Sau đó, nạn nhân được chuyển đến Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh điều trị nhưng theo nhận định của các bác sĩ, bệnh nhân khó có thể hồi phục thị lực. Đây chỉ là một ví dụ trong nhiều trường hợp chị em phụ nữ đi làm đẹp nhưng lại trở thành nạn nhân của các thẩm mỹ viện hoạt động "chui".

leftcenterrightdel
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức điều trị ca tai biến mù mắt do tiêm filler tại một spa. Ảnh: Báo Tin tức

Để che mắt cơ quan chức năng, các thẩm mỹ viện "chui" thường hoạt động dưới vỏ bọc như spa, chăm sóc da... nhưng bên trong lại tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ (nâng mũi, nâng ngực, hút mỡ, tiêm filler-chất làm đầy sinh học, chủ yếu dùng để xóa nếp nhăn, tăng kích thước, tạo hình bộ phận cơ thể...). Trong khi đó, theo quy định, các phương pháp làm đẹp có xâm lấn cơ thể như trên chỉ được phép thực hiện tại các phòng khám, cơ sở y tế đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền thẩm định chặt chẽ và cấp giấy phép.

Nhằm thu hút khách hàng, các thẩm mỹ viện “chui” thường đưa ra những lời mời, quảng cáo hấp dẫn như: Làm đẹp trong thời gian ngắn, đội ngũ bác sĩ tay nghề cao, thủ tục nhanh, chi phí thấp, hoàn tiền 100% nếu kết quả không đúng cam kết... Để tăng "uy tín", nhiều thẩm mỹ viện còn tự nhận là cơ sở trực thuộc một số bệnh viện lớn. Không ít người vì nhẹ dạ cả tin đã tìm đến các cơ sở này để làm đẹp, hậu quả là nhiều người bị biến chứng sau phẫu thuật, phải đi chữa trị, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, thậm chí có trường hợp tử vong. Điều đáng nói là khách hàng khi đến làm đẹp tại các thẩm mỹ viện “chui” chủ yếu thỏa thuận miệng với chủ cơ sở nên khi xảy ra biến chứng, các cơ sở này thường “phủi tay”, không chịu trách nhiệm. Trước thực trạng này, rất cần cơ quan chức năng siết chặt công tác quản lý, xử lý nghiêm những cơ sở thẩm mỹ hoạt động không đúng quy định. Bên cạnh đó, người dân khi có ý định làm đẹp nên lựa chọn những cơ sở uy tín để tránh “tiền mất, tật mang”.

TRƯỜNG SƠN