Tuy vậy, do tính chất phức tạp của việc xử lý các vấn đề có liên quan đến công nghệ, trong khi các cơ quan có thẩm quyền không đủ nguồn nhân lực và kỹ thuật để kiểm soát game, nên gây ra những hệ lụy rất tai hại đối với xã hội. Bởi vậy, rất cần một "tường lửa" về luật pháp, công nghệ đủ khả năng để quản lý lĩnh vực này.

Bài 1: Hệ lụy khi người trẻ chìm trong bàn phím

Việt Nam nằm trong tốp các nước có tỷ lệ người trưởng thành ở độ tuổi từ 18 đến 64 chơi game trên các thiết bị điện tử cao nhất thế giới. Cùng với sự phát triển của game trên internet, bệnh nghiện game cũng tăng nhanh, để lại nhiều hậu quả nặng nề mà xã hội chưa tìm ra cách giải quyết thỏa đáng.

Nghiện game - một bệnh lý khó chữa

Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) đang điều trị cho những bệnh nhân bị tâm thần, trong đó có nhiều bệnh nhân nghiện game. Các bệnh nhân nghiện game tuổi đời còn trẻ, từ 13 đến 28 tuổi. Theo các bác sĩ, tất cả bệnh nhân (nam, nữ) đều nhập viện trong tình trạng tích hợp cả nhóm biểu hiện giống người nghiện ma túy cũng như các triệu chứng của người trầm cảm nặng: Thèm chơi game mạnh mẽ, không kiểm soát được thời gian chơi game, mất mọi hứng thú và sở thích, mất ngủ, chán ăn, hay cáu gắt, thậm chí có người còn có ý định tự sát.

Không chỉ riêng tại Bệnh viện Quân y 103, theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng bệnh nhân nhập viện điều trị do nghiện game có ở các bệnh viện trong cả nước. Một thông tin rất bi quan là: Sau 6 tuần điều trị, bệnh nhân hết triệu chứng nhưng 2/3 tái phát nghiện game sau đó. Đây là kết quả nghiên cứu của các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 sau khi theo dõi tại Khoa Tâm thần trong vòng một năm.

Ngày 18-6-2019, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận chứng nghiện game là một bệnh lý trong danh sách phân loại bệnh quốc tế. Theo WHO, nghiện game là một bệnh tâm thần. Nghiện game hiện được định nghĩa là “không thể kiểm soát cảm xúc thèm muốn chơi game, liên tục coi việc chơi game là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống, bất chấp mọi nhu cầu và hoạt động, sở thích hằng ngày khác”. Các quy định về nghiện game đã được công nhận và tới ngày 1-1-2022 sẽ bắt đầu có hiệu lực để áp dụng vào nhiều quy chuẩn y tế để kết hợp thống nhất thêm các lộ trình điều trị, phòng, chữa bệnh cho các bệnh nhân gặp tình trạng này.

Cuộc khảo sát của Statista-hãng nghiên cứu thị trường nổi tiếng toàn cầu được công bố vào cuối năm 2020 cho thấy, Việt Nam là nước có tỷ lệ người trưởng thành ở độ tuổi từ 18 đến 64 chơi game trên các thiết bị điện tử cao nhất thế giới. Điều này cho thấy, chơi game đã trở thành hình thức giải trí không chỉ trẻ em mà cả nhiều người trưởng thành lựa chọn. Kết quả này được cho là tất yếu trước sự phát triển mạnh mẽ của internet, wifi, công nghệ 4G, 5G và điện thoại thông minh ở nước ta.

leftcenterrightdel
 Một cửa hàng game trên phố Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, Hà Nội) kín người chơi (ảnh chụp trước ngày 27-4).

Trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, ngành nghề và dịch vụ phải tạm dừng hoạt động, hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời bị cấm. Điều đó khiến nhiều công nhân, người lao động tạm thời không có việc làm; học sinh phải nghỉ học ở nhà, không có chỗ chơi... Vì thế, nhiều người trong số này đã tìm đến game để giết thời gian và giải trí. Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Mạnh, nhà ở Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: “Hè năm nay, không có các lớp học ngoại khóa, học thêm nên hai cháu nhà tôi thường chơi game hay xem livestream các buổi chơi game của các game thủ, nhất là trong mấy tuần giãn cách. Tôi rất lo lắng, nhưng vợ chồng vẫn phải đi làm, các cháu không có chỗ chơi nên đành chấp nhận”. Anh Bùi Văn Thiết, tài xế xe công nghệ Công ty Cổ phần Be Group chia sẻ: “Trước đây, lúc chờ khách tôi thường chơi game. Nay phải tạm dừng hoạt động, bị mắc kẹt không thể về quê nên tôi chỉ biết lướt facebook và chơi game cho mau hết ngày”. Trước dịch Covid-19, khảo sát của nhóm phóng viên trên thực tế ở các quán game cho thấy, phần lớn các quán mở cửa quá thời gian cho phép. Nhiều người chơi tối ngày, ăn ngủ ngay tại bàn chơi game; chơi đến mức kiệt sức.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành Long, chuyên gia tư vấn tâm thần, Phòng Khám tâm lý, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City cho biết: “Điều dễ thấy nhất về mặt sức khỏe đối với người nghiện game là ngủ ít, rối loạn giấc ngủ gây mệt mỏi, dễ cáu gắt, chán chường, mất hết sức sống; mất cảm giác ngon miệng, ăn ít hoặc giảm cân, sức khỏe giảm sút; vận động chậm, chậm chạp khi giao tiếp, giọng nói nhỏ, thậm chí không nói; rối loạn trí nhớ. Ngoài ra, còn ảnh hưởng về mặt tinh thần như thường xuyên có cảm giác cô đơn, bức bối khó chịu và bị trầm cảm, cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi; nhận thức sai về giá trị sống; ảo tưởng hoặc đa nhân cách nếu người chơi nhập vai quá mức. Về mặt xã hội, người nghiện game thường bỏ bê việc học tập và các công việc hằng ngày; trẻ em học hành sa sút, người lớn thậm chí có thể mất việc và tan vỡ các mối quan hệ xã hội, gia đình”.

