“Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”

Phóng viên (PV): Trong lịch sử nói chung, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và công cuộc đổi mới hiện nay nói riêng, quần chúng nhân dân luôn có vai trò quyết định. Ông có suy nghĩ gì về điều này?

Ông Phạm Thế Duyệt: Điều này thì ai cũng biết, riêng tôi có suy nghĩ thế này: Chúng ta hạnh phúc có Bác Hồ, người lãnh tụ kiệt xuất từng trải qua biết bao khó khăn của người lao động trong quá trình đi tìm đường cách mạng. Bác hiểu được tình hình thế giới, các nước thuộc địa, dân tộc bị nô lệ, áp bức. Từ đó, Người hiểu được sức mạnh cách mạng là phát huy vai trò của quần chúng, không có nhân dân thì không làm gì được.

Thực tiễn cho thấy, Đảng ta từ khi thành lập luôn luôn quán triệt tư tưởng của Bác để xây dựng Đảng xuất phát từ nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đó là quan điểm nhất quán xuyên suốt từ khi thành lập Đảng đến nay. Điều đó được thể hiện qua các cao trào cách mạng, cho đến khi Tổng khởi nghĩa giành độc lập, đặc biệt qua kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

leftcenterrightdel

Ông Phạm Thế Duyệt. Ảnh: QUANG DUY 

Cũng từ thực tiễn và hoạt động cách mạng của quần chúng mà Đảng đã đúc kết được việc phải thực hiện đường lối đổi mới. Từ hoàn cảnh chúng ta bị bao vây cấm vận, thiếu lương thực, hàng tiêu dùng, đời sống nhân dân khó khăn để đưa đất nước phát triển như ngày hôm nay, đó là sức mạnh đoàn kết thống nhất của nhân dân. Đảng biết dựa vào dân thực hiện những nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đặc biệt, gần đây nhất, khi xảy ra đại dịch Covid-19, nếu không có nhân dân hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, thực hiện nhất quán chủ trương, chính sách của Nhà nước thì không biết sẽ ra sao? Chúng ta khống chế, chủ động trước đại dịch, phát huy lực lượng bù đắp lại các ngành sản xuất, ngành có điều kiện kinh doanh tốt nhưng đang vướng mắc vì dịch, như: Du lịch, hàng không, dịch vụ... Đất nước tiếp tục tăng trưởng kinh tế trong điều kiện nhiều khó khăn, do dịch bệnh, thiên tai chưa từng có.

Trong công tác đối ngoại, ta vẫn củng cố và phát huy tốt. Đặc biệt, trong năm vừa qua, Việt Nam tham gia một số hiệp định thương mại tự do (FTA) mới, nổi bật là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA); thể hiện được vai trò của mình trong Năm Chủ tịch ASEAN và nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Từ đó, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Trong Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18-11-1930 / 18-11-2020) vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói khá rõ sự đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp nhân dân, bà con Việt kiều, đoàn kết trong Đảng, quân-dân... Đảng ta là đảng tiền phong không chỉ của giai cấp công nhân mà còn của nhân dân lao động, của cả dân tộc Việt Nam.

PV: Trong quá trình công tác, đặc biệt khi giữ trọng trách Ủy viên Thường vụ-Thường trực Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông có những kỷ niệm sâu sắc nào trong công tác vận động quần chúng, trong công tác quan hệ ứng xử với nhân dân?

Ông Phạm Thế Duyệt: Có thể nói, trong hơn 60 năm theo Đảng hoạt động cách mạng, quan điểm “dân” trong tôi rất sâu nặng. Từ những năm hơn 20 tuổi, tôi đã làm việc trong phong trào công nhân rồi dần trưởng thành qua nhiều cương vị ở đất mỏ Quảng Ninh, rồi về Trung ương công tác. Trên các cương vị, tôi luôn luôn quán triệt, học tập tư tưởng của Bác về công tác quần chúng, học được tinh hoa ý thức tốt đẹp trong giai cấp công nhân và nhân dân cần cù lao động, khiêm tốn, cần kiệm liêm chính.

Hồi ở Tổng Công đoàn Việt Nam (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), tôi đến với dân để hiểu được tình hình các ngành công nghiệp, đời sống công nhân và đã tham gia với Chính phủ, báo cáo với Đảng những điều chân thành, thẳng thắn, không bao giờ nói một chiều để giải quyết chính sách cho công nhân, xử lý các vấn đề khó khăn trong thời kỳ bao cấp. Ví dụ, việc nghiên cứu một giá của Long An, giải quyết lương thực của bà Ba Thi ở TP Hồ Chí Minh, đổi mới các hoạt động của dệt nhuộm Long An, các nhà máy dệt ở TP Hồ Chí Minh; giải quyết đấu tranh ở Công ty cao su Chư Păh, Gia Lai, giám đốc có thái độ áp bức công nhân, tôi đã kiến nghị Viện Kiểm sát, Tòa án Nhân dân Tối cao về kiểm tra và xử lý theo pháp luật.

