Chúng tôi đến UNISFA vào tháng 6-2022, đầu mùa mưa và phải chứng kiến người dân thị trấn Abyei bì bõm trong nước. Mùa khô ở đây bắt đầu vào giữa tháng 11 của năm. Trời không có bất cứ giọt mưa nào, đất dần chai cứng, bụi mù mịt, cây cỏ héo úa quắt queo, gãy đổ, nằm rạp theo hướng những cơn gió quét qua do thiếu nước. Hết Tết Dương lịch không lâu, một số cán bộ và nhân viên trong Đội Công binh số 1 của chúng tôi được về phép. Đại tá Mạc Đức Trọng, Chỉ huy trưởng Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam tại UNISFA, Đội trưởng Đội Công binh số 1 cũng về Việt Nam nghỉ ít bữa. Tôi gặp và bàn với anh về việc tổ chức Tết cổ truyền thế nào. Anh suy nghĩ một hồi rồi bảo, xa thì xa, nhưng cũng phải làm cho chu đáo vì đây là lần đầu tiên ăn Tết xa Tổ quốc. Đó cũng là dịp để giới thiệu nét độc đáo trong văn hóa Việt Nam với sĩ quan quân đội các nước ở Phái bộ. Rồi anh bảo cứ lên kế hoạch. Nếu thiếu cái gì thì sẽ giao anh em mang từ Việt Nam sang sau khi hết phép.
Sau nhiều lần bàn luận, cuối cùng, chúng tôi cũng cho ra được kế hoạch 3 ngày Tết khá hoàn chỉnh, bao gồm: Lập bàn thờ Tổ quốc, nghe chúc Tết lúc Giao thừa, dựng cây nêu, thi gói bánh chưng, đốt lửa trại, tổ chức các trò chơi dân gian và mời bạn bè quốc tế đến ăn Tết, vui xuân.
 |
Cây nêu có gắn cờ Việt Nam và ngôi sao tại UNISFA là điểm chụp ảnh lý tưởng trong Tết Quý Mão 2023. Ảnh: QUANG TUYỂN
|
Do nơi này không có các loại nguyên liệu lá dong, dây buộc, gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn tươi như ở Việt Nam nên việc gói bánh chưng rất khó khăn. Nếu ở trong nước, việc tìm tre để dựng cây nêu rất đơn giản thì ở đây là không thể. Sau khi điện thoại trao đổi với anh Trọng, chúng tôi đã có cách giải quyết vấn đề gói bánh chưng. Anh giao mỗi người về Việt Nam nghỉ phép mua các nguyên liệu làm bánh mang sang. Anh Trọng bảo tôi, sẽ có quà đặc biệt, nhưng anh không tiết lộ quà gì khiến tôi rất tò mò.
Những ngày sau, việc làm cây nêu khiến tôi như ngồi trên lửa. Ở Việt Nam, cây nêu được xem là cột nối giữa trời và đất, giúp mặt đất phì nhiêu, hội tụ sinh khí, cho mùa màng tốt tươi. Dựng cây nêu là để “tống cựu, nghinh tân”, trừ tà, đuổi ma, mang lại may mắn, bình yên, hạnh phúc cho gia chủ. Tại đây, lấy gì để làm thân cây và khánh đồng âm, rồi cả trang trí cho cây nêu? Thiếu tá Đinh Văn Thanh, Phân đội trưởng Phân đội Công binh Công trình 2 nhìn tôi cười tủm tỉm rồi gợi ý, nếu làm cây nêu bằng vật liệu sẵn có ở Phái bộ thì không khó, cái chính là trên ấy treo cái gì cho ý nghĩa. Cuối cùng, chúng tôi quyết định thay khánh đồng âm bằng ngôi sao và quấn đèn nháy trên cánh. Ngày 20 tháng Chạp, ngoài công việc, Đội Công binh số 1 tranh thủ làm cây nêu. Họ lấy hai ống tuýp dùng để khoan giếng nối với nhau được tổng chiều dài 8m. Trên đỉnh, họ đặt ngôi sao có cạnh dài hơn 3m làm bằng các thanh sắt xoắn phi 12 được hàn, nối chắc chắn. Phía trên ngôi sao, anh Thanh còn thiết kế một thiết bị dùng để cắm cờ đỏ sao vàng. Người Việt làm cây nêu bằng tre vì nó có đốt, được ví là bậc thang để thần linh mang sinh khí của trời chuyển xuống mặt đất. Ở đây, chúng tôi phân chia thành từng khúc rồi lấy giấy màu dán lại để tượng trưng cho các đốt tre.
