Những câu hỏi ấy đã được lực lượng không quân dự liệu từ trước và tổ chức huấn luyện chu đáo với quyết tâm hạ “pháo đài bay" B-52 trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng tháng 12-1972. Một trong những phi công lập chiến công phi thường ấy là Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Tuân.

Cuộc chiến không cân sức

Tại sao phi công Việt Nam có thể dùng máy bay MiG-21 để kết liễu “pháo đài bay” B-52 với sự yểm trợ của rất nhiều máy bay chiến thuật?

Trước khi trả lời câu hỏi này của tôi, Trung tướng Phạm Tuân nói về sự “lợi hại” của không lực Hoa Kỳ lúc đó. Thực hiện Chiến dịch Linebacker II, Mỹ điều động 193 máy bay B-52; mỗi chiếc trang bị 15 máy gây nhiễu tích cực, 2 máy gây nhiễu tiêu cực cùng với tên lửa nhử mồi và pháo 20mm (đối phó với MiG-21). Ngoài ra, gần 1.000 máy bay chiến thuật được cải tiến, lắp thêm máy gây nhiễu tích cực. Các loại máy bay cường kích F-111A có khả năng bay thấp theo địa hình và mang tới 10 tấn bom. Ngoài ra, còn có các loại máy bay gây nhiễu ngoài đội hình, như: EB-66, EA-6B, EC-121... Lực lượng lớn và trang thiết bị điện tử hiện đại, chúng đã tạo ra một khu vực nhiễu dày đặc và rộng lớn trên không gian tác chiến. Đồng thời, chúng tập trung đánh phá các sân bay ngay từ đầu; bố trí tiêm kích trên đỉnh sân bay, đánh chặn trên đường và yểm trợ trong đội hình B-52, nhằm loại bỏ tối đa khả năng tiếp cận B-52 của MiG-21 mà chúng xác định là lực lượng quan trọng, có khả năng cơ động cao, đánh từ xa vào đội hình B-52 của chúng.

leftcenterrightdel

Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Tuân. Ảnh: CHÍ PHAN 

Trong khi đó, lực lượng không quân của ta tham gia chiến dịch có 5 trung đoàn, gồm 4 trung đoàn không quân tiêm kích: 921, 927, 923, 925 và Trung đoàn Không quân vận tải 919. Riêng phi công đánh đêm chỉ có 10 đồng chí, với hơn một nửa là phi công mới tham gia chiến đấu, chưa từng cơ động đến các sân bay dã chiến ngắn, hẹp với địa hình phức tạp. 

Để chuẩn bị cho cuộc chiến cam go này, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) đã gấp rút xây dựng hai sân bay dã chiến tại Thọ Xuân và Cẩm Thủy (Thanh Hóa), đồng thời, sân bay Kép (Bắc Giang) cũng được nâng cấp đường kéo dắt máy bay, đáp ứng yêu cầu cất, hạ cánh vào ban đêm của máy bay MiG-21. Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ xác định nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng bay đêm là đánh B-52, với phương án đánh từ xa, uy hiếp và tiêu diệt B-52 trước khi vào mục tiêu và phối hợp với pháo phòng không đánh địch ban ngày bảo vệ mục tiêu, đặc biệt là bảo vệ các trận địa tên lửa, để tên lửa tập trung đánh B-52 ban đêm. 

Việc xác định phương án đánh B-52 như trên là rất mạo hiểm đối với phi công, nhất là ở vùng rừng núi phức tạp, đòi hỏi phi công phải thuần thục kỹ năng, tự tin, mưu trí, dũng cảm, cùng sự tính toán, hướng dẫn chuẩn xác của dẫn đường và có biện pháp giữ bí mật, bất ngờ trong quá trình cất cánh từ xa để tiếp cận được B-52 trong đêm tối. Bởi vậy, các đơn vị không quân chuẩn bị rất công phu, tỉ mỉ; tập trung chỉ đạo huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật ban đêm cho phi công trong mọi điều kiện thời tiết; huấn luyện chặn kích trên độ cao lớn với phương pháp đi thấp kéo cao, dùng radar trên máy bay phát hiện và ngắm bắn; huấn luyện đánh chặn mục tiêu bằng máy bay lớn như IL-14, IL-28, quan sát bằng đèn hoặc dải khói. Đồng thời, lực lượng phi công cũng được huấn luyện bay với tên lửa bổ trợ để cất cánh khẩn cấp trên đường băng ngắn.

