18 năm sau, trên cương vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, Sư đoàn 361 (Quân chủng Phòng không-Không quân), ông đã chỉ huy Tiểu đoàn lập công xuất sắc, là một trong những đơn vị bắn rơi nhiều B-52 nhất (4 chiếc), góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại trong cuộc chiến 12 ngày đêm tháng 12-1972.
Tại sao rơi? Tại sao không rơi?
Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, Đại tá Đinh Thế Văn cho hay: "Nhận định sớm hay muộn địch sẽ cho không quân đánh phá Thủ đô, tháng 3-1972, Tiểu đoàn 77 được lệnh bố trí trận địa ở Chèm thuộc xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm (nay là phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) để bảo vệ Hà Nội. Ngày 16-4-1972, đế quốc Mỹ dùng B-52 đánh Hải Phòng và Quân khu 4. Bộ đội ta đã bắn nhiều đạn tên lửa nhưng chưa hạ được chiếc B-52 nào. Trước tình hình trên, Tiểu đoàn tăng cường luyện tập các phương án để quyết hạ bằng được "pháo đài bay", trong đó tập trung luyện tập cách đánh nhanh phát sóng bắt mục tiêu trong nhiễu để phát huy cao nhất tính năng của khí tài mà vẫn tránh được tên lửa Shrike. Có lần, đơn vị đang huấn luyện thì đồng chí Đặng Tính, Chính ủy Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) xuống động viên và nhắc nhở: “Cả thắng và không thắng đều phải tổ chức rút kinh nghiệm, tìm bằng được câu trả lời: Tại sao máy bay rơi và tại sao mục tiêu không rơi?. Gần 20 năm quân ngũ, trải qua nhiều trận chiến đấu ác liệt nhưng chưa bao giờ tôi lo lắng như lúc này. Giữa tháng 4-1972, các đơn vị tên lửa ở Hải Phòng nhả nhiều “rồng lửa”, nhưng “giặc trời” vẫn vô can. Và bối cảnh lúc ấy chưa có quân đội nào trên thế giới bắn được B-52. Là những người sắp đối đầu trực tiếp với "pháo đài bay", cả đơn vị không lo lắng sao được, bản thân tôi vốn đã gầy, nay sụt hơn 2kg”.
 |
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Đinh Thế Văn nói chuyện truyền thống với cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257 (Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không - Không quân). Ảnh: CHÍ PHAN
|
Chiều 18-12-1972, nhận lệnh từ sở chỉ huy cấp trên, Tiểu đoàn vào cấp 1, sẵn sàng đánh B-52 khi chúng xâm phạm vùng trời Hà Nội. Mặc dù đã huấn luyện nhuần nhuyễn các phương án đánh B-52; tinh thần của cán bộ, chiến sĩ đều rất cao, nhưng kíp chiến đấu trên xe điều khiển, trên các bệ phóng, trên “chuồng cu” vẫn cảm thấy hồi hộp. Đêm hôm đó, Tiểu đoàn đánh 4 trận thì có 2 trận phải đánh bằng phương pháp 3 điểm (radar, tên lửa và máy bay địch trên một đường thẳng) trong nhiễu nặng nên không trúng mục tiêu. Xốc lại quyết tâm và đổi từ phương pháp 3 điểm (TT) sang phương pháp vượt nửa góc (PS), nghĩa là điều khiển quả đạn tên lửa luôn đón trước nửa góc so với mục tiêu. Dùng phương pháp này đòi hỏi các trắc thủ phải dũng cảm, thao tác nhanh gọn, phối hợp đồng bộ vì nếu tắt sóng radar chậm thì địch phát hiện và có thể dùng tên lửa Shrike bắn vào trận địa. 4 giờ 39 phút ngày 19-12, sử dụng phương pháp vượt nửa góc, Tiểu đoàn 77 bắn chiếc B-52 rơi tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai (Hà Tây-nay thuộc TP Hà Nội). Đêm 20 rạng sáng ngày 21-12, Tiểu đoàn 77 tiếp tục bắn 2 chiếc B-52 rơi tại Ba Vì và Phúc Yên...
Đang cao trào câu chuyện, bỗng Đại tá Đinh Thế Văn lặng đi, đôi mắt ông ngấn lệ khi nhắc đến tấm gương hy sinh anh dũng của chiến sĩ Nghiêm Xuân Danh trong trận chiến ngày 21-12. Bị thất bại nặng nề trong đêm 20-12, không quân Mỹ thay đổi cách đánh phá Hà Nội. Chúng dùng máy bay chiến thuật với 16 chiếc F-4 tập trung đánh các trận địa tên lửa. Lúc ấy, Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn báo cáo trên đề nghị cho Tiểu đoàn được đánh trả. Nhưng cấp trên không đồng ý và yêu cầu: “Tên lửa không được đánh, phải tiết kiệm đạn để đánh B-52 vì hiện đã có 8 đại đội pháo cao xạ và 2 trung đội R405 bảo vệ trận địa”.
