Vinh dự cùng thách thức đan xen, các thành viên trong đội tuyển đã nỗ lực không ngừng với mong muốn mang những nét đẹp tinh túy và đặc trưng nhất của con người Việt Nam, của Bộ đội Cụ Hồ giới thiệu với bạn bè thế giới.
Mang nét đẹp Việt Nam ra thế giới
Những ngày tháng 7, không khí oi ả giữa hè có lẽ cũng không “nóng” bằng không khí luyện tập khẩn trương của Đội tuyển VHNT trong giai đoạn huấn luyện nâng cao, trước khi sang Liên bang (LB) Nga thi đấu. Khi chúng tôi đến Trường Đại học VHNT Quân đội, những thành viên của đội tuyển đang luyện bài múa “Qua sông”, một tác phẩm cảm động về tình quân dân. Tiết tấu bài múa nhanh và mạnh, kèm với đó là những động tác kỹ thuật khó như đu người trên không bằng một thanh tre, đứng trên vai bạn diễn... Bài múa chỉ vỏn vẹn vài phút nhưng để có được một tiết mục hoàn chỉnh như vậy trên sân khấu, các vận động viên đã phải luyện tập đến cả trăm, cả nghìn lần trong nhiều tháng. Công sức mà họ bỏ ra, sự trau chuốt và tỉ mỉ ấy, nếu không tận mắt chứng kiến chắc ít ai hiểu được.
 |
Bài múa "Sen đá" của Đội tuyển Văn hóa nghệ thuật QĐND Việt Nam. Ảnh: THUẬN NGUYỄN |
Trong số những thành viên của đội tuyển, có duy nhất một diễn viên múa nam, người mang cả hai vai trò vừa dàn dựng, vừa biểu diễn trực tiếp trong các tiết mục dự thi lần này. Với vóc người săn chắc, khỏe khoắn cùng kỹ thuật múa tốt, Thượng úy QNCN Bùi Phi Trường (Đoàn Ca múa nhạc nhẹ, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) dễ dàng thực hiện động tác nâng, đỡ bạn diễn bằng một tay, hay những động tác uốn lượn cần sự uyển chuyển, dẻo dai. Chia sẻ với chúng tôi, Trường cho biết anh vừa vui mừng, háo hức, lại có chút hồi hộp khi lần đầu tiên đứng trong hàng ngũ đội tuyển. Chỉ còn ít ngày nữa, anh và các đồng nghiệp sẽ lên đường sang thi đấu tại LB Nga. Với tinh thần và sự chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt, anh hy vọng đội tuyển sẽ có những khoảnh khắc “cháy hết mình” qua các tiết mục trên sân khấu nước bạn.
Từng hai lần giữ vai trò biên đạo, huấn luyện viên múa cho Đội tuyển VHNT tham dự Army Games, Thượng tá Lữ Thị Kiều Lê nhận định, thế mạnh của đội tuyển năm nay là sức trẻ, sức khỏe và quyết tâm cao. Chia sẻ về công tác huấn luyện của đội tuyển trong hơn 4 tháng qua, Thượng tá Lữ Thị Kiều Lê chỉ gói gọn bằng 6 chữ: Hết tâm, hết lòng và hết sức. Theo chị, tham gia cuộc thi lần này là nhiệm vụ quan trọng nhưng cũng là vinh dự, tự hào đối với Đội tuyển VHNT. Bởi những nghệ sĩ mặc áo lính khi tham gia Army Games nghĩa là trở thành người đại diện mang hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, mang VHNT Việt Nam đến với thế giới.
Đòi hỏi khắt khe
Năm 2021 là năm đầu tiên ban tổ chức hội thao quyết định đưa VHNT trở thành một môn thi đấu chính thức với tên gọi Cuộc thi biểu diễn nghệ thuật quốc tế “Đội quân văn hóa”. Có thể thấy cuộc thi năm nay có quy mô và đòi hỏi khắt khe hơn hẳn những năm trước. Để sẵn sàng cho lần ra quân sắp tới, đội tuyển đã lựa chọn và chuẩn bị gần 20 tiết mục (cả chính thức và dự bị) để tham gia 3 giai đoạn thi (kỹ năng thanh nhạc, kỹ năng biên đạo múa, thể loại nhạc cụ). Những tiết mục được dàn dựng công phu, mang những nét độc đáo của bản sắc dân tộc Việt Nam với tinh thần muốn được quảng bá tới bạn bè thế giới về những nét đặc sắc riêng biệt của các dân tộc từ mọi vùng miền Tổ quốc.
 |
Bài múa "Qua sông" của Đội tuyển Văn hóa nghệ thuật QĐND Việt Nam. Ảnh: THUẬN NGUYỄN |
Trong số những tiết mục dự thi cũng có không ít các bài hát tiếng Nga. Thiếu tá Trịnh Văn Phương (giảng viên Khoa Thanh nhạc, Trường Đại học VHNT Quân đội) vinh dự hai lần ở trong Đội tuyển VHNT tham dự Army Games chia sẻ: “Sự khác biệt về ngôn ngữ khiến những bài hát tiếng Nga trở thành thách thức với nghệ sĩ Việt Nam. Chúng tôi đã phải luyện tập rất nhiều, từ việc phát âm sao cho chuẩn đến kỹ năng thanh nhạc, phong cách biểu diễn, sự phối hợp ăn ý khi song ca... Mục tiêu là đáp ứng tốt nhất các tiêu chí đưa ra trong cuộc thi”.
