Do tính chuyên nghiệp và yêu cầu cao trong thi đấu của bảng này, Ban tổ chức nội dung Xe tăng hành tiến đã đưa ra nhiều quy định khắt khe và hoàn thiện liên tục qua từng năm để tạo sự đổi mới và không khí thi đấu sôi nổi giữa các đội tuyển.

Để giúp bạn đọc hiểu hơn của nội dung Xe tăng hành tiến, Báo Quân đội nhân dân Điện tử giới thiệu tới bạn đọc về quy định của nội dung thi đấu này.

Xe tăng hành tiến là một trong những nội dung thi đấu chính của các kỳ Army Games từ năm 2015. Sau mỗi kỳ Army Games, nội dung thi đấu Xe tăng hành tiến liên tục được hoàn thiện với các quy định, thể lệ thi đấu sát với tình huống chiến đấu và đặc điểm thực tiễn. Tại Army Games 2022, tham gia nội dung Xe tăng hành tiến có 21 đội dự thi. Các đội sẽ tham gia thi đấu vòng loại (Vòng đua riêng lẻ) để chọn ra các đội có thành tích tốt hơn vào vòng bán kết (Đua tiếp sức) và vào vòng chung kết với thể thức thi đấu tương tự.

Tại nội dung Xe tăng hành tiến, các đội tuyển được chia làm 2 bảng. Trong đó, bảng 1 dành cho các đội mạnh, có truyền thống sử dụng xe tăng T-72, và bảng 2 dành nhóm dưới. Đội tuyển vô địch bảng 2 vào kỳ hội thao sau sẽ được chuyển lên bảng 1 thi đấu và đội tuyển đứng cuối bảng 1 sẽ xuống bảng 2 thi đấu. Xe tăng được sử dụng là phiên bản nâng cấp T-72B3. Các đội tuyển dự thi được nước chủ nhà cho mượn phương tiện thi đấu, trừ Trung Quốc và Belarus mang xe tăng từ trong nước tới tham gia.

Thi đấu cùng các đội tuyển mạnh, có truyền thống sử dụng xe tăng T-72 là cơ hội tốt để Đội tuyển Xe tăng Việt Nam cọ xát và nâng cao trình độ qua từng kỳ hội thao. Ảnh: Phú Sơn

Tại các kỳ Army Games, nội dung Xe tăng hành tiến luôn diễn ra tại thao trường Alabino, ngoại vi Thủ đô Moscow. Cụ thể, nội dung này bao gồm các giai đoạn thi đấu như sau:

Giai đoạn 1: Vòng đua riêng lẻ

Vòng đua riêng lẻ chính là tên khác của vòng loại tại nội dung thi đấu Xe tăng hành tiến. Phần thi này tiến hành trên đường chạy được bố trí 11 vật cản như: Hàng cọc, bãi mìn, vật cản nước, sống trâu, hào chống tăng, vách đứng, đường mấp mô, cầu vệt bằng... và các vòng phạt 500m, vị trí kiểm tra kỹ thuật. Mỗi vòng chạy có chiều dài khoảng 4-6km. Tại nội dung Xe tăng hành tiến năm nay, chướng ngại vật đường mấp mô được thay bằng khoa mục thi đấu khác.

Mỗi vòng chạy xe sẽ bắn 3 mục tiêu bằng pháo chính, 1 mục tiêu súng máy phòng không 12,7mm và 1 mục tiêu súng máy đồng trục PKT 7,62mm.

+ Vòng 1: Tại chỗ bắn pháo vào 3 mục tiêu tăng chính diện (bia số 12). Cơ số đạn 3 viên.

+ Vòng 2: Tại chỗ bắn 12,7mm vào mục tiêu máy bay trực thăng treo tại chỗ (bia số 25). Cơ số đạn 15 viên.

+ Vòng 3: Tại chỗ bắn súng máy đồng trục vào mục tiêu súng chống tăng (bia số 9). Cơ số đạn: 15 viên.

Trong quá trình thi đấu, các đội thi nếu vi phạm bất kỳ lỗi nào như va chạm vào cột, bỏ qua chướng ngại vật hoặc sai đường đều phải điều khiển xe tăng vào khu vực vị trí kiểm tra kỹ thuật để chạy phạt. Nếu bắn trượt mục tiêu, đội thi sẽ phải chạy vòng phạt dài 500m cho mỗi lần bắn trượt.