Những vụ án đau lòng vì game

Tìm kiếm trên Google với từ khóa “giết người lấy tiền chơi game”, chỉ sau 0,52 giây đã cho 2,82 triệu kết quả. Vụ việc mới nhất xảy ra ngày 23-3-2021, tại TP Châu Đốc, tỉnh An Giang. Tại cơ quan công an, đối tượng Bùi Trọng Nghĩa, 16 tuổi, ngụ phường Châu Phú B (TP Châu Đốc) khai nhận, để có tiền chuộc hai chiếc xe máy của gia đình bị Nghĩa cầm cố lấy tiền chơi game, đối tượng đã giết bạn là Thái Quang Minh, 28 tuổi, ngụ cùng phường.

Ngày 5-4-2021, Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa tuyên án tử hình đối với bị cáo Vũ Tiến Long, sinh năm 1998, ở thôn Đà Sơn, xã Hà Bắc (Hà Trung) về tội giết người và cướp tài sản. Theo cáo trạng, khoảng 4 giờ ngày 7-10-2020, Long đột nhập vào nhà ông Tống Duy Nghiễn và bà Cù Thị Kiện ở cùng ngõ để trộm đồ bán lấy tiền chơi game. Bị phát hiện và truy cản, Long dùng dao đâm nhiều nhát vào ông Nghiễn, bà Kiện đến chết rồi vào nhà lấy cắp tài sản; sau đó tiếp tục ra quán chơi game.

leftcenterrightdel
Sự phát triển của thiết bị di động và công nghệ 4G, 5G làm tăng tỷ lệ và độ tuổi người chơi game. Ảnh: HUYỀN TRANG. 

Đau lòng nhất là trường hợp vào đầu tháng 6-2020, Đào Ngọc Hoàng, 17 tuổi, ở xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) nghiện các trò chơi bạo lực, bắt cóc, tống tiền, trinh thám nên đã bắt cóc bé trai 5 tuổi cùng xóm đưa vào rừng, trói chân, tay với ý định sau đó đưa bé về như “người hùng”. Tuy nhiên, khi gia đình và cơ quan chức năng tìm kiếm, Hoàng sợ hãi nên không dám đưa bé về khiến bé bị chết. 

Qua nghiên cứu, đánh giá từ các bệnh nhân đã phải điều trị nghiện game, các bác sĩ khẳng định, tình trạng nghiện game tác động đến hệ thần kinh rất mạnh. Theo Đại tá, PGS, TS Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 thì nghiện game là nguyên nhân chính gây đổ vỡ trong cuộc sống. Thực tế cho thấy, nhiều game thủ đã 21 tuổi nhưng cảm xúc và trí tuệ chỉ như đứa trẻ 12 tuổi. Những game thủ nhiều tuổi hơn thì có thể có các hành động rất liều lĩnh. Họ coi thường mạng sống của mình và những người khác, coi thường các chuẩn mực đạo đức xã hội và các quy định của pháp luật. Mặt khác, các triệu chứng của trầm cảm do nghiện game khiến sức khỏe về thể chất và tâm thần của người nghiện game bị suy giảm nghiêm trọng. Nặng nề nhất là ý định và hành vi tự sát vì chúng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nhóm người này. Người nghiện game khi không có đủ tiền để thỏa mãn ham muốn chơi game, họ có thể làm các việc phạm pháp như trộm cắp, cướp của, bán dâm, giết người để có tiền chơi game. Đây chính là nguyên nhân mà người nghiện game đã gây ra những sự việc rất đau lòng.

Trong những cuộc trò chuyện với các chuyên gia tâm lý, rất nhiều phụ huynh từng than vãn, họ cảm thấy bất lực, cảm thấy “mất con” khi những đứa trẻ này gần như không còn tình cảm với cha mẹ. Chúng trở nên xa cách, suốt ngày chỉ vùi đầu vào game. Bản thân phóng viên từng trò chuyện với một cháu bé khoảng 13 tuổi ở gần nhà. Những ngôn ngữ mà cháu nói ra “sặc mùi" game thủ với những từ “đồ sát”, “liên đấu võ lâm”, “kinh kông”, "huynh-đệ". Phân tích của các nhà tâm lý học cho thấy, những người nghiện game nặng chỉ cảm thấy được sống khi chơi game và thường hành động theo nhân vật ảo trong đó. 

Theo Đại tá, PGS, TS Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, nghiện game được chia thành hai nhóm. Thứ nhất, nhóm triệu chứng giống nghiện ma túy, gồm: Thèm chơi game, mất các hứng thú khác; chơi game liên tục không nghỉ; không kiểm soát được việc chơi game; mất thời gian vì chơi game; bỏ bê các công việc khác; che giấu các cảm giác và tình huống khó chịu; nói dối về thời gian chơi game; sử dụng sai về tiền bạc; cảm xúc không ổn định. Thứ hai, nhóm triệu chứng trầm cảm, gồm: Khí sắc trầm cảm; mất hứng thú và sở thích; mất ngủ; chán ăn, ăn ít; rối loạn tâm thần vận động; giảm sút năng lượng; cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi; khó suy nghĩ, tập trung hoặc ra quyết định; ý nghĩ muốn chết và hành vi tự sát.
 

(còn nữa)

NGUYỄN TUẤN - ĐỨC TUẤN