Nắn nót đến từng chi tiết
Có thể nói, mỗi tiết mục lại mang tới cho chúng tôi một cung bậc cảm xúc khác nhau. Từ “Sen đá” với hình ảnh loài hoa đâm chồi nảy lộc trong những điều kiện sống khắc nghiệt, tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của thiên nhiên, đến “Bóng ma trong nhà hát”, nói về khát vọng tình yêu, về nỗi cô đơn, mất mát của tâm hồn chịu nhiều tổn thương. Thế nhưng có thể dễ dàng nhận thấy điểm chung ở những tiết mục này là sự lựa chọn kỹ càng, dàn dựng công phu của đội ngũ chuyên gia có uy tín. Trang phục biểu diễn được thiết kế riêng cho từng tiết mục. Hình ảnh minh họa, phối khí, chuyển soạn, sáng tác được đầu tư tỉ mỉ, toàn diện...
Theo Thượng tá Đặng Mỹ Hạnh (Phó trưởng phòng Văn hóa-Văn nghệ, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, Đội trưởng Đội tuyển VHNT): Kinh nghiệm từ những lần tham dự trước giúp đội tuyển năm nay có sự chuẩn bị bài bản, chỉn chu và đặc biệt thêm nhiều nét sáng tạo độc đáo trong các tác phẩm với mong muốn để lại ấn tượng tốt đẹp nhất cho người xem. Năm nay, đội tuyển mang tới cuộc thi một loại hình nhạc cụ độc đáo là đàn đá, nhạc cụ của đồng bào Tây Nguyên, loại nhạc cụ chưa được biên chế trong dàn nhạc đơn vị nghệ thuật nào của Quân đội ta. Đây cũng là lần đầu tiên, các tác phẩm của Nga được chuyển soạn cho sáo trúc và đàn đá.
Ngoài ra, năm nay hoạt động triển lãm với chủ đề “Quốc phòng Việt Nam-Truyền thống và hội nhập” cũng trở thành một điểm nhấn đặc biệt. Theo chia sẻ của Thượng tá Đinh Xuân Hòa, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, triển lãm năm nay sẽ chú trọng trưng bày các hình ảnh tiêu biểu về dấu ấn quốc phòng Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới; đồng thời quảng bá, tôn vinh nét đặc sắc về đất nước, con người, bản sắc văn hóa Việt Nam, truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam...
Bên cạnh đó, hoạt động triển lãm cũng được ứng dụng các giải pháp công nghệ số và tương tác trải nghiệm như: Bảo tàng tương tác 3D, thiết bị thực tế ảo. Qua đó, góp phần quảng bá, nâng cao vị thế của Quân đội nhân dân Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Với sự chuẩn bị dày công, kỹ càng về mọi mặt, cùng nỗ lực, quyết tâm của toàn đội, “Đội quân văn hóa” dự kiến sẽ là một nội dung rất thu hút ở Army Games năm nay.
Trong khuôn khổ Army Games 2021, Cuộc thi biểu diễn nghệ thuật quốc tế “Đội quân văn hóa” được tổ chức và tiến hành theo 4 giai đoạn: Giai đoạn kỹ năng thanh nhạc, ở vòng đơn ca, mỗi nghệ sĩ sẽ hát một bài tiếng Nga và một bài tiếng mẹ đẻ. Trong vòng song ca, người biểu diễn sẽ thực hiện các ca khúc trích từ các vở opera, các vở hợp xướng hoặc thanh xướng kịch của các nhà soạn nhạc Tây Âu, Nga. Giai đoạn kỹ năng biên đạo múa, mỗi đội sẽ trình bày hai bài múa đơn, một bài múa đôi và hai bài múa do một nhóm múa biểu diễn. Giai đoạn thể loại nhạc cụ, mỗi đội sẽ trình bày hai tiết mục biểu diễn đơn tấu và hai tiết mục song tấu. Giai đoạn hoạt động triển lãm, ban giám khảo sẽ chấm điểm dựa trên 12 tiêu chí như: Thiết kế nghệ thuật của triển lãm, sự kết hợp của các ấn phẩm và các hiện vật, dung lượng và nội dung của tài liệu đa phương tiện... |
NGỌC THƯ