Thiếu tướng NGUYỄN VĂN MỸ, Chủ nhiệm Chính trị TCKT:
Tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc
Tôi đọc rất kỹ cả 3 bài báo và thấy rằng loạt bài có nội dung tốt, phản ánh đúng thực tiễn, nêu rõ những kết quả tích cực cũng như những khó khăn, vướng mắc trong công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội quân khí (BĐQK). Các vấn đề bài báo đặt ra, TCKT đang và sẽ tiếp tục nỗ lực giải quyết nhằm chăm lo tốt nhất đời sống bộ đội.
Quán triệt, triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 169-CT/QUTW ngày 29-12-2020 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội giai đoạn 2021-2025, Đảng ủy TCKT đã cụ thể hóa thành chương trình hành động với 8 nội dung lớn, trong đó có công tác chính sách đối với ngành quân khí và sẽ quyết liệt thực hiện hiệu quả. Thời gian qua, thực hiện đề án quy hoạch lại hệ thống kho vũ khí, trang bị kỹ thuật (Đề án K10), TCKT đã đầu tư củng cố, xây mới hệ thống kho gắn với chương trình xóa nhà cấp 4 xuống cấp, do đó đã cải thiện đáng kể điều kiện làm việc, sinh hoạt của bộ đội, đề nghị cấp trên quan tâm, đầu tư ngân sách để TCKT tiếp tục thực hiện chương trình này. Trong chương trình đầu tư trung hạn đến năm 2025, TCKT sẽ triển khai 5 dự án nhà công vụ, trong đó có 3 dự án ở Cục Quân khí (Kho KV1, Kho K890 và Kho K856), góp phần ổn định đời sống bộ đội, mong rằng công tác này sẽ tiếp tục được thực hiện hiệu quả trong thời gian tới...
Về phụ cấp đặc thù quân sự hiện còn bất cập như bài báo phản ánh, TCKT đã có văn bản đề nghị bổ sung đối tượng được thụ hưởng đối với 73 chức danh; điều chỉnh mức hưởng cho 29 chức danh trong toàn tổng cục. Tổng cục cũng đã rà soát, báo cáo Bộ Quốc phòng đề nghị sửa đổi, điều chỉnh một số nhóm chức vụ, trần quân hàm; về đào tạo, bồi dưỡng, chức danh đặc thù của ngành quân khí quy định trong các thông tư liên quan để cán bộ có thể được đi đào tạo, có cơ hội phấn đấu phát triển...
Mấy năm gần đây, việc tuyển dụng quân nhân chuyên nghiệp ở TCKT nói chung, Cục Quân khí nói riêng chưa đáp ứng được nhu cầu bổ sung số thiếu cho các đơn vị vì chỉ tiêu rất ít, trong khi số quân nhân chuyên nghiệp sắp hết tuổi phục vụ tại ngũ lại khá lớn. Chúng tôi kiến nghị cấp trên quan tâm giải quyết vấn đề này, trong đó ưu tiên tuyển dụng theo địa bàn đóng quân, nhất là vùng sâu, vùng xa, khu vực phía Nam, khu vực Tây Nguyên, ưu tiên tuyển dụng vợ, con của quân nhân chưa có việc làm. Bên cạnh đó, hiện nay, Cục Quân khí có tới 26 trường mầm non và nhà trẻ, tuy nhiên nhiều trường lại thiếu giáo viên được đào tạo bài bản, đây cũng là bất cập cần sớm được giải quyết. Về công tác khám sức khỏe định kỳ, thời gian qua, các đơn vị đã rất quan tâm, quân y TCKT cũng đã chủ động, nỗ lực tổ chức khám sức khỏe cho bộ đội, tuy nhiên còn những hạn chế như báo nêu, TCKT kiến nghị cấp trên quan tâm đầu tư kinh phí để BĐQK được khám sức khỏe tốt hơn nữa, nhất là được khám chuyên khoa tại bệnh viện, góp phần bảo vệ sức khỏe, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao...
 |
Lãnh đạo, chỉ huy Kho K866 (Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật) kiểm tra công tác bảo dưỡng đạn. Ảnh: ĐỨC THỊNH |
Đại tá VŨ VĂN TƯỜNG, Chính trị viên Kho KV1, Cục Quân khí, TCKT:
Bảo đảm tốt đời sống để bộ đội yên tâm công tác
Cán bộ, nhân viên, chiến sĩ đơn vị tôi rất phấn khởi khi Báo Quân đội nhân dân đã tìm hiểu kỹ, có loạt bài phản ánh chân thực đời sống của BĐQK, nêu bật sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, quân đội, đồng thời phản ánh một số vướng mắc, bất cập cần giải quyết.
