Trong âm hưởng hào hùng 50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 vẫn còn vang vọng-một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam-chúng tôi tìm về nhà Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Đinh Thế Văn, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ), nguyên Trưởng ban Huấn luyện chiến dịch của Quân chủng PK-KQ tại thôn Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh; căn nhà nhỏ gần đê sông Cà Lồ mới yên bình làm sao.

Trưởng thành từ thanh niên xung phong

Đầu tháng 2-1954, khi đã học được gần hết học kỳ 1 lớp 5, chàng thanh niên 17 tuổi làng Đào Thục “trốn” gia đình đi thanh niên xung phong. Trở thành thanh niên xung phong của Đại đội 268 chuyên gài mìn phá đá, mở đường trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đinh Thế Văn được học và khắc ghi mãi lời dạy của Bác Hồ với thanh niên:

“Không có việc gì khó

 Chỉ sợ lòng không bền 

Đào núi và lấp biển 

Quyết chí ắt làm nên”. 

Đại tá Đinh Thế Văn đưa chúng tôi về với ký ức của những ngày tham gia thanh niên xung phong, ông kể: “Khi ấy tôi chỉ nặng có 38kg, vẫn cùng mọi người đi phá đá làm đường trên Bắc Kạn, Cao Bằng. Công việc tuy nặng nhọc nhưng lại rất vui, vui vì được làm cùng tập thể, được học hỏi nhiều điều, vỡ ra nhiều cái mà trước đó chưa rõ”.

Ngày 2-3-1954, toàn bộ thanh niên xung phong đều được chuyển sang bộ đội, duy chỉ có Đinh Thế Văn là không được vì lý do sức khỏe. Sau đó, cậu bé “hạt tiêu” phải năn nỉ các đồng chí chỉ huy mãi mới được đi cùng đơn vị tham gia chiến trường.

leftcenterrightdel
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Đinh Thế Văn (sinh năm 1937, quê Gia Lâm) nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, Sư đoàn 361, Quân chủng PK-KQ, Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đã liên tục hạ máy bay B-52 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không (tháng 12-1972). 

Sau thời gian huấn luyện, ông trở thành chiến sĩ súng máy 12,7mm, được bổ sung vào Đại đội 268, Tiểu đoàn 532, Sư đoàn 312 hành quân lên đóng ở Điện Biên Phủ, với nhiệm vụ bắn máy bay, bảo vệ cho bộ binh đánh đồi Him Lam. Khi cờ Tổ quốc bay trên nóc hầm Đờ-cát, cũng là lúc Đinh Thế Văn vừa tròn 17 tuổi đời, tích lũy được ít nhiều kinh nghiệm chốn sa trường.

Sau khi đánh đuổi thực dân Pháp, Việt Nam bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh, thực hiện các chỉ tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Tháng 4-1961, quân đội cắt giảm quân số để phát triển kinh tế nhằm phấn đấu xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, thực hiện một bước công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của các ngành kinh tế quốc dân. Do đó, Trạm phó Trạm phát vô tuyến điện Đinh Thế Văn thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 26, Phòng Thông tin Sư đoàn 367, Quân chủng PK-KQ chuyển ngành đến Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao, Phú Thọ. 

Tháng 7-1965, Đinh Thế Văn thi đỗ vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, khoa Vô tuyến điện. Tháng 11-1965 ông tựu trường, thì tháng 12 nhận lệnh tái ngũ, trở lại Quân đội và được biên chế về Trung đoàn 257, Quân chủng Phòng không-Không quân, chuyên về điều khiển tên lửa phòng không SAM-2; BUMHA; CA-75A.

Sau 3 tháng học nghiệp vụ chuyên ngành điều khiển tên lửa do chuyên gia Liên Xô đào tạo, ông được biên chế về giữ chức Trưởng xe chỉ huy, kiêm Sĩ quan điều khiển tên lửa của Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, Sư đoàn 361, Quân chủng PK-KQ. Năm 1968 ông được giữ chức Đại đội trưởng Đại đội kỹ thuật, rồi đến năm 1970 giữ chức Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 77 và năm 1971 thì làm Tiểu đoàn trưởng, đóng quân tại Chèm (nay là xã Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) với nhiệm vụ đặc biệt bảo vệ Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

leftcenterrightdel
Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 Đinh Thế Văn (hàng đầu thứ 3 từ trái sang) chụp ảnh cùng các đồng chí chuyên gia Liên Xô năm 1971. Ảnh tư liệu

