Trước Tết năm nay, hai chi đoàn tổ chức giao lưu văn nghệ đón xuân. Đồng chủ tọa, bên đơn vị chúng tôi là Trung úy, Chính trị viên phó đại đội Trần Văn Vui, một "nhà thơ" của đại đội. Bên chi đoàn kết nghĩa là bí thư Họa Mi, một cô gái đẹp mê hồn. Nghe đâu nàng là một giọng ca có tiếng của xóm, đặc biệt là vẫn chưa có người yêu. Thấy lực lượng đôi bên "kẻ tám lạng, người nửa cân", Trung úy Vui rỉ tai tôi:
- Phen này cậu phải ra tay đấy! Cố gắng nhé!
Là thiếu úy, “bê trưởng”, tôi gật cái rụp! Nhìn chung, bạn và ta ai cũng đa tài. Bằng chứng là các đoàn viên hai chi đoàn thay nhau làm “em xi”, ai cũng “dẫn” rất thông minh và có duyên. Buổi giao lưu đang tới hồi cao trào thì Họa Mi bước ra, cất giọng oanh vàng:
- Buổi giao lưu văn nghệ của chúng ta rất vui, rất mùa xuân. Nhưng cũng đã hòm hòm, tôi xin có ý kiến thế này. Để "đổi gió", ta chuyển sang chủ đề mới. Báo cáo các anh bộ đội, xưa nay con gái chúng tôi vẫn bị tiếng oan rằng khi nói không thì là có, lúc nói có thì lại là không! Nhưng hôm nay, tôi đề nghị mỗi bên cử một bạn ra ca một bài hát hay ngâm một bài thơ. Trong lời hát, câu thơ phải có từ “không” mà từ đó lại là “có”. Chi đoàn chúng tôi đã nhất trí: Để mừng Tết đến, mừng xuân mới, giải thưởng sẽ là một két bia Hà Nội.
 |
Minh họa: MẠNH TIẾN |
Rồi rất tự nhiên, trong tiếng reo hò, vỗ tay hân hoan, Họa Mi tự giới thiệu luôn:
- Thưa các anh bộ đội, nhân ngày vui đón Tết, mừng xuân, tôi xin mở màn hát một bài có cả từ “có” và “không”; có có, không không ạ.
Cả sân lặng phắc. Ra vấn đề rồi đây! Họa Mi chậm rãi hắng giọng, rồi vừa dạo nhạc mồm, vừa vặn mình nhún nhảy vừa cất tiếng hát: “Tình là tình nhiều khi không mà có/ Tình là tình nhiều lúc có như không...”.
Công bằng mà nói, giọng Họa Mi tuyệt hay! Cứ là trong trẻo, véo von. Chúng tôi đứng cả dậy vỗ tay rào rào. Lúc này, Trung úy Vui mới nháy mắt cho tôi:
- Nào! Đến lượt phe ta. Cậu “nổ súng” đi chứ!
Tôi hăng hái, hiên ngang đứng dậy:
- Thưa các đồng chí, Họa Mi đã cất tiếng, tiếng hát như chim họa mi hót, tuyệt vời hay! Để tiếp nối, tôi xin đọc bài thơ có từ “không” mà thành “có” ạ.
Nói rồi tôi xoa xoa tay, chậm rãi:
- Người lính chúng tôi ai cũng có một hậu phương để mà thương nhớ. Nhất là những đêm huấn luyện trên thao trường, khi hành quân đêm hay đứng gác, trên đầu chúng tôi muôn vì sao lấp lánh. Chúng tôi ví những ánh sao ấy như đôi mắt người thương yêu đang gửi nhớ mong, chờ đợi cho mình. Nhưng cũng không ít đêm mưa trắng trời. Những đêm ấy sao quên mọc các bạn ạ. Những lúc ấy, câu thơ của thi sĩ Nguyễn Bính như nói hộ nỗi niềm da diết của người lính chúng tôi: “Trời còn có bữa sao quên mọc/ Tôi chẳng đêm nào chẳng nhớ em...”.
Đoàn viên hai chi đoàn đứng cả dậy vừa vỗ tay vừa xuýt xoa. Ôi chao, là hai từ “chẳng” tuyệt làm sao! Sao trời có thể quên mọc, nhưng anh thì bao giờ cũng nhớ em đấy! Yêu thương, nhớ nhung đến thế là cùng! Các cô gái chi đoàn bạn cứ thầm thà thầm thì rồi liếc mắt về phía tôi, đấm lưng nhau thùm thụp, cười rúc rích. Rồi thì vỗ tay, chao ôi là vỗ tay! Nhiều người còn đứng dậy nhún nhảy, hát vang khúc “cha cha cha” rộn ràng...
Mấy ngày sau, Trung úy Vui hết sức hân hoan, đến đưa cho tôi bài thơ viết tay trên giấy ướp hương nhài hẳn hoi:
- Họa Mi nhờ tớ trao tận tay cậu đấy. Cô gái này ghê thật! Thơ gửi chẳng phong bì, ý là trao thông điệp “không” mà “có” đây! Thâm thúy lắm! Một bài thơ ra thơ nhé. Có đủ đêm ngày yêu thương, có cả dằng dặc năm tháng nhớ nhung, đợi chờ nhé. Cậu đọc đi!
Tôi cắm cúi đọc bài thơ. Một làn gió ấm bỗng mơn man lùa vào tóc tôi cùng hương nhài thoang thoảng. Hình như mùa xuân đang về...
NGUYỄN XUÂN DIỆU
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.