Phóng viên Báo QĐND vừa có những ngày “cùng ăn, cùng ở” với bộ đội tại một số kho, xưởng thuộc Cục Quân khí (Tổng cục Kỹ thuật) và thấy được phần nào “bức tranh” về vấn đề này...

Bài 1: Môi trường làm việc được cải thiện tích cực

“Cứ nhìn ai có nước da mai mái thì đó là bộ đội quân khí vì phải làm việc trong môi trường độc hại”, lời “giới thiệu” về bộ đội quân khí khá ấn tượng này chúng tôi được nghe nhiều khi đi thâm nhập thực tế tại một số kho quân khí hơn chục năm trước. Thời điểm đó, điều này có thể đúng, thế nhưng từ nhiều năm nay, khi điều kiện làm việc được cải thiện đáng kể, việc chăm sóc sức khỏe bộ đội đi vào nền nếp thì “nước da mai mái” của bộ đội quân khí không phải dễ gặp...

Điểm nhấn xây dựng, cải tạo nhà xưởng

Mới đầu hè nhưng thời tiết nơi miền tây xứ Nghệ đã nắng nóng, oi bức. Mặc dù 6 giờ 30 phút mới bắt đầu giờ làm việc nhưng Thiếu tá QNCN Trương Văn Thuấn, Thủ kho K11 thuộc Kho K866, Cục Quân khí đã có mặt tại nhà kho từ 5 giờ để mở cửa thông gió. Vừa bước vào kho, chúng tôi đã cảm nhận được mùi khí thuốc nồng nồng, hăng hắc.

Theo Thiếu tá QNCN Trương Văn Thuấn, những năm gần đây, phần lớn hệ thống kho đạn của đơn vị đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp với trần chống nóng, hệ thống thoát khí, hệ thống làm mát mái nhà kho bằng nước... nên đã giảm đáng kể sự tác động của thời tiết. Trong cùng một điều kiện khí hậu, thời tiết, nhiệt độ trong nhà kho hiện nay đã thấp hơn hẳn so với trước đây. Nhiệt độ thấp cũng giúp hóa chất bớt phân hủy, bay hơi, nồng độ khí độc hại giảm nhiều, nhờ đó môi trường làm việc của bộ đội được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, do đây là nhà kho kiểu cũ, hơn nữa, trong điều kiện thời tiết mùa hè, không thể tránh được việc xuất hiện mùi khí thuốc do thuốc phóng phân hủy nhiệt tự nhiên. Nếu khí thuốc tích tụ sẽ càng thúc đẩy quá trình phân hủy thuốc phóng, dễ gây cháy, nổ. Đây cũng là lý do để hằng ngày, người thủ kho phải mở cửa thông gió nhằm giải phóng lượng khí thuốc phát sinh, đồng thời làm giảm nhiệt độ trong kho.

“Xác định thời cơ thông gió là yếu tố quan trọng, người thủ kho chỉ được thông gió khi nhiệt độ, độ ẩm bên ngoài môi trường thấp hơn trong kho. Chính vì vậy, vào những ngày hè, có hôm thủ kho phải thông gió từ 4 giờ sáng”, Thiếu tá QNCN Trương Văn Thuấn cho biết.

Để việc thông gió cho kho đạn được thường xuyên, không bị gián đoạn dài ngày, bộ đội quân khí phải làm việc cả sáng thứ bảy. Nhà kho là nơi làm việc thường xuyên của thủ kho, cũng là địa điểm bộ đội thực hiện nhiệm vụ vận chuyển, sắp xếp, bảo quản vũ khí trang bị...

Vì vậy, cải tạo nhà kho sao cho rộng rãi, thông thoáng, mát vào mùa hè, có thể sử dụng các máy móc, thiết bị để giải phóng sức lao động là nội dung rất quan trọng nhằm vừa bảo đảm chất lượng vũ khí, đạn dược, vừa cải thiện môi trường làm việc cho bộ đội. Thời gian qua, cùng với cải tạo, nâng cấp các nhà kho kiểu cũ, nhiều đơn vị của Cục Quân khí đã được đầu tư xây dựng nhà kho hiện đại kiểu mái vòm. Nhà kho K22 thuộc Kho K812, Cục Quân khí là một trong hơn 20 nhà kho kiểu mái vòm của đơn vị được xây dựng trong những năm gần đây. Kho có diện tích hơn 350m2, được thiết kế tường dày, mái vòm cao, bảo đảm thông thoáng, cách nhiệt, được trang bị hệ thống cứu hỏa thông minh BFIRE-50... Dù ngoài trời nắng nóng nhưng khi bước vào nhà kho, chúng tôi có cảm giác như vào một ngôi nhà giữa tiết trời thu mát mẻ, trong kho cũng hầu như không có mùi khí thuốc. Thiếu tá QNCN Đặng Xuân Huy, Thủ kho K22 phấn khởi nói: “Có nhà kho mới, điều kiện làm việc của chúng tôi thay đổi hẳn. Những hôm nhiệt độ bên ngoài 37-38 độ C nhưng bên trong kho cũng chỉ 28-29 độ C. Nhà kho rộng rãi còn giúp chúng tôi có thể sử dụng các trang bị như xe nâng, băng chuyền tải... trong vận chuyển, sắp xếp hòm đạn”.