Cùng với đó, quân chủng đưa một số phi công cơ động vào miền Trung vừa phối hợp với các đơn vị tham gia chiến đấu chi viện cho chiến trường, vừa rèn luyện khả năng cất, hạ cánh trên đường băng ngắn, hẹp. Điển hình là tháng 8-1971, Binh chủng Không quân và Binh chủng Radar phối hợp tổ chức sở chỉ huy tiền phương tại Quảng Bình làm nhiệm vụ nghiên cứu phát hiện và dẫn đường cho lực lượng không quân tiếp cận đánh B-52 từ Bắc đường 9 đến đèo Mụ Giạ. Quân chủng triển khai tăng cường radar cảnh giới và radar dẫn đường bố trí từ Đô Lương (Nghệ An) vào đến Vĩnh Linh (Quảng Trị). Các đài radar đã phối hợp chặt chẽ và phát hiện B-52 từ xa. Kết quả đã dẫn đường cho phi công Đinh Tôn (ngày 4-10-1971) và Vũ Đình Rạng (ngày 20-11-1971) tiếp cận được đội hình máy bay B-52. Riêng phi công Vũ Đình Rạng đã phóng 1 quả tên lửa, làm 1 chiếc B-52 bị thương. Các trận đánh này để lại nhiều kinh nghiệm về cách đánh B-52 cho bộ đội không quân trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng tháng 12-1972.

Chờ đợi không quân lập công

 “Ngày 18-12-1972, lực lượng không quân vào cấp 1 và trực chiến tại 3 sân bay Đa Phúc, Kép và Hòa Lạc. Đến 19 giờ 47 phút, tôi được lệnh cất cánh từ sân bay Đa Phúc, vòng gấp ở độ cao thấp, hướng về Hòa Bình, lên độ cao khoảng 4km thì phát hiện nhiều đèn của F-4. Sau khi vượt qua đội hình F-4 vòng phải về phía Tây, tiếp cận đội hình B-52. Ở độ cao hơn 6km, phát hiện dãy đèn của B-52, tôi bật tăng lực, mở radar sục sạo, ngay lúc đó bị F-4 phát hiện và bám theo, đèn B-52 tắt, màn hiện radar nhiễu nặng, tôi vòng lại tránh F-4, không còn cơ hội dẫn vào tốp đánh B-52, sở chỉ huy cho về sân bay Đa Phúc hạ cánh”, Trung tướng Phạm Tuân thuật lại.

Có thể nói, trong trận đầu của chiến dịch, không quân Mỹ tập trung đánh phá các sân bay nhưng không quân ta dũng cảm cất cánh tiếp cận B-52, làm xáo trộn đội hình của địch, tạo điều kiện để tên lửa và pháo cao xạ lập công. Các đêm tiếp theo, lực lượng không quân ta tiếp tục cất cánh tốp nhỏ, chiếc lẻ, hầu như đêm nào không quân cũng xuất hiện trên bầu trời. Tuy nhiên, vấn đề then chốt của đánh đêm là phải dẫn phi công vào bán cầu phía sau ở cự ly thích hợp (8 đến 10km). Trong điều kiện nhiễu nặng, lại bị tiêm kích địch chặn đường, thực hiện phương pháp này trong đêm tối là rất khó khăn, nếu đánh ban ngày, dẫn phi công đến khu vực có địch ở một góc độ nhất định, bằng mắt thường phi công có thể phát hiện mục tiêu và chiếm vị trí công kích. Nhiều phi công như: Đinh Tôn, Vũ Xuân Thiều, Vũ Đình Rạng, Trần Cung, Bùi Doãn Độ... đã phát hiện thấy đèn của B-52 nhưng không có thời cơ công kích, hoặc khi đuổi theo B-52 thì tiếp cận đến vùng hỏa lực tên lửa, lại phải thoát ly.

