Đến điểm thu gom “Trạm Xanh-Green Da Nang” tại con hẻm nhỏ trên đường Tiểu La, phường Hòa Cường, chúng tôi thấy người dân đủ mọi lứa tuổi mang theo các loại rác tái chế như vỏ hộp sữa, đồ nhựa... đã được phân loại, làm sạch, phơi khô cẩn thận.

Nói về mô hình, chị Lê Thị Phương Thảo cho biết: “Tôi thấy nhiều đô thị lớn đều có chương trình thu gom để tái chế rác. Bởi vậy, tôi quyết định triển khai mô hình tại nhà rồi kết nối với đơn vị tái chế “Lagom Việt Nam” để gửi đi xử lý”. Từ điểm thu gom vỏ hộp sữa ban đầu, đến nay, “Trạm Xanh-Green Da Nang” còn tiếp nhận các loại nhựa có giá trị thấp. Những loại rác thải nhựa này thường không được các cơ sở ve chai tiếp nhận, gây áp lực lớn cho hệ thống xử lý rác đô thị nếu không được phân loại đúng cách. Sau khi tiếp nhận, rác sẽ được chuyển đến các cơ sở tái chế tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh

Các tình nguyện viên “Trạm Xanh - Green Da Nang” phân loại rác tái chế. 

Qua thời gian, từ mô hình tự phát, “Trạm Xanh-Green Da Nang” từng bước chuyên nghiệp hóa, tổ chức thu gom rác định kỳ vào ngày chủ nhật hằng tuần, từ 8 giờ đến 17 giờ. Không chỉ dừng lại ở việc thu gom, “Trạm Xanh-Green Da Nang” còn tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục như: Chương trình “Đổi rác lấy quà” tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (phường Hòa Khánh, TP Đà Nẵng) vào tháng 3-2025, thu được hơn một tấn rác tái chế các loại; "Phiên chợ xanh" vào tháng 7-2023, thu được 58kg rác thải tái chế... Hiện nay, mô hình có sự tham gia của hơn 30 tình nguyện viên trực tiếp vận hành trạm, tổ chức sự kiện và kết nối với các đơn vị tái chế trong nước và nước ngoài. “Trạm Xanh-Green Da Nang” đang hướng tới việc xây dựng một mô hình mẫu để các địa phương khác có thể tham khảo và triển khai. 

Từ một ý tưởng nhỏ, “Trạm Xanh-Green Da Nang” đã trở thành một mô hình tiêu biểu về phân loại và tái chế rác thải đô thị, được UBND TP Đà Nẵng ghi nhận và trao giải thưởng về môi trường năm 2023.

Bài và ảnh: THU HƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.