Sau này, khi về làm Bí thư Thành ủy Hà Nội gần hai khóa (1988-1996), tôi có rất nhiều kỷ niệm, đó là việc giúp tháo gỡ các vấn đề sản xuất của các nhà máy: Sợi Việt Đức, Dệt 8-3, Dệt Mai Động, Cơ khí Mai Động, Cơ khí Đồng Tâm, Sản xuất tiểu thủ công nghiệp của nhựa Song Long, Hoàn Kiếm... Tôi nhận thức ngay được vấn đề muốn đổi mới thì phải có kết cấu hạ tầng hiện đại. Lúc mới về, Hà Nội chỉ có khách sạn Thắng Lợi là tiếp được khách quốc tế. Sau mấy năm, một loạt khách sạn 5 sao ra đời. Về vấn đề đời sống của dân, Thành ủy Hà Nội mong muốn làm sao mỗi quận phải có chợ, không phải chỉ có mỗi chợ Đồng Xuân. Về xây dựng thì quan tâm ngay đến kết cấu hạ tầng, như: Vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3 lúc bấy giờ đã đề ra...

Cuối năm 1989, trong lúc mô hình CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu lâm vào khủng hoảng, chúng ta phải làm thế nào giúp cho Đảng giữ Thủ đô vững vàng về chính trị, về an ninh, củng cố cơ sở đảng, tổ chức diễn tập các phương án... Tôi nhớ như in vào một đêm mùa đông, tôi đứng ở sân Nhà hát Lớn cùng với Trung tướng Chu Duy Kính, Tư lệnh Quân khu Thủ đô (nay là Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội); đồng chí Nguyễn Đình Thành, Giám đốc Công an thành phố; đồng chí Lê Ất Hợi, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đi kiểm tra, xem xét phương án diễn tập đề phòng tình huống bất trắc xảy ra. Chứng kiến cán bộ, chiến sĩ đặc công tham gia diễn tập rất chuyên nghiệp, thuần thục tại trận địa, tôi cảm thấy rất xúc động.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt về thăm khu khai thác mỏ than Mạo Khê, tháng 9-2002. 

Khi là Trưởng ban Dân vận Trung ương, có vụ việc xảy ra ở Thái Bình, đến nay tôi vẫn không thể nào quên. Sau cuộc họp Trung ương, biết được sự việc người dân Thái Bình tụ tập đông người, kéo lên tỉnh phản đối chính quyền, tôi đã trực tiếp về Thái Bình giải quyết sự việc trong 5 tháng. Khi tôi về đây, lúc đó hầu hết các huyện đều có điểm nóng. Sau khi họp ở Tỉnh ủy, tôi mời 28 đồng chí lão thành đã nghỉ hưu của tỉnh để nghe ý kiến của họ. Dự kiến kế hoạch nghe 3 ngày, nhưng chỉ 2 ngày là hoàn thành. Nghe xong, tôi nhận thấy lỗi sai hoàn toàn do mình chứ không phải do thế lực thù địch chống phá, hay do vấn đề tôn giáo. Tôi xuống xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, 500-600 người kéo ra, tôi vẫn bình tĩnh vào họp với các đồng chí lãnh đạo ở trong, bên ngoài người dân nói qua loa: “Đề nghị đồng chí Phạm Thế Duyệt họp xong cho chúng tôi xin gặp”. Tôi cử người ra nói với bà con nên cử 10 người đại diện vào cùng họp. Sau khi nghe họ nói hết những bức xúc của mình, tôi hoan nghênh và hứa sẽ chỉ đạo xử lý vụ việc. Tôi còn nhớ, khi họp xong thì trời mưa, xe ô tô chở tôi bị sa lầy, người dân địa phương đã xắn quần áo giúp chúng tôi đẩy xe lên, rồi khi xe chạy, người dân chạy theo vỗ vào cửa xe nói: “Bác đừng nghĩ chúng tôi cực đoan nhé. Chúng tôi chỉ vì bức xúc không thể chấp nhận những cái không đúng”. Sau đó, tôi tiếp tục xuống huyện Thái Thụy, vào Tòa giám mục Thái Bình họp khối dân vận, nội chính của tỉnh để nghe thêm nhiều ý kiến. Từ tình hình thực tiễn, tôi về báo cáo Bộ Chính trị xin cho thành lập tổ công tác và được chấp thuận. Quyết định thành lập tổ công tác do đồng chí Tổng Bí thư ký, giao cho tôi là tổ trưởng, đồng chí Nguyễn Công Tạn, Phó thủ tướng làm tổ phó. Sự việc được giải quyết, tình hình ở Thái Bình dần ổn định. Kỷ niệm này mãi khắc sâu trong tim tôi.

Dân hướng về Đảng với kỳ vọng lớn lao

PV: Cuối tháng 1, đầu tháng 2-2021, chúng ta tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Nhìn lại nhiệm kỳ qua, ông có cảm nhận gì?