leftcenterrightdel
Biên đội MiG-21 rút kinh nghiệm sau trận bắn rơi F-4 yểm hộ cho các lực lượng đánh B-52, ngày 27-12-1972.  Ảnh tư liệu 

Anh hùng Phạm Tuân phân tích, nếu nhìn thẳng vào thực tế, địch dùng mọi biện pháp để ngăn chặn các lực lượng của ta kể cả ở mặt đất và trên không. Hơn nữa, cho dù ta đã dự đoán chính xác địch dùng B-52 đánh lớn ra miền Bắc mà trọng tâm là Hà Nội và Hải Phòng, nhưng những ngày đầu, việc triển khai máy bay trực chiến ở các sân bay dã chiến, các trạm radar và đài chỉ huy bổ trợ vòng ngoài còn chậm nên không thực hiện được ý định đánh địch từ xa là uy hiếp và bắn rơi B-52 trước khi chúng bay vào vùng hỏa lực của tên lửa.

Giữa lúc lực lượng tên lửa liên tiếp lập công, lãnh đạo Bộ Quốc phòng và chỉ huy Quân chủng PK-KQ nóng lòng chờ đợi chiến công bắn rơi B-52 của không quân. Rút kinh nghiệm giai đoạn 1 chiến dịch, ngày 25-12, trong hội nghị hiệp đồng chiến đấu giữa không quân và radar, Bộ tư lệnh Quân chủng đã chỉ đạo đưa máy bay ra các sân bay vòng ngoài như Yên Bái, Cẩm Thủy, Thọ Xuân và giữ bí mật khi cất cánh, tiếp cận B-52. Điều đại đội radar dẫn đường từ Hà Nội vào Thanh Hóa, đưa cán bộ dẫn đường, bộ phận thông tin tiếp sức lên đại đội radar ở Mộc Châu (Sơn La), hình thành mạng radar dẫn đường vòng trong, vòng ngoài bổ trợ cho nhau. Với việc bố trí đài radar ở vị trí hai bên sườn hành lang bay của B-52, nhiễu cũng nhẹ hơn và ở vòng ngoài, lực lượng tiêm kích đánh chặn MiG-21 cũng ít hơn. Với phi công, căn cứ vào thông báo tình hình địch-ta; căn cứ vào thực tế quan sát được, chủ động chọn độ cao, tốc độ bay có lợi, áp dụng phương pháp cơ động thích hợp tránh tiêm kích địch để tiếp cận mục tiêu nhanh nhất có thể.

Với chỉ đạo mang tính bước ngoặt, quyết định trên đã giúp lực lượng không quân lập chiến công, đáp ứng mong mỏi của lãnh đạo, chỉ huy các cấp. Đặc biệt, đêm 27 và 28-12, phi công Phạm Tuân và phi công Vũ Xuân Thiều đã tiêu diệt hai chiếc B-52, góp phần đánh bại cuộc tập kích bằng B-52 vào Hà Nội và một số tỉnh, thành phố miền Bắc. Ngay trong đêm 27-12, Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã điện khen bộ đội không quân lập công xuất sắc.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không 1972"-Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại”, Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nhấn mạnh: "Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng tháng 12-1972 đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, buộc chính quyền Mỹ phải ngừng ném bom đánh phá miền Bắc, ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút hết quân viễn chinh về nước; tạo bước ngoặt lịch sử để quân và dân ta đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi tới thắng lợi hoàn toàn. Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng tinh thần Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” luôn thôi thúc quân và dân ta tiến lên giành những thắng lợi to lớn hơn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

SƠN BÌNH