Vô tình, tôi nghe được những câu hát đó trên sóng truyền hình và bồi hồi nhớ lại những câu chuyện về các cựu chiến binh (CCB) đi tìm hài cốt đồng đội, mà tôi từng được chứng kiến.
Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê huyện Anh Sơn, miền Tây xứ Nghệ. Nơi đây không phải là vùng chiến sự ác liệt trong những năm chiến tranh, nhưng đang là nơi yên nghỉ của hàng nghìn liệt sĩ-những người con ưu tú của dân tộc. Nghĩa trang Liệt sĩ hữu nghị Việt-Lào nằm ở trung tâm thị trấn Anh Sơn, với diện tích hơn 7ha, được xây dựng từ hơn 40 năm trước; từ đó đến nay đã tiếp nhận hơn 11.000 hài cốt liệt sĩ hy sinh trên chiến trường nước bạn Lào.
Tôi sinh ra khi đất nước đã hòa bình thống nhất, không còn tiếng đạn bom và những thiệt hại, chết chóc do chiến tranh gây ra. Tôi chỉ biết chiến tranh qua lời kể của ông bà, bố mẹ và những người đi trước đã tham gia hoặc chứng kiến bao khó khăn gian khổ, mất mát, hy sinh trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Nhà tôi ở gần Nghĩa trang Liệt sĩ hữu nghị Việt-Lào, nên đã nhiều lần tôi được chứng kiến những câu chuyện cảm động về hành trình đi tìm mộ đồng đội, quy tập hài cốt liệt sĩ của các CCB. Hơn ai hết, những người lính năm xưa thấu hiểu giá trị của sự hy sinh xương máu mà đồng đội đã ngã xuống vì Tổ quốc, vì đồng bào. Các bác CCB xác định, việc đi tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là tình cảm, trách nhiệm của những người may mắn còn trở về sau chiến tranh.
Có lần tôi hỏi các CCB về chi phí cho những chuyến đi. Các bác, các ông chỉ cười-nụ cười đậm chất lính: Phương tiện là những chuyến xe khách hay xe máy; lương thực, thực phẩm thì tiện đâu ăn đó, nhiều khi là những miếng lương khô mang theo, còn kinh phí chủ yếu do anh em gom góp từ tiền trợ cấp, từ lương hưu hằng tháng và sự hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức hảo tâm.
Chia sẻ đó của những người lính già làm tôi-những người thuộc thế hệ trẻ hôm nay không khỏi chạnh lòng, suy nghĩ. Trải qua bao mất mát, đau thương của chiến tranh, những người lính đã anh dũng chiến đấu và may mắn sống sót trở về đoàn tụ cùng gia đình vẫn mang trong mình sự trăn trở, day dứt về sự hy sinh của đồng đội. Chứng kiến những hình ảnh đó, nhất là những CCB trở lại chiến trường xưa đi tìm đồng đội, tôi cảm thấy những người trẻ chúng tôi cần phải nhìn lại bản thân mình, từ bỏ khỏi lối sống nặng về hưởng thụ, ích kỷ cá nhân; có những hành động cụ thể, thiết thực để xứng đáng và tri ân sự hy sinh xương máu của thế hệ cha ông, góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giàu mạnh, vững bền.
Hiện nay, tại Nghĩa trang Liệt sĩ hữu nghị Việt-Lào còn hàng nghìn ngôi mộ liệt sĩ chưa xác định được danh tính và chưa có người thân đến nhận, hương khói. Từ khi chứng kiến hình ảnh những CCB đi tìm hài cốt đồng đội, tôi càng nung nấu ý định phải làm một việc gì đó để tri ân các anh hùng liệt sĩ. Tôi mong rằng, khi có điều kiện, sẽ tập hợp một nhóm bạn trẻ, cùng Ban quản lý nghĩa trang thống kê lại toàn bộ danh sách các liệt sĩ đang yên nghỉ tại nghĩa trang đã biết tên, nhưng người thân chưa biết, hoặc chưa có điều kiện đến nhận, sau đó thông báo về các địa phương, để thân nhân gia đình liệt sĩ biết được thông tin và thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm phần mộ. Dù chỉ mới là dự định, nhưng tôi hy vọng, với sự cố gắng của mình và bè bạn, chúng tôi có thể thực hiện được, góp một phần nhỏ bé của mình vào phong trào “đền ơn, đáp nghĩa”, xứng đáng với sự hy sinh của bao thế hệ người Việt Nam để chúng tôi có được cuộc sống hòa bình, hạnh phúc hôm nay.
Tin, bài cộng tác với chuyên mục xin gửi về: Phòng Biên tập Công tác Đảng, công tác chính trị, Báo QĐND, số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội; điện thoại: 069.696.514; 04.37478610; thư điện tử: chinhtriqdnd@yahoo.com.vn |
HOÀNG THỊ THANH HIỀN (Khoa Luật, Trường Đại học Vinh, Nghệ An)