Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 4 Luật Lực lượng dự bị động viên. Cụ thể như sau:

1. Quân nhân dự bị được xếp trong đơn vị dự bị động viên có trách nhiệm sau đây:

a) Kiểm tra sức khỏe;

b) Thực hiện lệnh gọi huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu;

c) Thực hiện chế độ sinh hoạt đơn vị dự bị động viên và nhiệm vụ do người chỉ huy giao;

d) Thực hiện lệnh huy động để bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân.

2. Quân nhân dự bị giữ chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện quy định tại khoản 1 điều này;

b) Nắm tình hình số lượng, chất lượng đơn vị; duy trì đơn vị sinh hoạt theo chế độ và thực hiện chế độ báo cáo;

c) Quản lý, chỉ huy đơn vị khi huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu;

d) Quản lý, chỉ huy đơn vị để bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân.

* Hỏi: Quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng được quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 5 Luật Quốc phòng. Cụ thể như sau:

1. Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân.

2. Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc; phải thực hiện nghĩa vụ quân sự; có nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân; chấp hành biện pháp của Nhà nước và người có thẩm quyền trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Công dân được tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng; giáo dục quốc phòng và an ninh; trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật.

4. Công dân phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân hoặc được huy động làm nhiệm vụ quốc phòng thì bản thân và thân nhân được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

5. Công dân bình đẳng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

QĐND