9 giờ ngày 21-12-1972, bầu trời rung chuyển bởi tiếng gầm rú của các tốp máy bay địch. Hạ sĩ Nghiêm Xuân Danh ngồi trên “chuồng cu” dùng kính ngắm quang học TZK phát hiện 4 máy bay F-4 và thông báo liên tục từ cự ly 45km, mục tiêu bay vào theo hướng Đông Bắc. Đến cự ly 30km, chiến sĩ Nghiêm Xuân Danh hô to: “Mục tiêu bay thẳng vào đánh trận địa!”. Không rời mắt khỏi ống kính, quyết tâm bám sát, anh dõi theo từng hành động trên không của lũ "giặc trời", thông báo mục tiêu cho kíp chiến đấu. 4 chiếc F-4 lao thẳng vào trận địa, thả 4 quả bom bi mẹ trùm lên toàn bộ khu vực đơn vị đóng quân. Khí tài bị hỏng. Trắc thủ Nghiêm Xuân Danh bị bom bi xuyên qua mũ sắt và anh dũng hy sinh.
"Nếu địch đánh bom, tôi sẽ che cho Đại tướng"
Ngày 22-12 năm ấy là kỷ niệm 28 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, nhưng ngày hôm trước, địch thả bom bi vào trận địa gây thương vong cho bộ đội ta và làm hỏng khí tài nên cả Tiểu đoàn phải tập trung khắc phục hậu quả. 9 giờ sáng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuống thăm, động viên đơn vị. “Thấy Đại tướng bước nhanh vào trận địa, tôi lo quá. Đang phân vân chưa biết xử trí thế nào thì đồng chí bảo vệ Đại tướng hỏi: “Đại tướng, Tổng Tư lệnh xuống thăm đơn vị. Nếu địch theo dõi và đánh vào thì đồng chí xem có vị trí nào an toàn để bảo vệ Đại tướng không?”. "Lúc ấy, tôi lại càng bối rối, lo lắng vì trận địa còn ngổn ngang, bom bi sót lại chưa nổ hết. Rồi tôi chỉ vào cái hầm trước mặt, trong đầu chỉ lóe lên suy nghĩ, nếu địch đánh, tôi sẽ nằm che cho Đại tướng”, Đại tá Đinh Thế Văn hồi tưởng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn ngay giữa trận địa. Đại tướng nói: “Các đồng chí tên lửa đánh rất giỏi, cảm ơn các đồng chí... Các đồng chí phải khẩn trương sửa chữa khí tài, xây dựng quyết tâm chiến đấu, tăng cường luyện tập, phát huy chiến thắng, rút kinh nghiệm, khắc phục khuyết điểm, đánh giỏi và đánh thắng lớn hơn nữa!”.
 |
Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn (đội mũ) thuyết minh cách đánh B-52 trên bầu trời Hà Nội năm 1972 với Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu |
Lời động viên, huấn thị kịp thời của Đại tướng, Tổng Tư lệnh đã tiếp thêm động lực tinh thần to lớn cho cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn vượt qua khó khăn, tiếp tục lập công. Sau khi khắc phục khí tài, củng cố trận địa, đêm 26 và 27-12, Tiểu đoàn 77 chiến đấu anh dũng và tiếp tục bắn rơi máy bay B-52, góp phần vào Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Sau ngày Hiệp định Paris được ký kết, đồng chí Lê Đức Thọ, Cố vấn đặc biệt của đoàn đại biểu Chính phủ về Hà Nội, sau khi xuống sân bay đã đến thẳng đơn vị và nói: “Cảm ơn các đồng chí bộ đội tên lửa phòng không. Cảm ơn quân và dân Hà Nội, chính các đồng chí đã ký thắng lợi cho Việt Nam ở Hội nghị Paris”.
Với chiến công đặc biệt xuất sắc trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng tháng 12-1972, giữa năm 1973, Tiểu đoàn 77 được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Năm 2013, Đại tá Đinh Thế Văn được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, tiến hành chiến dịch Linebacker II, không quân Mỹ đã xuất kích 4.547 lần chiếc máy bay, gồm 663 lần chiếc B-52, 1.459 lần chiếc máy bay không quân chiến thuật và 2.415 lần chiếc máy bay hải quân. Trong đó, có tới 444 lần chiếc máy bay B-52 đánh phá Hà Nội, chiếm 66% tổng số B-52 trong chiến dịch, ném gần 80.000 tấn bom đạn, gây tổn thất nặng nề cho Hà Nội, Hải Phòng và nhiều địa phương khác.
|
(còn nữa)
SƠN BÌNH