Đại tá Phạm Cảnh Toàn, Phó chính ủy BĐBP tỉnh Kon Tum cho biết: “Để phong trào thi đua “dân vận khéo” đạt hiệu quả, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đặc biệt coi trọng việc xây dựng, triển khai thực hiện các phong trào, các cuộc vận động, tập trung thực hiện hiệu quả các mô hình, công trình, phần việc giúp người dân vùng biên giới phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, sớm ổn định cuộc sống gắn với xây dựng, củng cố, giữ vững quốc phòng, an ninh, xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh, an toàn’’.

Trong 24 mô hình giúp dân của BĐBP tỉnh Kon Tum, có nhiều mô hình “dân vận khéo” mang lại hiệu quả thiết thực, được nhân rộng trên địa bàn các xã biên giới. Điển hình là mô hình hỗ trợ bò giống sinh sản cho nhân dân khu vực biên giới tại xã Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei), được triển khai từ năm 2011 với 15 con bò giống ban đầu giao cho 15 hộ gia đình nhận nuôi. Thấy được hiệu quả thiết thực của mô hình, các cơ quan, đơn vị của BĐBP tỉnh đã hưởng ứng và nhân rộng. Đến nay, mô hình đã phát triển với 69 hộ gia đình, nhận nuôi 126 con bò. Nhờ triển khai có hiệu quả các mô hình “dân vận khéo” đã góp phần giúp 13,2% hộ nghèo các xã biên giới vươn lên thoát nghèo, 96% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, 80-85% số hộ gia đình có nhà xây, mái lợp tôn hoặc lợp ngói. 

VĂN LÝ