Bảo tàng Chiến thắng B-52 duy nhất trên thế giới

Đứng trong khuôn viên Bảo tàng, bên xác máy bay B-52, em Bùi Bảo Yên, học sinh lớp 5A0, Trường Tiểu học Đại Yên (phường Đội Cấn, quận Ba Đình) chỉ tay về phía ngôi trường của mình khoe: “Trường cháu ngay ở kia cô ạ. Ngày nào cháu cũng đi học qua Bảo tàng. Nhưng được xem những hiện vật ở khoảng cách gần hơn, cháu càng thấy rõ sự khốc liệt của chiến tranh, sự tàn ác của quân giặc. Qua đó, cháu càng cảm phục tinh thần quyết thắng của cha ông khi ấy. Cháu rất tự hào vì mình cũng là một công dân Thủ đô”.

Quả thật, những hiện vật ở Bảo tàng Chiến thắng B-52 chứa đựng nhiều câu chuyện ý nghĩa của lịch sử. Du khách khi đến tham quan đều cho rằng, không nơi nào trên thế giới có một bảo tàng tương tự Bảo tàng Chiến thắng B-52 của Việt Nam. Chúng tôi gặp vợ chồng anh chị Edward và Luna (Vương quốc Anh).

Họ cho biết vừa đi bộ từ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sang. Lần đầu đến Hà Nội nhưng qua tìm hiểu trên internet, họ thấy rằng muốn hiểu về đất nước, con người Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng thì cần hiểu nhiều hơn về Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" và Bảo tàng là nơi lưu giữ những thông tin đầy đủ nhất về chiến thắng này.

Cô giáo Đỗ Thị Luyến và học sinh Trường Tiểu học Đại Yên tham quan Bảo tàng Chiến thắng B-52, tháng 12-2022.

Thượng tá QNCN Trịnh Thị Khuyến Lương, Phó giám đốc Bảo tàng Chiến thắng B-52, cho biết: “Trong 12 ngày đêm năm 1972, chúng ta đã bắn rơi 34 máy bay B-52, trong đó Hà Nội bắn rơi 25 chiếc. 16 chiếc rơi tại chỗ đã được thu thập mảnh xác và tập kết tại Bách Thảo. Sau năm 1997, khi Bảo tàng Chiến thắng B-52 được thành lập, các hiện vật này được chuyển đến Bảo tàng. Các chuyên gia đã sắp xếp tạo dựng hình khối với tỷ lệ 1:1 như một chiếc B-52 tại sân của Bảo tàng. Đây là hiện vật ghi dấu chiến công chói lọi của quân và dân Thủ đô đánh tan trận tập kích bằng máy bay chiến lược B-52 do đế quốc Mỹ đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh miền Bắc. Hiện vật này được nhiều du khách thực sự quan tâm, tìm hiểu. Bên cạnh đó còn có rất nhiều vũ khí mà quân dân Thủ đô và quân dân các địa phương đã sử dụng trong 12 ngày đêm như radar P-35, các đài chỉ huy, bệ phóng tên lửa SAM-2, máy bay MiG-21, pháo cao xạ...".

Xây dựng Bảo tàng khang trang, hiện đại hơn

Thể theo nguyện vọng của công chúng tham quan và nhân dân về một bảo tàng xứng đáng với tầm vóc của chiến thắng lịch sử, Bảo tàng Chiến thắng B-52 vừa được Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội đầu tư cải tạo, nâng cấp nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" (1972-2022).

Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội khẳng định: “Việc cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Chiến thắng B-52 nhằm đánh giá, tôn vinh, lưu trữ có hệ thống những giá trị vô giá, góp phần giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau những giá trị lịch sử của Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không"; củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng; nêu cao tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy truyền thống, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

Cô giáo Đỗ Thị Luyến, Tổ trưởng Khối lớp 5, Trường Tiểu học Đại Yên cho biết: “Hằng năm, nhà trường đều tổ chức cho học sinh tham quan Bảo tàng theo chương trình ngoại khóa. Mỗi buổi tham quan mang đến cho các em rất nhiều kiến thức. Năm nay, Bảo tàng mang diện mạo mới, được thiết kế, cải tạo theo hướng hiện đại, tăng khả năng tương tác, giúp việc khai thác, tra cứu, tham quan tiện lợi. Hệ thống hiện vật được trưng bày khoa học. Đặc biệt, học sinh rất thích xem bộ phim về diễn biến trận "Điện Biên Phủ trên không" với công nghệ 3D mapping-kỹ thuật hiện đại sử dụng ánh sáng, hình ảnh để tạo ra các hiệu ứng không gian 3 chiều cho tư liệu”.

Trong quá trình tìm hiểu về Bảo tàng Chiến thắng B-52, chúng tôi tình cờ biết rằng Thượng tá QNCN Trịnh Thị Khuyến Lương cũng là một người sinh ra vào đúng năm 1972. Khi ấy, đơn vị bố mẹ chị đóng quân tại huyện Đông Anh. Ngày mẹ chị chuyển dạ (20-11-1972), vì cầu Long Biên là tọa độ bị máy bay Mỹ bắn phá ác liệt nên xe cấp cứu đưa mẹ chị đến viện phải vòng qua con đường bên phà Khuyến Lương. Chị được sinh ra trên đường đi đó nên bố mẹ lấy tên phà Khuyến Lương để đặt cho con gái.

Chính vì cơ duyên ấy, Thượng tá QNCN Trịnh Thị Khuyến Lương coi Bảo tàng như một phần gắn bó máu thịt của mình và luôn mong muốn Bảo tàng ngày càng phát triển, hấp dẫn du khách và nhân dân. Chị cùng các đồng đội của mình đang nỗ lực để đưa Bảo tàng ngày càng xứng với tầm vóc của chiến thắng. Chị Lương cho biết: “Bảo tàng Chiến thắng B-52 đang nghiên cứu xây dựng các hoạt động trải nghiệm trong chương trình giáo dục di sản, đặc biệt dành cho giới trẻ theo chủ đề "Chúng em làm bộ đội", "Chúng em làm phi công"...

Hiện nay, Bảo tàng đang phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long tổ chức các hoạt động giới thiệu với du khách về “sợi dây liên kết lịch sử” khi hầm T1 tại Hoàng thành là nơi đặt cơ quan tổng chỉ huy trong Chiến dịch Phòng không 12 ngày đêm tháng 12-1972. Ngoài ra, cán bộ Bảo tàng Chiến thắng B-52 cũng chủ động đến với các nhà trường để tuyên truyền, giáo dục, nói chuyện truyền thống, triển lãm lưu động đến các huyện ngoại thành, nơi học sinh không có điều kiện đến trung tâm thành phố như Ba Vì, Chương Mỹ, Mê Linh... giúp các em hiểu hơn về chiến thắng có ý nghĩa đặc biệt này”.

Bài và ảnh: THANH MAI