QĐND - Đến Trung tâm huấn luyện Mỏ Chén (Thạch Thất, Hà Nội) vào một ngày nắng gắt, chúng tôi được tận mắt chứng kiến công tác luyện tập hăng say của Đội tuyển Hóa học chuẩn bị cho Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) 2021. Đó thật sự là một trải nghiệm đáng nhớ trong hành trình tác nghiệp lần này.

Trải nghiệm đáng nhớ

Grừm... grừm...! Tiếng động cơ xe vang lên. Địa hình đầy chướng ngại vật lướt qua mắt chúng tôi qua ô cửa nghiêng ngả khi chiếc xe vượt qua đoạn đường hình chữ S, thẳng tiến đến hố bom. Để nắm vững thông tin phục vụ công tác tuyên truyền, chúng tôi xin phép trải nghiệm thực tế một phần bài thi của đội tuyển. Ngồi trên chiếc xe trinh sát hóa học vượt qua 12 chướng ngại vật, dù cố gắng ghì chặt người vào ghế, tay bám phía trước nhưng chúng tôi vẫn không tránh được những cú va đập đau điếng khi xe lao vun vút trên cung đường ngoằn ngoèo, xóc nảy. Những màn “đua tốc độ” gay cấn và đầy kịch tính đó khiến cánh phóng viên cảm tưởng như đang tham gia một bộ phim hành động, mà trong đó, mỗi chặng lại mang đến một bất ngờ mới.

 Phần thi vượt chướng ngại vật đối với cá nhân luôn là thách thức lớn. Ảnh: TRỌNG HẢI

Trong khuôn khổ Army Games 2021, Đội tuyển Hóa học sẽ tham gia Cuộc thi “Môi trường an toàn”. Những màn “đua tốc độ” bằng xe trinh sát vừa rồi chỉ là một phần của chặng thi đầu tiên-thi đơn tổ. Phần còn lại được đánh giá thách thức hơn cả chính là khu hỏa lực tập kích với 12 chướng ngại vật dành cho cá nhân. Tường rào, cáp treo, lưới dây, cầu thăng bằng, tòa nhà hai tầng bị phá hủy, hố sâu... là những chướng ngại vật mà vận động viên (VĐV) sẽ phải vượt qua trước khi về đích ở chặng 1. Với các VĐV, điều kiện bắt buộc khi thực hiện các bài thi là phải mang mặc bộ khí tài phòng hóa với chiếc mặt nạ nặng hơn 1kg và lưng đeo súng. Điều này gây cản trở không ít cho quá trình vượt vật cản.

Gian nan thử sức

Vuốt vội những giọt mồ hôi trên trán sau khi hoàn thành phần huấn luyện, Trung úy Vũ Văn Hùng (Phó đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn  971, Lữ đoàn Phòng hóa 86), thành viên Đội tuyển Hóa học chia sẻ với nhóm phóng viên: “Trong 4 tháng qua, chúng tôi được huấn luyện từ cơ bản đến nâng cao. Để hoàn thành tốt tất cả nội dung trong bài thi không phải là điều đơn giản. Chúng tôi đã phải luyện nhuần nhuyễn các kỹ thuật chuyên môn như trinh sát phát hiện chất độc, dò tìm nguồn phóng xạ... Ngoài ra còn phải luyện kỹ thuật bắn súng tốt, thể lực dẻo dai để vượt qua 12 vật cản”.

Trong quá trình chúng tôi trao đổi, các VĐV khác đã lần lượt vượt lưới dây, chui qua ống, bò qua hàng rào dây thép gai, nhảy khỏi hố sâu để về đích. Những tiếng thở nặng nhọc phát ra sau chiếc mặt nạ cùng bộ quần áo ướt sũng mồ hôi khiến chúng tôi cảm nhận rõ hơn nỗi vất vả, gian lao trong quá trình huấn luyện của đội tuyển.

