền kề, nóc nhà “sừng trăng” vẫn ngự.

leftcenterrightdel
Phụ nữ bản Dọi, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu (Sơn La) thêu khăn piêu. 

Vừa nhóm lửa, phụ nữ vừa thêu khăn piêu. Trước công đoạn thêu thùa, chiếc khăn được dệt từ sợi bông bằng khung cửi truyền thống, sau đó nhuộm chàm, hong nắng gió ngoài hiên. Khi từng mảnh vải lên màu đều đặn, trải dài thành dải xanh sâu, trượt qua tay xôm xốp, nhẹ nhõm mới có thể đặt kim thêu lên đó. Hỏi các bà, các chị: “Thêu một chiếc khăn mất bao lâu?”, những người phụ nữ nở nụ cười ấm áp, nhìn khách xa cười tươi, đáp: “Lâu lắm, mà cũng chẳng ai tính tháng, tính ngày”. Chúng tôi lại hỏi: “Khăn này bà con có bán không?”, những giọng nói rộn ràng như suối chảy: “Không bán đâu mà, nhưng vui thì sẽ tặng...”. Họ bình thản ngồi thêu, nói chuyện bản làng, mùa màng và trẻ nhỏ. Vừa thêu vừa ríu rít cười. Hầu như ai cũng đều lấy chồng sớm. Thuở ấy, trong cơ man đồ đạc gùi về nhà chồng, không thể thiếu hàng trăm chiếc khăn piêu.

Trong những cuộc hành trình của chúng tôi tới miền xa, khi mắt đã mỏi, chân đã chồn, lòng vương vất ý nghĩ mông lung... lửa thường được nhóm lên bởi những người xa lạ. Chợt thấy mình được vỗ về và trong tâm thức bỗng dào lên kỷ niệm thuở ấu thơ ngồi trong căn bếp thoảng mùi rạ rơm, đôi khi những hạt lúa nếp sót lại nổ lép bép, trắng tựa hoa ngâu, món quà thơm hương tuổi nhỏ.

Trong sương mờ, nắng ấm cuồn cuộn bừng lên. Cảm tưởng, cả mây, sương và nắng đều quánh đặc, cuộn tròn như những khối bông gòn xốp tơi, mềm mại. Từ đó có thể rút ra những sợi bông xanh, đỏ, tím, vàng mà dệt, mà thêu lên khăn piêu. Đẹp hơn cả, trên những cung đường, ấy chính là từng vạt khăn piêu rực rỡ, bay bay để lộ vùng thắt lưng đủ đường cong nhưng đầy đặn. Hình ảnh ấy cứ vương vít mãi trong lòng tôi khiến nỗi thương nhớ về những phận người bên đá núi lạnh băng càng sâu xa, quặn thắt.

Mọi vui buồn cứ hôi hổi, bừng bừng như hơi rượu. Ưu tư đấy, rồi gạt đi mà bước tiếp. Nhớ đấy, rồi sẽ tìm nhau thôi. Có lẽ, chẳng phải ngẫu nhiên mà hai đầu khăn piêu là vuông thổ cẩm sáng bừng như núi, như mây, như những mái nhà và những nỗi niềm khúc khuỷu... Cũng chẳng phải bỗng đâu có một vạt khăn piêu luôn ngự trên đỉnh đầu hướng về phía trước, vạt còn lại như dòng suối đổ qua gáy, qua lưng như trở lại những phần hào quang đã thuộc về dĩ vãng...

Bài và ảnh: LỮ MAI