Biết địch biết ta - Trăm trận trăm thắng

Góp phần vào công cuộc chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Đại tá Đinh Thế Văn luôn nhắc tới sự tiên đoán tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi làm việc với Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ năm 1967. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống càng sớm càng tốt để có thời gian mà chuẩn bị… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Với tinh thần “dám đánh, dám đối đầu”, Tiểu đoàn 77 đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt. Là người trực tiếp tham gia chiến đấu và là chỉ huy, Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn rất lo lắng và luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ. 

leftcenterrightdel
Tiểu đoàn Tên lửa 77 trong chiến dịch 12 ngày đêm năm 1972. Ảnh tư liệu 

Ông chia sẻ: “Trên thực tế, Tiểu đoàn chưa có kinh nghiệm chiến đấu với B-52, tôi đã rất trăn trở, nhiều đêm thức trắng nghiên cứu cách đánh, lời Bác dạy văng vẳng bên tai “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền...”. Do đó, tôi đã phát động toàn thể cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 77 xây dựng ý chí, quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác, tích cực học tập nghiên cứu thật kỹ chiến thuật của địch, từng loại máy bay, từng loại vũ khí được mang ra phân tích tỉ mỉ điểm mạnh, điểm yếu của địch, của ta để rút kinh nghiệm qua các trận đánh”.

Tiểu đoàn 77 đã được nghiên cứu nhiều về B-52, kể cả tính năng, kỹ chiến thuật của các loại vũ khí của địch. Học cách đánh B-52 ngay từ đầu năm 1971, học qua “sách đỏ” (cuốn sổ được bọc bìa màu đỏ tổng hợp cách đánh B-52) của các đơn vị có kinh nghiệm tham gia tác chiến. 

leftcenterrightdel
"Sách đỏ" - Cách đánh B-52 của Bộ đội Tên lửa 

“Chúng tôi hạ quyết tâm phải bắn được B-52 và tốn ít đạn nhất theo lời dạy của Bác: “một viên đạn, một quân thù”. Tôi đã tổ chức cho tiểu đoàn luyện tập ngày đêm, lập ra nhiều phương án, nhiều giả định từ thực tế chiến đấu của tiểu đoàn, của các đơn vị bạn, kết hợp với kiến thức tập huấn của cấp trên với niềm tin nhất định sẽ thành công, nhất định phải tin thắng lợi và hoàn thành nhiệm vụ được giao”, Đại tá Đinh Thế Văn cho hay.

Phương pháp đánh "vượt nửa góc"

Theo Đại tá Đinh Thế Văn, phương pháp bắn máy bay B-52 lúc bấy giờ thường sử dụng hai cách là “đánh ba điểm”. Ngoài ra, Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn còn sáng tạo ra phương pháp “vượt nửa góc”, phương pháp này không phải đơn vị nào cũng áp dụng vì phải bật ra-đa để xác định mục tiêu máy bay địch nên thao tác không nhanh, dễ bị lộ trận địa và trở thành mục tiêu để tên lửa từ máy bay địch tấn công lại.

Để chúng tôi hiểu rõ hơn về cách đánh "vượt nửa góc", người Tiểu đoàn trưởng năm nào lấy giấy mực ra vẽ một cách tỉ mỉ, ông chỉ: “Với cách đánh vượt nửa góc, tức là khi máy bay địch còn cách tọa độ phòng không của ta khoảng 35km, góc tà 35 độ (tạo góc so với mặt đất). Cùng với tốc độ và độ cao của máy bay B-52, tên lửa của ta được phóng lên với góc 70 độ thì sẽ gặp máy bay địch và kích nổ. 

leftcenterrightdel
Tên lửa SAM-2 của Bộ đội tên lửa bảo vệ Thủ đô xuất kích tiêu diệt máy bay Mỹ trong trận Hà Nội 12 ngày đêm, tháng 12-1972. Ảnh tư liệu: TTXVN 

Tuy nhiên, để thấy được mục tiêu B-52, trắc thủ ra-đa phải thao tác thật nhanh khoảng 10 giây, xác định các tọa độ thật chuẩn rồi hạ cao thế. Tổng thời gian thực hiện cho toàn bộ quá trình chỉ vỏn vẹn trong 60 giây. Chỉ cần chậm hơn vài giây thì máy bay tiêm kích F4 của địch sẽ phóng tên lửa diệt trận địa của ta dưới mặt đất”. 