Một điểm lưu ý khác là trong thi đấu, các đội thi phải tuân thủ Luật Giao thông của Liên bang Nga về nhường đường, làn ưu tiên. Trong các cuộc thi Tank biathlon trước đã ghi nhận các vụ việc xe tăng của các đội thi va chạm. Đội sai luật tùy theo mức độ nghiêm trọng của va chạm sẽ phải chịu phạt hoặc bị loại khỏi cuộc thi. Do xe tăng là trang bị quân sự nên yếu tố an toàn trong thi đấu cũng phải đặt lên hàng đầu. Bất kỳ đội thi nào vi phạm quy chế an toàn hoặc không tuân theo hiệu lệnh dẫn bắn đều bị phạt rất nặng, thậm chí là bị loại khỏi cuộc thi.

Kết quả vòng thi sẽ được tính bằng tổng thời gian chạy bài thi cùng với điểm phạt trong quá trình chạy thi để chọn ra đội chiến thắng.

Giai đoạn 2: Vòng đua tiếp sức (vòng Bán kết)

Vòng đua tiếp sức được áp dụng ở vòng Bán kết và Chung kết của nội dung Xe tăng hành tiến. Phần thi đua tiếp sức được tiến hành trên đường chạy với 10 chướng ngại vật tự nhiên và nhân tạo. Khác biệt của vòng đua tiếp sức so với vòng đua riêng lẻ là tham gia phần thi này có 3 kíp xe cho một đội và các kíp xe luân phiên sử dụng 1 xe tăng để thi đấu. Trong trường hợp xe tăng thi đấu gặp trục trặc kỹ thuật sẽ được Ban tổ chức xem xét chuyển sang sử dụng xe tăng dự phòng.

Tại vòng đua tiếp sức, mỗi kíp xe sẽ chạy 4 vòng, bao gồm vượt chướng ngại vật và tiêu diệt 8 mục tiêu theo quy định. Độ khó của các bài thi cũng được nâng lên đáng kể so với vòng đua riêng lẻ. Đối với mục tiêu của pháo tăng, đội thi sẽ phải bắn mục tiêu ở trạng thái hành tiến (pháo ngang). Phần thi bắn súng máy 12,7mm ngoài bia số 25, xạ thủ phải bắn thêm bia số 11 giả lập pháo chống tăng.

Cụ thể:

+ Vòng 1: Đua tốc độ có chướng ngại vật (tiêu diệt 8 mục tiêu).

+ Vòng 2: Trong vòng đua có hành tiến bắn đạn pháo trong khi xe chạy ngang vào 3 mục tiêu xe tăng (bia số 12).

+ Vòng 3: Trong vòng đua có bắn súng máy 12,7mm vào các mục tiêu máy bay trực thăng treo (bia số 25) và pháo chống tăng (bia số 11).

+ Vòng 4: Trong vòng đua có bắn súng máy song song vào mục tiêu xạ thủ mang súng chống tăng cá nhân (3 bia số 9).

Thứ tự thực hiện các vòng thi được các đội thực hiện là khác nhau để tránh trường hợp cùng lúc có quá nhiều đội tuyển cùng tham gia một vòng đấu.

Điểm đặc biệt của vòng đua tiếp sức là ngoài sự nỗ lực trong thi đấu, còn là sự phối hợp, hiểu ý của các kíp lái với nhau trong quá trình đổi kíp. Mỗi kíp lái sau khi hoàn thành tất cả các vòng chạy cần dừng xe tăng dừng trước tuyến xuất phát với thân xe phải nằm chính giữa hai cột giới hạn. Kíp xe tắt động cơ, xuống xe, tháo mũ, móc vào vị trí để mũ và chốt cửa xe. Kíp xe thứ nhất kết thúc bài thi chuyển giao xe cho kíp xe thứ hai và tiếp đến kíp xe thứ ba. Kết quả chung cuộc là tổng thời gian cả 3 kíp xe hoàn thành vòng thi.

Giai đoạn 3 (vòng Chung kết)

Giai đoạn này có nội dung thi đấu tương tự như vòng bán kết.

Tham gia nội dung Xe tăng hành tiến từ năm 2018, đội tuyển Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc ở nội dung thi đấu này. Cụ thể, tại kỳ Army Games 2019, đội tuyển Việt Nam giành vị trí thứ 3 ở bảng 2. Tới kỳ hội thao 2020, đội tuyển Việt Nam đã xuất sắc giành vị trí vô địch ở bảng 2 và lên Bảng 1 thi đấu từ năm 2021. 

TUẤN SƠN