Giải vây ở Sibut
Thiếu tá Nguyễn Văn Phong, Tổ trưởng Tổ quan sát viên quân sự ở Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA) cho biết, anh từng được nghe các sĩ quan Việt Nam làm nhiệm vụ trước mình kể chuyện về tình cảm của người dân châu Phi với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về Việt Nam-quốc gia nhỏ bé nhưng đã chiến thắng các thế lực xâm lược hùng mạnh hơn. Và khi tự mình được trải nghiệm, anh mới thấm thía sâu sắc “cảm giác thực sự xúc động, tự hào” khi Tổ quốc, quê hương mình, ở một nơi xa xôi, được nhắc tới với sự ngưỡng mộ và đầy thiện cảm.
Là Tổ trưởng Tổ quan sát viên quân sự 207 thuộc căn cứ Sibut, phân khu Trung tâm, Phái bộ MINUSCA, Thiếu tá Nguyễn Văn Phong có một kỷ niệm không bao giờ quên. Nhờ hai chữ “Việt Nam” mà anh và đồng nghiệp được giải vây khi tiếp xúc với một nhóm dân cư đang bị kích động mạnh. Khi tuần tra tới làng Wourougbou ở quận Kemo, phân khu Trung tâm, làm công việc như thường lệ, anh Phong với vai trò quan sát viên quân sự cùng các đồng nghiệp gặp trưởng làng để thu thập thông tin về địa phương, bao gồm tình hình an ninh, bệnh dịch cũng như những khó khăn thường gặp...
Nhưng một sự cố bất ngờ xuất hiện. Dân làng kéo đến rất đông khi buổi làm việc đang diễn ra. Họ bao vây nhóm công tác, đề nghị cấp thức ăn, nước uống và tiền, đồng thời tỏ ra bất bình vì những yêu cầu mà họ đưa ra hai tháng trước không được đáp ứng. Theo quy định, các nhân viên Liên hợp quốc không được phép đáp ứng những đòi hỏi kiểu như vậy của người dân hoặc tùy ý cho họ đồ ăn. Sau gần một tiếng đàm phán và thương lượng không thành, khi Thiếu tá Nguyễn Văn Phong giới thiệu là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam thì thái độ của người dân mới dịu lại. Không khí căng thẳng tạm thời được xua tan. Nhiều người ồ lên: "Việt Nam à? Việt Nam tốt! Điện Biên Phủ, Tướng Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh..." bằng ngôn ngữ bản địa xen lẫn tiếng Việt lơ lớ. Có người còn nhắc đến Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ và thực dân Pháp... Anh Phong kể, nhân lúc chủ đề Việt Nam đang được đề cập sôi nổi, anh tranh thủ báo lực lượng bảo vệ dần dần rút ra khỏi làng, để người dân bình tĩnh lại.
 |
Thiếu tá Nguyễn Văn Phong và chị Elisabeth Nguyễn (thứ hai, từ phải sang) với các đồng nghiệp tại Bệnh viện Bangassou (Cộng hòa Trung Phi). |
Nữ tu người Việt ở Bangassou
Thiếu tá Nguyễn Văn Phong hiện không còn công tác ở Sibut mà đã chuyển tới Bangassou vì theo quy định, quan sát viên quân sự cứ 6 tháng phải luân chuyển vị trí làm việc. Tại đây, anh lại có thêm một trải nghiệm thú vị về sự yêu mến Việt Nam của người dân địa phương. Anh bất ngờ vì Bệnh viện Bangassou thuộc quận Mbomou đang do một nữ tu sĩ kiêm y tá Việt Nam có tên Elisabeth Nguyễn phụ trách. Chị quê ở Bến Tre, vốn là chuyên gia về hỗ trợ chăm sóc, tư vấn phòng, chống HIV/AIDS và làm việc tại Cộng hòa Trung Phi được 8 năm. Cả bệnh viện chỉ có một bác sĩ tăng cường từ thủ đô Bangui cùng 28 y tá, và chị Elisabeth Nguyễn kiêm luôn quản lý. Tại bệnh viện, do điều kiện nhân lực hạn chế nên y tá không chỉ chăm sóc bệnh nhân mà phải đảm nhận cả việc khám, chữa bệnh.
Sự tận tụy và lòng nhân hậu của nữ tu sĩ Việt Nam Elisabeth Nguyễn khiến chị nổi tiếng khắp vùng. Chị giành được nhiều tình cảm của người dân địa phương thông qua các hoạt động thăm khám bệnh nhân HIV/AIDS và các bệnh nhân phong. Không nề hà hay e ngại các bệnh dễ lây, nữ y tá Việt Nam vẫn hết lòng vì các bệnh nhân đáng thương. Ngoài công việc ở bệnh viện, chị còn thường xuyên tham gia những chuyến thăm khám cơ động tại nhà tù, trại trẻ mồ côi hay trường học...
Thiếu tá Nguyễn Văn Phong tình cờ biết đến người đồng hương qua một người dân địa phương làm việc ở trạm sửa chữa xe trong căn cứ Liên hợp quốc ở Bangassou. Người này nói chị Elisabeth Nguyễn là “người chị của tôi, là thành viên của gia đình tôi”; “là người của dân địa phương rồi”. Anh Phong chia sẻ thêm, anh làm việc với người dân địa phương cũng có phần thuận lợi hơn vì nhờ uy tín của người đồng hương Việt Nam. Cứ giới thiệu anh là người Việt Nam, họ lại nhắc tới nữ y tá Việt Nam với sự quý trọng.
Gặp được người đồng hương nổi tiếng ở địa bàn công tác là một nơi xa xôi, Thiếu tá Nguyễn Văn Phong thấy thật vui và bất ngờ. Hai chị em chia sẻ niềm vui, niềm tự hào vì đang cùng thực hiện những công việc có ý nghĩa cho vùng đất xung đột, đói nghèo, góp phần lan tỏa hình ảnh Việt Nam ở một địa bàn đặc biệt, nơi các quốc gia chung tay gìn giữ hòa bình và nỗ lực vì cuộc sống tốt đẹp hơn của người dân.
MAI NGUYÊN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.