Ông Phạm Thế Duyệt: Nhiệm kỳ vừa qua, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân, toàn quân giành thắng lợi toàn diện. Công tác đối nội, đối ngoại có nhiều điểm nhấn quan trọng. Đặc biệt, Đảng có quyết tâm xử lý các cán bộ sai phạm, không tránh né ai. Từ đó củng cố niềm tin trong nhân dân. Có thể khẳng định rằng, năm vừa rồi là một năm “thử lửa”. Chúng ta vượt qua nhiều khó khăn chưa từng có do dịch bệnh, thiên tai và vẫn giữ được ổn định, phát triển, được bạn bè quốc tế ghi nhận. 

Nhiệm kỳ vừa qua Đảng đã phát huy cả hệ thống chính trị, sức dân, phát huy vai trò lãnh đạo ở các cấp ủy đảng, phát huy sức mạnh các ngành, quân đội, công an... Tôi cho rằng, vừa qua, trong đại hội đảng các cấp, từ cơ sở đến tỉnh, thành phố chưa nổi cộm lên vấn đề phức tạp về mất đoàn kết, cơ hội cá nhân, bè cánh, tỉnh này huyện kia, địa phương chủ nghĩa... Hầu hết các nơi đã tổng kết, đánh giá được các vấn đề đã làm tốt trong nhiệm kỳ, vạch ra các đường hướng của 10 năm, 20 năm, 30 năm...

Tất nhiên, nói là đều tốt cả cũng không phải. Chúng ta đừng nên chủ quan. Tính tự phê bình, tự chỉ trích chưa cao, những yếu kém vẫn còn nhưng chưa nói thẳng được. Vẫn có những sự vụ, sự việc và những vi phạm nghiêm trọng, liên quan cả đến cán bộ cấp cao đã và đang phải giải quyết...

PV: Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng được làm rất quyết liệt với nhiều kết quả đạt được. Mấu chốt làm nên kết quả đó là gì và kinh nghiệm nào được rút ra từ nhiệm vụ then chốt này, thưa ông?

Ông Phạm Thế Duyệt: Công bằng mà nói, để có được những kết quả ấy không phải dễ. Chính vì vậy, không nên và không được chủ quan. Đảng đã quyết liệt trong việc lãnh đạo chống tham nhũng, xử lý cán bộ sai phạm. Nhưng tôi có suy nghĩ thế này, khi nào mà các địa phương, cơ quan, đơn vị đều chỉ ra được bao nhiêu vụ việc tự làm, không phải chỉ do dân tố cáo, báo chí phản ánh, tự chỉ ra được “bao nhiêu anh” trong nội bộ có sai phạm... tức là phải thành phong trào, thành hoạt động tự thân, lúc bấy giờ mới nói là mạnh, là cơ bản.

Đại hội tới, tôi quan tâm nhất đến báo cáo tự kiểm điểm của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương, Bộ Chính trị; riêng văn kiện tôi thấy đã rất chỉn chu. Tôi rất mong việc tự phê bình, tự kiểm điểm của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, của các lãnh đạo chủ chốt cần rõ ràng, thẳng thắn trước đại hội. Không cường điệu cái được; chỉ ra cái yếu là gì, dưới không nói thì trên phải nói. Kiểm điểm tốt sẽ tạo không khí cho đại hội, tạo nhận thức chung cho toàn Đảng.

Về nhân sự, tôi cho rằng trong công tác cán bộ nhất định phải coi trọng năng lực thực tế. Trân trọng nhân tài, đừng để sót. Hãy chọn trong Trung ương những người đã được thử thách qua nhiều cương vị, có khả năng gánh vác thì nên lựa chọn tham gia các vị trí quan trọng.

PV: Ông có kỳ vọng, gửi gắm gì tới Đại hội XIII trước thềm xuân mới?

Ông Phạm Thế Duyệt: Đại hội XIII của Đảng có ý nghĩa trọng đại, không chỉ quyết định những định hướng lớn phát triển đất nước trong nhiệm kỳ 5 năm, mà tầm nhìn còn đến năm 2030, 2045. Mong đại hội sáng suốt bầu được cơ quan lãnh đạo xứng đáng, đáp ứng lòng tin của dân; các văn kiện nhận được sự nhất trí cao. Dân hướng về Đảng, hơn 5 triệu đảng viên hướng về đại hội với niềm tin tưởng và kỳ vọng lớn lao. Kinh nghiệm các nhiệm kỳ vừa rồi phải phát huy cái tốt, cái chưa tốt phải sửa. Những hạn chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng sớm khắc phục được từ dưới lên. Đội ngũ cán bộ cần chịu khó học tập nâng cao trình độ, rèn luyện tu dưỡng, gương mẫu; đừng vấp vào sai lầm khuyết điểm, như: Cá nhân chủ nghĩa, tham ô, lãng phí, bè cánh... Cái gì không xứng đáng với đạo đức người cán bộ, đảng viên thì nên bỏ. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng đại hội sẽ thành công tốt đẹp, đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

HOÀNG TIẾN - BÍCH TRANG (thực hiện)