Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp khai giảng, khởi đầu một năm học mới, thầy trò HVHC đều được nghe lại bức thư Bác Hồ gửi lớp cán bộ cung cấp đầu tiên. Thiếu tướng Lê Nguyên Đương, Phó chính ủy HVHC cho biết: "Bức thư tuy ngắn gọn nhưng rất súc tích, hàm chứa bài học quý giá để cán bộ, chiến sĩ nhà trường quyết tâm phấn đấu noi theo. Nghe xong ai cũng cảm thấy tự hào, vinh dự vì mình đang được làm công việc của người cán bộ cung cấp".

leftcenterrightdel
Khách quốc tế tham quan Nhà truyền thống của Học viện Hậu cần.

Tháng 6-1951, Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần) mở lớp huấn luyện đầu tiên đào tạo cán bộ hậu cần tại Khuôn Lồng, xã Yên Đổ, huyện Phú Lương (Thái Nguyên). 70 cán bộ cung cấp từ các đại đoàn, trung đoàn về học tập. Tuy nhiên, tâm lý chung của bộ đội lúc ấy là “rất ngại” làm công việc cung cấp, đa số đều muốn trực tiếp ra trận chiến đấu. Thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của bộ đội, đặc biệt sau khi đọc kỹ bức thư của đồng chí Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp gửi ngày 15-6-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư cho lớp học.

Trong thư, Bác phân tích, làm rõ những vấn đề còn vướng mắc trong tư tưởng, đồng thời chỉ rõ những công việc cần thực hiện trong quản lý, huấn luyện. Để xóa bỏ tâm lý e ngại, cho rằng công việc cung cấp không quan trọng, không có điều kiện lập thành tích như trực tiếp chiến đấu trước mặt trận trong đội ngũ học viên, Người viết: “Công việc cung cấp cũng quan trọng như việc trực tiếp đánh giặc trước mặt trận: Cung cấp đủ súng đạn, đủ cơm áo cho bộ đội thì bộ đội mới đánh thắng trận”. Theo Hồ Chí Minh, người cán bộ cung cấp “phải làm kiểu mẫu cần, kiệm, liêm, chính. Các cơ quan cung cấp cần phải thực hành kiểm tra, phê bình và tự phê bình, để cải chính dư luận bảo rằng: Cán bộ cung cấp thường hủ hóa...”. Người đặc biệt nhấn mạnh về phẩm chất đạo đức của người cán bộ cung cấp. Người viết: “Nhiệm vụ chính của cán bộ cung cấp là phụng sự đại đa số bộ đội, tức là người binh nhì, phải thương yêu săn sóc người binh nhì. Cán bộ cung cấp như là người mẹ, người chị của người binh nhì…”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác hậu cần, lý giải, căn dặn cụ thể, chi tiết những việc cần phải làm để bảo đảm công tác hậu cần quân đội được thông suốt.

Gần 70 năm trôi qua, khắc ghi lời dạy của Bác, từ lớp huấn luyện cán bộ cung cấp đầu tiên, đến nay, HVHC đã trở thành trung tâm giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học hậu cần, tài chính có uy tín của quân đội và đất nước; với đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý có phẩm chất chính trị tốt, trình độ năng lực cao, có cơ sở vật chất tương đối hiện đại, đáp ứng yêu cầu giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học hậu cần, tài chính của toàn quân. Những năm qua, Đảng ủy, Ban giám đốc HVHC có nhiều chủ trương, biện pháp để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, Phong trào thi đua “Ngành hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”. Học viện tăng cường giáo dục, động viên cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ và sinh viên tiếp tục phát huy truyền thống, dạy tốt, học tốt, công tác tốt, vừa chú trọng tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, xứng đáng với sự quan tâm và những lời căn dặn của Người.

Thiếu tướng Lê Nguyên Đương cho biết: “Học Bác là học những điều thiết thực. Hiện nay, học viện thực hiện đổi mới các khâu trong quá trình đào tạo với phương châm “dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất”, xác định đây là mục tiêu, giải pháp quan trọng, quyết định sự phát triển của học viện cả trước mắt và lâu dài. Bên cạnh đó, HVHC coi trọng xây dựng môi trường văn hóa, nền nếp, chính quy"... 

Bài và ảnh: PHẠM KIÊN