Điểm đặc biệt của phương pháp đánh "vượt nửa góc" được Đại tá Đinh Thế Văn tiết lộ: “Để đề phòng tên lửa của ta đi dọc đường gặp nhiễu, đơn vị đã dùng ngòi nổ chậm 11,5 giây. Hiểu đơn giản thì chỉ cần cách mục tiêu 2-3km thì mới bật ngòi nổ. Đội hình máy bay hộ tống của B-52 luôn thả nhiễu tiêu cực chống ra-đa và tên lửa của ta, ngòi nổ rời bệ phóng gặp nhiễu sẽ phát nổ. Bằng cách đánh này, tỷ lệ trúng B-52 đạt hơn 90%”.

leftcenterrightdel
Quyết tâm chiến thắng của các chiến sĩ một đơn vị tên lửa SAM-2 của Bộ đội Tên lửa phòng không Hà Nội trước trận đánh bảo vệ Thủ đô trong trận 12 ngày đêm, cuối tháng 12-1972. Ảnh tư liệu/TTXVN  

“Trận địa Chèm huyền thoại” năm 1972

Trận địa tên lửa Chèm thuộc xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội (nay là xã Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trở thành địa danh lịch sử in đậm chiến công của những người lính canh trời thủ đô. Trận địa Chèm còn được ví như sức mạnh “Rồng lửa” trong Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” năm 1972.

Từ năm 1967-1972, Sư đoàn 361, Quân chủng PK-KQ đã bắn rơi 25 máy bay của đế quốc Mỹ. Trong những chiến công đó, có chiến tích bắn rơi 4 chiếc B-52 (3 chiếc rơi tại chỗ) của Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, do Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn chỉ huy làm nên dấu ấn lịch sử của trận địa lừng danh vang mãi cho đến ngày nay. 

Hồi tưởng về ngày tháng hào hùng, Đại tá Đinh Thế Văn nhớ rất rõ thời khắc đầu tiên ông và đồng đội đối mặt với B-52 của không quân Mỹ tiến vào đánh phá Hà Nội lúc 19 giờ 30 ngày 18-12-1972. 

Kíp chiến đấu hôm đó có 5 người gồm: Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn; trắc thủ cự ly Phạm Hồng Hà; trắc thủ phương vị Đỗ Đình Tân; trắc thủ góc tà Lưu Văn Mộc và sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Đức. 

leftcenterrightdel
Kíp chiến đấu bắn rơi B-52 đầu tiên bằng phương pháp "vượt nửa góc"', từ phải sang: Đỗ Đình Tân (trắc thủ phương vị); Đinh Thế Văn (Tiểu đoàn trưởng); Nguyễn Văn Đức (Sĩ quan điều khiển); Lưu Văn Mộc (trắc thủ góc tà); Phạm Hồng Hà (trắc thủ cự ly). Ảnh tư liệu/TTXVN 

Lúc 4 giờ 39 phút ngày 19-12 tại trận địa Chèm, Tiểu đoàn 77 đã phóng liên tục hai quả tên lửa vào tốp B-52 số hiệu 954. Đài điều khiển phát sóng nhìn thấy B-52 ngoài 20km phóng liền hai đạn giãn cách 6 giây ở cự ly 26km và 25km, phương vị 200 độ, độ cao 8km, đạn điều khiển theo phương pháp vượt trước nửa góc. 

Khi đã bám sát tự động ngòi nổ, phương pháp bắn đón nửa góc; đạn gặp mục tiêu ở cự ly 20km và 18km, phương vị 197 độ và 195 độ, hai quả nổ tốt, một chiếc B-52 rơi tại Thanh Văn, Thanh Oai, Hà Tây. 

Ngay đêm đầu B-52 đánh phá Hà Nội, Tiểu đoàn 77 đã tiêu diệt 1 chiếc B-52 rơi tại chỗ. Đây được coi là món quà thiết thực nhất động viên, cổ vũ các đơn vị thi đua bắn rơi B-52 của Mỹ.

