Ông HOÀNG MAI LONG, Giám đốc Công ty TNHH Phần mềm Khởi nguồn:

Quy định rõ trách nhiệm của nhà phát hành game

Tôi rất đồng tình với quan điểm loạt bài đưa ra là: “Game, bản thân nó khi ra đời đơn thuần là một trò chơi điện tử mang tính giải trí. Chơi game theo nguyên nghĩa cũng không phải là hành vi lệch lạc”. Hơn nữa, nếu chơi game đúng thời gian khuyến cáo, có thể giúp người chơi phát triển khả năng tư duy logic, tiếp cận thế giới quan sinh động. Con người luôn có nhu cầu giải trí và học hỏi, game đáp ứng một cách tuyệt vời cả hai điều đó. Cha mẹ cần giáo dục để trẻ hiểu được tại sao chơi game nhiều lại có hại, chơi game chỉ để giải trí, công cụ hỗ trợ trong cuộc sống; cha mẹ chơi cùng con, chọn trò chơi phù hợp độ tuổi, kích thích trẻ học hỏi, phát triển trí thông minh, kiểm soát được thời gian nhìn vào màn hình.

Game trở nên “xấu xí” trong mắt nhiều người một phần do những người sáng tạo game. Cốt truyện, điều hướng nhân vật, hoạt động đối kháng đều do các nhà sáng tạo nghĩ ra theo cách họ muốn. Nhiều công ty đặt lợi nhuận lên hàng đầu nên các hoạt động giật gân, phản cảm... được lạm dụng để thu hút người chơi. Đơn giản nhất như poster quảng bá game cũng phải thiết kế trang phục hở hang, phản cảm. Việc tiến hành kiểm duyệt nội dung, thông tin người chơi, kiểm soát thời gian chơi là những quy định cần thiết. Tuy nhiên, do thiếu những quy định về trách nhiệm nên các nhà phát hành, sáng tạo game không thực hiện, “lập lờ đánh lận con đen” nhằm thu hút người chơi, đặc biệt lứa tuổi thanh thiếu niên. Các doanh nghiệp phải khuyến cáo một cách rõ ràng với người chơi về những tác động ngoài mong muốn có thể xảy ra khi chơi đối với thể chất và tinh thần của người chơi...

---------------

Ông ĐOÀN THANH BÌNH, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp:

Gia đình, xã hội cần chung tay đẩy lùi tác hại của game

Thời gian qua, công tác quản lý tại các điểm kinh doanh dịch vụ internet, trò chơi điện tử công cộng đã được các cơ quan chức năng, địa phương tăng cường. Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh, đa dạng của loại hình này, công tác quản lý hiện vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp và tồn tại nhiều vi phạm.

Thực tế, có cầu thì sẽ có cung. Để quản lý việc chơi game không hề dễ dàng, điều này cần sự hỗ trợ nhiệt tình từ gia đình và cả xã hội. Trong đó, gia đình là quan trọng nhất. Các bậc phụ huynh cần phải thường xuyên kiểm soát thời gian rảnh rỗi của trẻ, hạn chế tối đa việc cho trẻ chơi game. Tại nhà trường, giáo viên phải thường xuyên giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng sử dụng internet hiệu quả, nhất là phòng ngừa nghiện game, đồng thời, giáo viên và phụ huynh học sinh cần nhận diện sớm, phát hiện các biểu hiện nguy cơ nghiện game của học sinh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghiện game, phụ huynh không nên chì chiết, xa lánh mà nên tìm cách khuyên răn, nhắc nhở nhẹ nhàng. Ngoài ra, để tránh tình trạng nghiện game cần tăng cường các hoạt động giải trí khác, các trò chơi vận động. Tại địa phương nên ưu tiên, quan tâm tổ chức các sân chơi lành mạnh để thu hút thanh thiếu niên tham gia.

leftcenterrightdel
Một cửa hàng game trên phố Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, Hà Nội) kín người chơi (ảnh chụp trước ngày 27-4). 

Anh LÊ HOÀNG HẢI, bình luận viên game Đế chế (AoE):

Muốn xóa bỏ định kiến, mỗi người chơi phải thực sự chuyên nghiệp

Tôi bắt đầu bình luận game từ năm 2016. Gia đình tôi không ủng hộ việc này. Gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác vẫn có cái nhìn tiêu cực về game, coi đó như một tệ nạn xã hội, vô bổ, tốn kém, ảnh hưởng đến học tập. Tuy nhiên, bằng tất cả đam mê và sự cố gắng, tôi được khán giả công nhận, có thu nhập ổn định để bảo đảm cuộc sống và quan trọng hơn, gia đình tôi cũng nhìn nhận bình luận viên game là một nghề như rất nhiều ngành nghề chính đáng khác.

Xã hội phát triển cùng sự hỗ trợ của công nghệ, mạng xã hội, nền tảng livestream đã mở ra nhiều cơ hội việc làm mới, được xã hội ghi nhận, trong đó có bình luận game, chơi game, phát triển game...; nhiều bạn trẻ cũng đã thành công, nổi tiếng, đi lên từ game như: Game thủ Chim sẻ đi nắng, Nam blue, Faker... tạo động lực cho nhiều người. Vì thế, việc hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo môi trường cho game phát triển lành mạnh, xóa bỏ các định kiến là cần thiết. Tuy nhiên, dù xã hội đang dần có cái nhìn thiện cảm hơn về game, gamer thì để xóa bỏ hoàn toàn định kiến, ngoài những điều kiện như Báo QĐND đã nêu, mỗi người chơi cũng phải thể hiện tính chuyên nghiệp bằng những hành động thiết thực. Theo đó, người chơi cần phải biết cân bằng thời gian chơi game với các công việc, hoạt động hằng ngày khác, tránh để tác động tiêu cực tới cuộc sống.

------------------

Thầy giáo ĐỖ TẤN NGỌC, Phó hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi:

Siết chặt cấp phép với game bạo lực

Trước đây, học sinh thường chơi game ngoài quán nhưng gần đây, xu hướng này giảm, thay vào đó là chơi game trên điện thoại và máy tính tại nhà. Tôi cho rằng, bản thân game là tốt, vừa để giải trí, vừa tạo việc làm cho xã hội. Tuy nhiên, do quy định về quản lý giờ chơi còn lỏng lẻo cộng thêm nhiều em thiếu ý thức, sa đà, lạm dụng game nên ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập... Để hạn chế mặt trái của game, nhà trường và phụ huynh cần có biện pháp giáo dục tích cực. Bên cạnh đó, tôi mong rằng, cơ quan quản lý, cấp phép game sẽ có biện pháp mạnh nhằm siết chặt cấp phép đối với các game bạo lực, tránh gây ra những hệ lụy đáng tiếc như báo nêu; quản lý chặt giờ chơi game, nhất là trong giờ học sinh phải học tập, đến trường.