Vận động viên thực hiện nội dung tiêu tẩy. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Bắt chuyện với một VĐV còn khá trẻ, tôi được biết anh là Trung sĩ Dương Đức Hùng, học viên Trường Sĩ quan Phòng hóa. Đây là lần đầu tiên Hùng tham gia luyện tập trong Đội tuyển Hóa học chuẩn bị cho Army Games. Giai đoạn đầu chưa quen với cường độ luyện tập cao và chuyên về tập thể lực nên Hùng đã sụt 5kg, nhưng sau đó, anh đã bắt nhịp rất nhanh và thành tích huấn luyện tăng lên từng ngày, đặc biệt là sức bền và tốc độ. Dương Đức Hùng chia sẻ, được tham gia đội tuyển là một vinh dự rất lớn đối với cá nhân anh, dù rằng đây cũng là áp lực không nhỏ. Để bắt nhịp nhanh và không làm thành tích của cả đội bị ảnh hưởng bởi cá nhân, Hùng đã tranh thủ tự rèn luyện để nâng cao thể lực, tốc độ bằng các bài chạy dài, chạy nước rút vào mỗi sáng sớm.

Thế nhưng anh cảm thấy bấy nhiêu đó vẫn là chưa đủ, bởi: “Mỗi phần thi lại đòi hỏi một yếu tố khác ở người VĐV. Vượt chướng ngại vật thì cần thể lực tốt, sự dẻo dai, bền bỉ. Trinh sát phóng xạ, trinh sát chất độc lại đòi hỏi sự khéo léo, nhạy bén. Trong khi tiêu tẩy thì yêu cầu nhanh nhẹn. Người VĐV cần hội tụ tất cả những yếu tố đó mới có thể hoàn thành bài thi tốt nhất”.

Yếu tố quan trọng nhất

Năm 2021 là năm thứ ba đội tuyển của Binh chủng Hóa học tham gia Cuộc thi “Môi trường an toàn”. Đây cũng là năm thứ ba Thượng tá Đặng Minh Lợi (trợ lý Phòng Quân huấn, Bộ Tham mưu Binh chủng Hóa học) gắn bó với đội tuyển trong vai trò huấn luyện viên. Vừa chăm chú theo dõi phần thể hiện của từng cá nhân, vừa ghi chép thành tích vào quyển sổ nhỏ, Thượng tá Đặng Minh Lợi tranh thủ trò chuyện với chúng tôi. Theo lời kể của anh, kinh nghiệm từ những lần thi trước đã góp phần giúp đội tuyển có sự chuẩn bị kỹ càng, chuyên nghiệp hơn về mọi mặt để sẵn sàng bước vào tranh tài tại Army Games 2021. Ngoài việc tuyển chọn VĐV chặt chẽ hơn, năm nay, đội tuyển cũng đẩy cao tiêu chí về chất lượng luyện tập, đặc biệt là thể lực, qua đó rút ngắn thời gian các phần thi. Thế nhưng một điều rất quan trọng mà anh Lợi chia sẻ đó là việc xây dựng sự gắn kết, tính đồng đội cho các thành viên.

Trao đổi thêm về vấn đề này với Đại tá Ngô Văn Đĩnh, Phó tham mưu trưởng Binh chủng Hóa học, Đội trưởng Đội tuyển Hóa học, chúng tôi được biết Cuộc thi “Môi trường an toàn” đòi hỏi tính đồng đội rất cao, đặc biệt ở phần vượt chướng ngại vật của cá nhân. 

Vượt qua những khó khăn do điều kiện thời tiết nắng nóng, dịch bệnh và một số yếu tố khách quan từ quy chế cuộc thi, trang thiết bị luyện tập không tương thích... các thành viên đội tuyển của Binh chủng Hóa học vẫn say mê luyện rèn, nỗ lực hết mình với niềm tin sẽ bứt phá trên chặng đường thử thách sắp tới.

Đội tuyển của Binh chủng Hóa học sẽ tham gia Cuộc thi “Môi trường an toàn” dự kiến tổ chức tại Trung Quốc, trong khuôn khổ Army Games 2021. Cuộc thi gồm 3 chặng: Thi đơn tổ, tiếp sức và bắn súng.

Thi đơn tổ và tiếp sức nội dung tương tự nhau, đều thực hiện trên quãng đường 3.750m, bao gồm thực hiện 3 nhiệm vụ chuyên môn (trinh sát chất độc, trinh sát phóng xạ, thực hiện nhiệm vụ tiêu tẩy) cộng với vượt 12 vật cản đối với xe trinh sát dài 3.200m và phần vượt vật cản đối với cá nhân dài 550m. Chỉ khác ở điểm thi đơn tổ là tính thành tích riêng của mỗi kíp xe. Thi tiếp sức là tính thành tích cộng lại của hai kíp xe. Kíp thứ nhất sau khi hoàn thành xong sẽ đến kíp thứ hai thực hiện nội dung thi.

NGỌC THƯ