Cũng phải nhìn nhận đúng thực tế, game là ngành công nghiệp không khói, có đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế-xã hội, nó cũng là sản phẩm trí tuệ của nhân loại. Điều quan trọng là phát huy sự đóng góp của ngành công nghiệp này và ngăn chặn sự biến tướng dẫn đến tác hại của nó.

Con gà đẻ trứng vàng

Báo cáo tổng kết năm 2020 và định hướng năm 2021 của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đánh giá, ngành game online là một trong ít ngành công nghiệp nội dung số giữ vững được doanh thu và thị trường lao động ổn định, thậm chí còn tăng nhẹ so với các năm trước. Theo đó, doanh thu của ngành công nghiệp game online đã tăng từ 4,968 nghìn tỷ đồng của năm 2015 lên mức 11,5 nghìn tỷ đồng năm 2019 và còn tiếp tục tăng. Ngoài ra, các doanh nghiệp ngành game online cũng nộp ngân sách nhà nước 1.150 tỷ đồng năm 2019, so với 490 tỷ đồng năm 2015. Về lao động, con số tăng trưởng còn ấn tượng hơn, từ mức 7.000 người năm 2015 lên đến 24.000 người năm 2019.

Trong khi đó, báo cáo “Ứng dụng di động 2021” của Appota-đơn vị cung cấp các giải pháp công nghệ và nội dung giải trí số ở nước ta cho biết, năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến thị trường và khiến nhu cầu chơi game di động tăng trưởng mạnh trên toàn cầu. Việt Nam cũng có chung xu hướng này khi mọi chỉ số về lượt tải, số lượng game đều tăng trưởng mạnh so với năm 2019. Cụ thể, thị trường game di động chứng kiến tăng trưởng 40% doanh thu qua kho tải, lượt tải và số lượng game ra mắt cũng tăng mạnh so với năm 2019, dự đoán có thể đạt con số 205 triệu USD vào năm 2021 (doanh số trả phí và mua ứng dụng game mobile của Việt Nam).

leftcenterrightdel
Nhiều người đã trở thành game thủ chuyên nghiệp và xem việc chơi game là công việc mang lại thu nhập chính. Ảnh: aoe.vn 

Điều đó có thể thấy, doanh thu ở mảng này rất đáng kể. Nếu chúng ta quản lý tốt, doanh thu ở mảng này còn cao hơn nữa. Những năm gần đây, sự phát triển của game xuyên biên giới không có phép phát hành qua các kho ứng dụng Apple Store, Google Play gây thiệt hại lớn cho thị trường game Việt Nam (doanh thu từ game lậu chiếm khoảng 30% doanh thu toàn thị trường game Việt Nam). Xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác làm trung gian thanh toán cho các trò chơi không phép phát hành qua các kho ứng dụng Apple Store, Google Play. Game lậu từ các trang mạng cũng gây thiệt hại rất lớn. Thị trường game Việt Nam đang bị các các công ty nước ngoài lấn át khi có đến gần 85% trò chơi phát hành hợp pháp tại Việt Nam có xuất xứ từ nước ngoài, trong đó Trung Quốc chiếm hơn 70%. Ngành công nghiệp trò chơi điện tử trên mạng ở nước ta hiện nay thực chất chỉ là thị trường phát hành trò chơi cho nước ngoài và được hưởng doanh thu theo tỷ lệ thỏa thuận.

Báo cáo khảo sát của Statista-hãng nghiên cứu thị trường nổi tiếng toàn cầu cho biết, trên thị trường toàn cầu, game đã trở thành một ngành công nghiệp đẻ trứng vàng, tạo ra nhiều việc làm và đem lại doanh thu cực lớn. Nhiều người đã trở thành game thủ chuyên nghiệp và xem việc chơi game là công việc mang lại thu nhập chính.

Esport (môn thể thao điện tử của trò chơi điện tử) đã được nhiều nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy, Nga... chính thức công nhận là môn thể thao quốc dân. Ủy ban Olympic quốc tế đã nhiều lần tranh luận về việc có nên đưa các cuộc thi eSports vào danh sách các bộ môn thi đấu hay không? Nếu nhìn nhận đúng bản chất, giải pháp quản lý tốt, chế tài pháp luật chặt chẽ thì game có nhiều mặt tích cực có thể phát huy. Theo thống kê từ Statista, khán giả theo dõi eSports đã tăng từ 193 triệu người vào năm 2019 lên 223 triệu người vào năm 2020 và con số này đang tiếp tục tăng. Các giải đấu eSports giữa các game thủ trên thế giới luôn thu hút lượng khán giả khổng lồ. Đây quả thực là một thị trường hấp dẫn, nhiều tiềm năng nếu biết cách khai thác tốt.