20 giờ 34 phút ngày 20-12, Tiểu đoàn 77 phát hiện tốp B-52 số hiệu 621, cự ly 27km, phương vị 30 độ. Tiểu đoàn 77 phóng liền hai quả, cự ly 24km, phương vị 36 độ, tốc độ góc phương vị 0,8 độ/giây, tốc độ góc tà 0,1 độ/giây, tham số 10km. 

Đạn được điều khiển theo phương pháp vượt trước nửa góc, ba trắc thủ đều bám sát tự động, độ cao mục tiêu vẫn 10km. Quả thứ nhất nổ cự ly 20km, phương vị 50 độ; quả thứ hai nổ cự ly 19km, phương vị 53 độ, một máy bay B-52 rơi ở Vạn Thắng, Ba Vì. 

leftcenterrightdel

Siêu pháo đài bay B-52 bị quân và dân Thủ đô bắn rơi, bốc cháy dữ dội, ngày 27-12-1972. Ảnh tư liệu/TTXVN 

Lúc 5 giờ 9 phút ngày 21-12, Tiểu đoàn 77 phóng 2 quả đạn vào tốp B-52 số hiệu 318 ở cự ly 24km và 23km, phương vị 20 độ, tốc độ biến thiên góc phương vị là 0,3 độ/giây, biến thiên góc tà 0,1 độ/giây, độ cao 10km, phương pháp điều khiển vượt trước nửa góc, phương pháp bám sát tự động. 

Quả thứ nhất gặp mục tiêu 18km, quả thứ hai gặp mục tiêu 16km, phương vị 70 và 75 độ, hai quả đều nổ tốt, một máy bay B-52 rơi tại thị trấn Phúc Yên (nay là thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). 

Đây là chiếc máy bay B-52 thứ ba Tiểu đoàn 77 ở trận địa Chèm bắn rơi tại chỗ khi đài điều khiển nhìn thấy mục tiêu ở cự ly từ 25 đến 27km, tốc độ biến thiên góc phương vị lớn hơn ba lần tốc độ biến thiên góc tà. 

Với những chiến công này, sáng ngày 22-12, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có mặt tại trận địa Chèm ngay khi khói bom vừa dứt để nghe Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn báo cáo cách đánh B-52 khá kỳ lạ ấy. 

leftcenterrightdel
Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 (Trung đoàn 257, Sư đoàn 361) Đinh Thế Văn (người đội mũ) thuyết minh cách đánh B-52 với Chủ tịch Tôn Đức Thắng (ngoài cùng bên trái) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu 

Với thành tích này, Tiểu đoàn 77 trở thành một trong hai đơn vị phòng không bắn rơi nhiều máy bay B-52 nhất của quân chủng và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đại tá Đinh Thế Văn cũng đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất và trở thành Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tên lửa 77 khi vừa mới ngoài ba mươi tuổi...

Đến năm 1973 ông được bổ nhiệm giữ chức Tham mưu trưởng Trung đoàn 257, Sư đoàn 361. Trải qua công tác tại một số đơn vị, năm 1980, ông được điều về làm Trưởng ban huấn luyện Chiến dịch của Quân chủng PK-KQ... Tháng 10 năm 1989, Đại tá Đinh Thế Văn về nghỉ hưu. Với những cống hiến của mình, năm 2013 ông đã được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

leftcenterrightdel
Đại tá Đinh Thế Văn kể về những năm tháng chiến đấu không thể nào quên với những người bạn.

Ở tuổi thượng thọ, Đại tá Đinh Thế Văn vẫn hoạt bát, nhanh nhẹn. Hễ cứ nhắc đến những ngày tháng bom đạn cùng đồng đội tham gia chiến dịch 12 ngày đêm máu lửa ấy, hai hàng nước mắt của ông lại không thể kìm nén. Khi về với quê hương, ông còn giúp cho làng Đào Thục khôi phục lại được nghề múa rối nước truyền thống. 

50 năm đã trôi qua, kể từ ngày diễn ra trận chiến trên bầu trời Hà Nội năm 1972, biết bao của cải vật chất bị chôn vùi, tàn phá, biết bao sự hy sinh xương máu để có ngày hôm nay, nhưng nhân chứng sống của lịch sử như Đại tá Đinh Thế Văn sẽ luôn là tấm gương sáng cho thế hệ sau noi theo và học tập. 

HỒNG PHÚC