“Kế hoạch nhỏ” là phong trào thu gom vỏ lon, chai nhựa hoặc các vật liệu tái chế, đặc biệt là giấy vụn những năm qua đã trở thành hoạt động quen thuộc trong các trường tiểu học. Xét về mặt tích cực, đây là hình thức giáo dục học sinh tinh thần tiết kiệm, ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời góp phần gây quỹ cho các hoạt động của Đội.

“Kế hoạch nhỏ” là phong trào thu gom vỏ lon, chai nhựa hoặc các vật liệu tái chế, đặc biệt là giấy vụn những năm qua đã trở thành hoạt động quen thuộc trong các trường tiểu học. Ảnh minh họa: dantri.com.vn

Tuy nhiên, từ lâu phong trào đã bộc lộ mặt trái. Một trong những vấn đề đáng lưu tâm là không ít trường học đã biến hoạt động vốn mang tính tự nguyện thành áp lực chỉ tiêu, thành tích. Nhiều trường học giao số lượng cụ thể cho từng lớp, từng học sinh nộp theo định kỳ, thường là hai lần mỗi năm. Khi các em không thể tự mình thu gom đủ, “kế hoạch nhỏ” lại trở thành kế hoạch của các bậc cha mẹ. Không ít phụ huynh phản ánh rằng họ phải đi mua vỏ lon, chai nhựa, giấy vụn để con hoàn thành chỉ tiêu, bảo đảm thành tích thi đua của lớp. Từ đó, một hoạt động mang tính giáo dục lại biến thành hình thức đối phó, làm lu mờ ý nghĩa thực tế của phong trào.

Thực tế này đặt ra câu hỏi nghiêm túc về cách tổ chức và mục tiêu của các phong trào trong nhà trường. Nếu không có sự điều chỉnh phù hợp, những phong trào như “kế hoạch nhỏ” sẽ không còn là hoạt động bổ ích đối với học sinh mà trái lại, trở thành sự phiền toái cho gia đình các em. Hơn nữa, việc thực hiện theo kiểu hình thức, đối phó sẽ khiến trẻ không hiểu đúng giá trị của lao động và tinh thần tiết kiệm, đi ngược lại mục tiêu giáo dục đạo đức mà nhà trường hướng đến.

LÊ HIẾU

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.