Game phải thay đổi để xóa bỏ định kiến

Những tác hại từ việc nghiện game đối với giới trẻ là không thể phủ nhận. Cũng vì quá chạy theo lợi nhuận, nhiều nhà sản xuất game đã đưa ra thị trường tràn lan các game có nội dung độc hại, nhất là các game lậu chưa thể kiểm soát với chủ đạo là kiểu hành động bạo lực như bắn, chém giết, đổ máu; ngôn từ mang tính chất kích động, thô tục, xuyên tạc; hình ảnh khiêu dâm... Nhiều chuyên gia công nghệ thông tin cũng cho rằng, game sẽ rất hại khi chúng ta không quản lý được. Điều này thì các nhà sản xuất hay phát hành game không thể giải quyết được. Nó phụ thuộc lớn vào cơ quan quản lý nhà nước và quản lý ở chính các gia đình, nhà trường và nhận thức của các em.

Nhìn nhận về vấn đề này khi trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: "Điều quan trọng nhất là chúng ta phải có phương thức quản lý phù hợp ngành game để nó không làm băng hoại đạo đức, để phát huy tính tích cực, lành mạnh, loại bỏ tiêu cực, mặt trái của game chứ không phải là cấm. Chúng ta không cấm vì đây là sản phẩm trí tuệ của nhân loại, nhưng phải quản lý rất chặt chẽ. Ở nhiều quốc gia, game là ngành thu nhập không khói có đóng góp đáng kể vào sự phát triển".

Trên thực tế, trước đây, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh đã từng ra văn bản đề nghị các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) phối hợp với doanh nghiệp phát hành game ngừng cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến đến các đại lý từ 22 giờ đến 8 giờ sáng, không cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến đến các đại lý internet có khoảng cách dưới 200m đến các trường học và ngăn chặn việc truy cập đến trò chơi trực tuyến chưa được phép lưu hành tại Việt Nam. Tuy vậy, việc này đã không khả thi khi game trong nước bị chặn thì các game lậu lại mặc sức tung hoành. Doanh thu của các game lậu này đương nhiên nhà nước không thu được thuế. Qua thực tiễn, tất cả biện pháp cấm game đều không khả thi, bởi nếu cấm các nhà sản xuất game Việt Nam hay cấm chơi game Việt Nam thì người chơi có thể chơi game nước ngoài. Các hình thức mua thẻ game hiện nay rất đa dạng và dễ dàng như visa, ví điện tử, thẻ cào...

Ông Vũ Anh Đức, Giám đốc Đào tạo Arena Multimedia chia sẻ tại buổi nói chuyện về “Giải mã nhân lực ngành game” được tổ chức mới đây rằng: “Không nên nhìn vào người nghiện chơi game mà đánh giá cả ngành game. Ở thời điểm hiện tại, game đã mang lại nhiều tác dụng khác ngoài việc giải trí như truyền bá tính giáo dục, nâng cấp kiến thức xã hội, phổ biến văn hóa... Cùng với đó, ngành game không chỉ sản xuất game mà còn mở rộng ra nhiều loại hình công việc khác như: Marketing, quảng cáo, streamer, vận hành, diễn xuất...”.

Statista-hãng nghiên cứu thị trường nổi tiếng toàn cầu đánh giá: Ở thị trường Việt Nam, đến nay vẫn chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa người thích chơi game, người nghiện game và người chơi game chuyên nghiệp. Người chơi game thường xuyên cũng thường bị gắn mác là nghiện game, phải hứng chịu nhiều định kiến từ xã hội và không được định hướng đúng đắn để theo đuổi đam mê. Từ đó, họ dễ rơi vào trạng thái cô đơn, càng chìm đắm vào game, tìm đến game để giải tỏa. Kết cục, nhiều người đắm chìm vào thế giới game để rồi trở thành tội đồ, thậm chí là tội phạm hình sự bị pháp luật và cả xã hội lên án.

Đề cập đến quan điểm của mình khi trao đổi với phóng viên, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: "Game online là một trong những nhu cầu giải trí chính đáng của người dân. Các trò chơi điện tử ngày càng phát triển đáp ứng nhu cầu giải trí, phát triển tư duy sáng tạo cho giới trẻ và nhiều người đã thành niên. Tuy nhiên mặt trái của nó ai cũng có thể nhìn thấy đó là gây “nghiện” và có thể biến tướng thành các trò chơi đánh bạc. Bởi vậy cần có sự quản lý ngày càng chặt chẽ của nhà nước để hạn chế những mặt tiêu cực của game online".

 Hãng nghiên cứu thị trường Statista cho rằng, chúng ta cần nhìn nhận game như một lĩnh vực công nghiệp không khói tiềm năng. Hoàn thiện hệ thống quản lý phù hợp và đúng đắn để cả nhà sản xuất, phát hành lẫn người chơi và toàn cộng đồng đều được hưởng lợi từ loại hình này.

(còn nữa)

NGUYỄN TUẤN - ĐỨC TUẤN