Nhân kỷ niệm 50 năm sự kiện lịch sử đặc biệt này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trò chuyện với Đại tá Nguyễn Văn Đấy, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 361, về những chiến công của đơn vị và việc phát huy truyền thống trong thực hiện nhiệm vụ hiện nay.

Phóng viên (PV): Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” có sự đóng góp rất lớn của Sư đoàn 361. Đề nghị đồng chí khái quát chiến công đặc biệt này của Sư đoàn?

Đại tá Nguyễn Văn Đấy.  

Đại tá Nguyễn Văn Đấy: Sư đoàn 361 có rất nhiều “đặc biệt”. Trước hết, Sư đoàn được thành lập ngày 19-5-1965, đúng dịp kỷ niệm 75 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và vinh dự được Người đến thăm 8 lần. Sư đoàn được giao nhiệm vụ bảo vệ Hà Nội-trái tim của cả nước, đó là niềm vinh dự đặc biệt. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sư đoàn 361 là đơn vị bắn rơi nhiều máy bay B-52 nhất (35 chiếc) và 591 máy bay địch các loại. Đặc biệt, trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng cuối năm 1972, Sư­ đoàn 361 là lực lượng nòng cốt của Quân chủng PK-KQ, cùng quân và dân Thủ đô Hà Nội đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ, lập công xuất sắc, trực tiếp bắn rơi 29 máy bay Mỹ, trong đó có 25 chiếc B-52 (16 chiếc rơi tại chỗ), góp phần làm nên Chiến thắng ''Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không'' lẫy lừng, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấp nhận ngừng ném bom ở miền Bắc, rút hết quân về nước, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

PV: Thắng lợi của Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng cuối năm 1972 để lại bài học kinh nghiệm gì đối với đơn vị, thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Văn Đấy: Chiến công trên bầu trời Hà Nội và một số địa phương ở miền Bắc cuối năm 1972 là một trong những chiến công hiển hách nhất của dân tộc ta ở thế kỷ 20, đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý đối với Sư đoàn. Đó là bài học về thường xuyên chủ động nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù; xây dựng tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) cao, ý chí vượt mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu mưu trí, dũng cảm, dám đánh, biết đánh và quyết thắng mọi kẻ thù. Bài học về chấp hành nghiêm sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, phát huy tốt dân chủ quân sự, xây dựng phương án tác chiến sát thực tế; tổ chức huấn luyện nghiêm túc, nâng cao trình độ các kíp chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Bài học về chỉ huy tập trung, thống nhất, linh hoạt, hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ, phát huy tối đa khả năng, sở trường của từng đơn vị, phối hợp với các đơn vị bạn tạo thành thế trận PK-KQ rộng khắp, hiểm hóc, vững chắc, đánh địch từ xa đến gần, trên mọi hướng.

PV: Được biết, Sư đoàn 361 đang quản lý và khai thác nhiều loại trang bị, vũ khí mới. Vậy công tác huấn luyện khai thác, làm chủ những khí tài, trang bị hiện đại này được tiến hành như thế nào?

Đại tá Nguyễn Văn Đấy: Sư đoàn 361 xây dựng kế hoạch thực hiện và thành lập các ban, tổ huấn luyện do cán bộ Sư đoàn phụ trách trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn công tác huấn luyện theo chuyên ngành của các đơn vị. Kíp chiến đấu được huấn luyện từ đơn giản đến phức tạp, từ cá nhân đến phân đội, từ lý thuyết đến thực hành để bộ đội nắm vững chức trách, tiến hành thao tác, kiểm tra, hiệp đồng chặt chẽ, đúng quy trình.

Cùng với đó, các đơn vị trong Sư đoàn mở các lớp tập huấn, học ngoại ngữ, tin học, tổ chức hội thảo về khai thác, làm chủ khí tài mới để phát huy trí tuệ tập thể, nâng cao chất lượng huấn luyện; thường xuyên động viên, khích lệ bộ đội nêu cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu, nhất là đội ngũ sĩ quan trẻ, các thành phần trong kíp chiến đấu; thực hiện cấp trên bồi dưỡng cấp dưới, chỉ huy bồi dưỡng đơn vị, các đồng chí được đào tạo ở nước ngoài huấn luyện chuyển loại cho đơn vị. Đồng thời, đơn vị bám sát cơ quan cấp trên, chuyên gia nước ngoài, phối hợp với các nhà máy để nhanh chóng làm chủ khí tài mới...

PV: Thưa đồng chí, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 361 đã có những chủ trương, giải pháp gì để đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ SSCĐ, quản lý vùng trời?

Sư đoàn 361 luôn duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: CÔNG CƯỜNG 

Đại tá Nguyễn Văn Đấy: Mỗi ngày, Sư đoàn 361 quản lý hàng nghìn chuyến bay qua không phận được giao, cường độ làm việc cao, phải canh trực 24/24 giờ. Vì vậy, để hoàn thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm SSCĐ, quản lý vùng trời, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp sát thực. Trong đó, chú trọng giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các thành phần trong thực hiện nhiệm vụ canh trực tại sở chỉ huy các cấp; thường xuyên tổ chức huấn luyện, luyện tập, kiểm tra thực hiện nội dung “4 biết” trong quản lý vùng trời (biết kế hoạch bay; biết bay hay chưa bay; bay đến đâu biết đến đó; biết hành động trên không), nhất là luyện tập xử lý tốt các tình huống trên không, không để bất ngờ, lỡ thời cơ. Đặc biệt, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra của người chỉ huy trong việc duy trì nền nếp, chế độ canh trực SSCĐ, quản lý vùng trời, từ sở chỉ huy Sư đoàn đến các phân đội; gắn hoạt động thi đua xung kích, xây dựng kíp ban thanh niên mẫu mực trong canh trực SSCĐ...

CHÍ PHAN (thực hiện)