Được thành lập từ năm 1953, KV1 là một trong những kho ra đời sớm nhất của Cục Quân khí. Những năm qua, nhờ sự quan tâm của các cấp, đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội từng bước được cải thiện, nâng cao. Do đơn vị đóng quân ở địa bàn đặc biệt khó khăn nên cán bộ, nhân viên được hưởng phụ cấp thu hút 70%. Bên cạnh đó, các chế độ như phụ cấp đặc thù quân sự, phụ cấp độc hại bằng tiền, hiện vật... cũng luôn được bảo đảm đầy đủ, kịp thời tới từng đối tượng được hưởng. Để nâng cao đời sống cho bộ đội, đơn vị chú trọng đẩy mạnh tăng gia sản xuất; xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, xây dựng mối quan hệ giữa cấp trên, cấp dưới đoàn kết, gắn bó; xây dựng mỗi khu gia đình, mỗi điểm đóng quân trở thành một điểm sáng văn hóa. Ngoài ra, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị cũng thường xuyên quan tâm đến công tác cải thiện môi trường làm việc, khám sức khỏe định kỳ cho bộ đội... Cán bộ, nhân viên đơn vị rất vui khi được biết, dự kiến trong năm 2023, kho sẽ được trên triển khai dự án xây dựng nhà công vụ. Khi hoàn thành, dự án sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu nhà công vụ của bộ đội... Sự quan tâm thiết thực của cấp trên giúp cán bộ, nhân viên Kho KV1 luôn yên tâm công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
-----------
Thượng tá LƯƠNG MINH TUẤN, Chủ nhiệm Khoa Y học lao động-bệnh nghề nghiệp, Viện Y học dự phòng Quân đội, Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần):
Phối hợp, triển khai đúng tiến độ việc khám bệnh nghề nghiệp
Với đặc thù phải làm việc trong môi trường có nhiều yếu tố bất lợi, điển hình là nồng độ TNT trong không khí nhiều lúc vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phép, BĐQK dễ bị ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí mắc bệnh nghề nghiệp. Thực tế thời gian qua cho thấy, bám sát định hướng, sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo An toàn, vệ sinh lao động và phòng, chống bệnh nghề nghiệp (Ban chỉ đạo) Bộ Quốc phòng, Ban chỉ đạo TCKT đã chủ động, tích cực triển khai nhiệm vụ, góp phần quan trọng phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho BĐQK. Các nội dung quan trắc môi trường lao động, khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp được lập kế hoạch và triển khai nền nếp, môi trường lao động có nhiều cải thiện tích cực. BĐQK được chăm sóc nâng cao sức khỏe, những đồng chí bị ảnh hưởng được đi khám, điều trị; những trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp được chẩn đoán xác định, điều trị, giám định và hưởng chế độ theo quy định. Những năm gần đây, quân y TCKT đã tích cực, chủ động phối hợp với Viện Y học dự phòng Quân đội làm tốt công tác quan trắc môi trường lao động, khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho BĐQK. Cục Quân khí là một trong những đầu mối dẫn đầu về số lượng đơn vị cũng như số lượng quân nhân được khám bệnh nghề nghiệp, được Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng đánh giá tốt.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2021, việc quan trắc môi trường lao động, khám bệnh nghề nghiệp ở nhiều đơn vị bị chậm, hoãn. Để làm tốt công tác này trong thời gian tới, Ban chỉ đạo TCKT, Cục Quân khí cũng như quân y TCKT cần bám sát sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng, bám sát kế hoạch công tác để tham mưu cho thủ trưởng các cấp, đồng thời chủ động phối hợp với Viện Y học dự phòng Quân đội triển khai đúng tiến độ, chất lượng công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp nói chung, việc quan trắc môi trường lao động, khám sàng lọc bệnh nghề nghiệp nói riêng để góp phần bảo vệ sức khỏe người lao động.