Vi phạm còn phổ biến
Khoảng 0 giờ 5 phút ngày 3-11, tại khu vực ngã tư Trần Hưng Đạo-Bà Triệu (Hà Nội) xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, để lại sự đau đớn, xót xa đối với người thân nạn nhân cũng như sự ân hận, day dứt với mẹ của thủ phạm vì đã giao xe máy trái phép cho con mình điều khiển.
Tại thời điểm xảy ra tai nạn, chị N.H.Q, sinh năm 1997, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đang dừng đèn đỏ tại khu vực ngã tư Trần Hưng Đạo-Bà Triệu thì một nhóm thanh, thiếu niên điều khiển khoảng 25-30 xe máy đi theo chiều ngược lại với tốc độ cao. Trong đó, N.H.N, sinh năm 2005, lái xe Honda Vision chở theo N.P.A do không chú ý quan sát nên đã đâm vào chị N.H.Q làm chị Q ngã ra đường.
Ngay sau đó, N.T.M.K, sinh năm 2008, ở Thanh Trì, Hà Nội điều khiển xe Honda Wave chở theo L.Đ.C chạy theo đoàn đã tiếp tục đâm vào chị Q, khiến chị Q tử vong tại chỗ.
 |
Nhóm thanh, thiếu niên điều khiển xe máy với tốc độ cao dẫn đến vụ tai nạn khiến chị N.H.Q tử vong. Ảnh: vietnamnet.vn |
Theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ hiện hành thì người đủ 16 tuổi trở lên mới được điều khiển xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3; người đủ 18 tuổi trở lên, có giấy phép lái xe mới được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên.
N.T.M.K sinh năm 2008, mới 16 tuổi, chưa đủ điều kiện nhưng đã điều khiển xe Honda Wave có dung tích xi-lanh lớn hơn 50cm3 là hành vi vi phạm pháp luật.
Bà L.T.L, mẹ của N.T.M.K, khi biết tin con trai điều khiển xe gây tai nạn chết người đã bật khóc, ân hận vì đã giao xe máy cho con. "Tôi chỉ nghĩ con lấy xe đi lại, không ngờ lại ra cơ sự này", bà L.T.L nức nở. Thế nhưng, mọi sự ân hận của bà L.T.L là quá muộn màng…
Đáng nói, không chỉ riêng trường hợp của bà L.T.L nói trên, khá nhiều bậc phụ huynh trên địa bàn cả nước hoặc vì không hiểu biết, hoặc coi thường pháp luật nên vẫn “vô tư” mua xe, giao xe máy cho con mình, dù con chưa đủ tuổi để điều khiển hoặc chưa có giấy phép lái xe. Chỉ cần quan sát tại cổng một số trường THPT ở các thành phố lớn vào giờ tan trường cũng có thể thấy rõ tình trạng này.
Theo thống kê của Công an TP Hà Nội, trong tháng 10-2024, sau gần một tháng triển khai kế hoạch bảo đảm an toàn giao thông đối với lứa tuổi học sinh, lực lượng chức năng đã xử lý gần 6.040 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, tạm giữ 2.928 phương tiện các loại. Trong đó, vi phạm về mũ bảo hiểm là 5.303 trường hợp, 1.092 trường hợp học sinh điều khiển phương tiện khi không đủ điều kiện; xử lý 338 trường hợp phụ huynh, chủ xe giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển…
Tại TP Biên Hòa (Đồng Nai), lực lượng chức năng cho biết, từ ngày 1-10 đến 31-10, đã kiểm tra, phát hiện hơn 400 học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Các lực lượng cũng đã kiểm tra, xử phạt hơn 300 phụ huynh vì đã giao xe máy cho con em là học sinh chưa đủ điều kiện tham gia giao thông…
Kiểm soát chặt, xử lý nghiêm
Việc giao xe máy cho người chưa đủ điều kiện điều khiển là một trong những nguyên nhân gây mất trật tự an toàn giao thông, thậm chí gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng bởi các đối tượng này chưa có kỹ năng, kiến thức, chưa được đào tạo, sát hạch để cấp giấy phép lái xe.
Vì vậy, tại khoản 10, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ đã quy định nghiêm cấm giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển tham gia giao thông đường bộ.
 |
Tình trạng học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ điều kiện diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Ảnh: thanhnien.vn
|
Về hình thức xử phạt, theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP thì hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định điều khiển, đối với xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô sẽ bị xử phạt hành chính từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng (với cá nhân), từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng (đối với tổ chức). Trường hợp để xảy ra tai nạn giao thông chết người thì người cho mượn, giao phương tiện có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.
Để từng bước ngăn chặn tình trạng người không đủ điều kiện, nhất là đối tượng học sinh điều khiển xe máy, chính quyền địa phương, lực lượng cảnh sát giao thông, ngành giáo dục cần phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức của các em học sinh, để các em tự giác chấp hành.
Cùng với đó, cần tiếp tục chú trọng việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự các trường hợp giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển nhằm tạo sự răn đe.
Đặc biệt, các bậc phụ huynh cần ý thức được rằng việc giao xe máy cho con khi chưa đủ điều kiện điều khiển chính là tiếp tay cho vi phạm, có thể đẩy con em mình vào những rắc rối pháp lý, thậm chí ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, từ đó có biện pháp quản lý, giáo dục con em phù hợp và kiên quyết “nói không” với các hành vi vi phạm.
VIỆT PHÚ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.