Cùng với hệ thống nhà kho được xây mới hiện đại hoặc cải tạo, nâng cấp, hầu hết các trạm hay xưởng bảo dưỡng, sửa chữa của Cục Quân khí đều đã được đầu tư khang trang, đồng bộ.

Trung tá Nguyễn Long Đình, Phó chủ nhiệm kho về kỹ thuật, Kho K816 vừa dẫn chúng tôi tham quan xưởng bảo dưỡng, sửa chữa của đơn vị vừa giới thiệu: “Trước đây, xưởng chủ yếu là nhà mái tôn, thấp, nóng bức vào mùa hè, bộ đội thường xuyên làm việc với dầu mỡ, sơn... nên càng vất vả. Hiện nay, xưởng đã được xây mới với diện tích hơn 1.440m2, lợp tôn xốp hai lớp, có hệ thống thoát khí, thông gió, quạt công nghiệp bảo đảm thoáng mát; các nguyên công độc hại, nguy hiểm đều được bố trí vị trí làm việc riêng, hệ thống hút bụi tại các phân xưởng cũng được cải tiến... Bộ đội rất phấn khởi bởi điều kiện làm việc không ngừng được cải thiện”.

 Bên trong một nhà kho mái vòm được thiết kế rộng rãi, thoáng mát của Kho K812.

Phát huy sáng kiến để nâng cao năng suất lao động

Trước đây, trong quá trình tổng lắp đạn pháo, để đưa thuốc phóng vào ống liều, người thợ phải làm thủ công, mất nhiều công sức, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Khắc phục hạn chế này, Đại tá Nguyễn Danh Bảo, Giám đốc Xưởng X265, Cục Quân khí đã nghiên cứu thành công sáng kiến “Thiết kế, chế tạo thiết bị rung lắc thuốc phóng”, được công nhận sáng kiến cấp Tổng cục Kỹ thuật.

Ứng dụng sáng kiến, người thợ chỉ cần đặt ống liều trên thiết bị rung lắc và tiến hành nạp thuốc phóng, dưới tác dụng của lực rung lắc, ống liều sẽ nhanh chóng được nạp đủ. Thiết bị rung lắc có thể làm việc với nhiều ống liều cùng lúc, nhờ đó năng suất lao động đã tăng gấp 3 lần, giúp giảm công sức bộ đội và tăng tính an toàn...

Theo Đại tá Lê Duy Anh, Chính trị viên Xưởng X265, là đơn vị sửa chữa vừa và sửa chữa tổng lắp các loại đạn pháo, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, Xưởng X265 chú trọng phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật theo hướng giúp nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường và giảm sức lao động của bộ đội. Giai đoạn 2007-2021, đơn vị đã có 75 sáng kiến được cấp có thẩm quyền công nhận, áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực.

Ngoài sáng kiến “Thiết kế, chế tạo thiết bị rung lắc thuốc phóng” nói trên, có thể kể đến nhiều sáng kiến khác như: “Cải tiến máy tẩy gỉ vỏ liều đạn pháo”; “Tự động hóa máy ép định hình vỏ liều”... Năm 2022, xưởng đã báo cáo, được cấp trên đồng ý cho triển khai hoàn thiện hồ sơ 11 sáng kiến, trong đó có 4 sáng kiến đề nghị công nhận cấp Cục Quân khí, 7 sáng kiến đề nghị công nhận cấp cơ sở.

Với phương châm: “Không có sáng kiến nhỏ, chỉ có sáng kiến có lợi cho đơn vị”, không riêng Xưởng X265 mà tất cả các đơn vị thuộc Cục Quân khí chúng tôi có dịp khảo sát đều chú trọng phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật như một giải pháp nâng cao năng suất lao động, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho bộ đội.