Chiều 26 Tết, chúng tôi hò nhau dựng cây nêu với sự hỗ trợ của xe máy công binh. Nhưng khi dựng lên thấy không ổn vì dường như phần ngọn của cây nêu gắn ngôi sao quá nặng, có nguy cơ gãy đổ. Đang lúc công việc ngổn ngang thì tôi có việc gấp phải đi. Chiều tối, khi về cách vị trí đóng quân khoảng 1,5km, tôi và đồng chí lái xe đã nhìn thấy ngôi sao nhấp nháy hiện trên nền trời đã ngả màu đen thẫm. Như có một luồng điện chạy dọc sống lưng khiến tôi nghẹt thở, tim đập dồn dập. Chưa khi nào hai từ “Tổ quốc” trong tôi lại linh thiêng đến thế. Đồng chí lái xe giảm ga, đi tốc độ rất chậm rồi mới thốt lên: "Tuyệt quá!".
Về đến cổng doanh trại, tôi thấy người dân địa phương mang theo con nhỏ đứng ngắm ngôi sao nhấp nháy. Họ bàn luận, chỉ trỏ và cười nói rất phấn khích với hai từ “Việt Nam”. Có lẽ, đây là lần đầu tiên trong cuộc đời họ được chứng kiến hình ảnh kỳ lạ và đẹp như thế. Những ngày sau, vào buổi tối, dân địa phương vẫn đến để ngắm ngôi sao Việt Nam cùng những lá cờ đuôi nheo bé xíu tung bay trong gió dưới ánh đèn nhấp nháy đủ màu sắc ở dây cọc ghìm của cây nêu. Nhiều sĩ quan làm việc tại UNISFA cũng đến ngắm ngôi sao và tranh thủ "check in" để có bức ảnh độc đáo.
Những ngày Tết của chúng tôi ở nơi cách xa Tổ quốc tới hàng nghìn ki-lô-mét có nhiều câu chuyện rất đáng nhớ. Trong thi gói bánh chưng, do không đủ thịt lợn làm nhân bánh nên chúng tôi phải sử dụng thịt bò để độn. Cũng phải nói thêm, ở thị trấn Abyei, người dân không nuôi được lợn nên chúng tôi phải đi máy bay tới hai chặng để sang Uganda, cách đó hơn 1.000km mới mua được.
Sáng mồng Một Tết, Chuẩn tướng Abu Syed Mohammad Barki, Quyền chỉ huy trưởng Phái bộ và một số sĩ quan của Phái bộ đến chúc Tết. Sau khi xem xong các bộ phim tài liệu về Chiến thắng Điện Biên Phủ; đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; chiến dịch phòng không 12 ngày đêm cuối năm 1972 có phụ đề tiếng Anh, ông chia sẻ với Đại tá Mạc Đức Trọng đại ý rằng, rất khâm phục ý chí, khát vọng tự do và tình yêu hòa bình của Quân đội và nhân dân Việt Nam. Đó là hình mẫu, là bài học vô giá, là tấm gương vĩ đại cho dân tộc của ông và nhiều quốc gia trên thế giới trong đấu tranh giành độc lập. Thời nay, tình hình có thay đổi nhưng tinh thần vĩ đại ấy vẫn có sức cổ vũ lớn lao.
Lần đầu tiên được vui Tết cổ truyền Việt Nam, nhiều sĩ quan, nhân viên của Phái bộ rất vui và hào hứng. Họ tham gia gói bánh chưng, rán nem, chơi trò đi cầu khỉ, ném bóng... tiếng cười nói chan hòa. Trong các kỷ niệm đẹp về dịp Tết Quý Mão 2023 ở UNISFA, đến nay hình ảnh bạn bè quốc tế hồ hởi, trân trọng chiếc mũ cối trên tay khi ra về để lại trong tôi ấn tượng rất sâu đậm.
Chuyện là, trong những món đồ mà anh Trọng mang sang dịp Tết có 20 chiếc mũ cối. Mồng Một Tết, anh tặng các đại biểu sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và mũ cối. Chẳng biết anh Trọng nói thế nào mà những ngày sau, có rất nhiều sĩ quan các nước làm việc trong Phái bộ đến chúc Tết và họ nằng nặc xin chiếc mũ cối làm quà. Nhoáng cái, số mũ cối đã hết. Sau này anh kể, hôm tặng quà Chuẩn tướng Abu Syed Mohammad Barki, anh có giới thiệu rằng, chiếc mũ cối gắn ngôi sao được coi là một trong những biểu tượng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
"Thì ra, đó là món quà bí mật mà anh nói trước Tết đó ư?". Đại tá Mạc Đức Trọng cười rất tươi và gật đầu!
Tết của chúng tôi ở UNISFA là như thế. Đây là cái Tết đặc biệt trong đời tôi và các đồng đội ở xa Tổ quốc.
Trung tá ĐẶNG VĂN LÊ
Nguyên Phó chỉ huy trưởng Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam tại UNISFA