Đại tá Võ Văn Sáu, Chủ nhiệm Kho K866 cho biết: “Mỗi năm, đơn vị có 3-5 sáng kiến. Các sáng kiến đều xuất phát từ thực tiễn nên có tính ứng dụng cao, mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều sáng kiến đã đoạt giải tại Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội như: “Thiết kế, chế tạo xe vận chuyển và nhúng vôi trụ kê”; “Thiết bị bơm dầu hộp số, dầu cầu động cơ”, “Thiết bị mở bao gói đạn pháo đựng trong ống giấy”...

Cán bộ, nhân viên Kho K812, K816... cũng có nhiều sáng kiến tập trung vào nội dung cải thiện môi trường làm việc, tăng hiệu suất lao động. Đặc biệt, Kho K816 là một trong những đơn vị đã hoàn thành việc xây dựng đề án bảo vệ môi trường chi tiết, được Bộ Quốc phòng phê duyệt...

Bảo vệ “vốn quý”

Do đặc thù công việc của bộ đội quân khí thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với vũ khí, đạn, thuốc phóng, thuốc nổ... nguy hiểm, độc hại nên mặc dù tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, môi trường làm việc không ngừng được cải thiện nhưng không thể tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Để bảo vệ sức khỏe-“vốn quý” của người lao động, các đơn vị trong Cục Quân khí đặc biệt chú trọng công tác khám, quản lý sức khỏe, điều trị bệnh cho bộ đội.

Đầu tháng 4-2021, chúng tôi có dịp đến Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y), tình cờ gặp một số đồng chí quân nhân chuyên nghiệp thuộc Kho K822, Cục Quân khí đến đây khám, điều trị. Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Mạnh, nhân viên Kho K822 thổ lộ: “Đơn vị vừa tổ chức khám sức khỏe định kỳ.

Sửa chữa đạn pháo tại Xưởng X265. 

Mặc dù bị sỏi thận “sơ sơ”, chưa muốn đi viện nhưng chỉ huy đã động viên, yêu cầu chúng tôi sớm nhập viện để điều trị kịp thời...”. Chia sẻ của Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Mạnh khiến chúng tôi ấn tượng trước sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị đối với sức khỏe bộ đội. Thật đáng mừng, đó cũng là điểm chung của các đơn vị thuộc Cục Quân khí.

Trao đổi với Đại úy QNCN Đậu Thị Lê, phụ trách quân y Kho K816 và Thượng úy QNCN Nguyễn Thị Phượng, nhân viên quân y Kho K812, cũng như qua khảo sát tại một số đơn vị khác chúng tôi được biết, việc khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ, nhân viên của các đơn vị trong Cục Quân khí đã đi vào nền nếp. Hằng năm, quân số khám luôn đạt hơn 98%. Các trường hợp phát hiện bệnh hoặc sức khỏe loại 3, loại 4 đều được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe hoặc kịp thời đưa đi khám, điều trị tại bệnh viện, đồng thời được bố trí công việc phù hợp.

Cùng với khám sức khỏe định kỳ, bộ đội các đơn vị quân khí còn được quan tâm khám bệnh nghề nghiệp. Đại tá Lê Duy Anh cho biết, năm 2016, cơ quan chức năng đã tổ chức quan trắc môi trường và khám bệnh nghề nghiệp cho lực lượng làm việc trong môi trường độc hại của Xưởng X265. Tính đến nay, xưởng đã có 25 đồng chí được xác định mắc bệnh nghề nghiệp, được giải quyết chính sách theo đúng quy định.

Theo Thượng úy QNCN Nguyễn Thị Phượng, qua các đợt khám bệnh nghề nghiệp, Kho K812 phát hiện 36 trường hợp, chủ yếu là nhiễm độc TNT. Tại Kho K866, hơn 40 trường hợp cũng đã được xác định mắc bệnh nghề nghiệp. “Khi mắc bệnh nghề nghiệp, cùng với được điều trị, chăm sóc sức khỏe, hằng tháng, tôi được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp 1.430.000 đồng. Nhờ vậy, tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác luôn yên tâm làm việc, nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”, Thiếu tá QNCN Lê Thị Vinh, nhân viên Trạm Bảo dưỡng, sửa chữa Kho K866 bày tỏ.

(còn nữa)

Bài và ảnh: TRUNG KIÊN - ĐỨC THỊNH