Tại ngôi nhà nhỏ ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), anh Việt dành hẳn một căn phòng để lưu trữ các bộ đồ anh sưu tầm: Huân chương, huy chương, bằng khen Việt Nam, tem, sách, tiền… Chưa hết, nhiều hiện vật “ngoại cỡ” liên quan đến kỷ vật chiến tranh, như vỏ đạn pháo, phụ tùng máy bay MiG…, anh đành phải gửi ở nhà bố mẹ, bạn bè. Anh cho chúng tôi xem những kỷ vật gọn nhẹ hơn, như: Huân chương, huy chương, huy hiệu Liên Xô, tài liệu có thủ bút của các nguyên soái Liên Xô, bưu ảnh Liên Xô…

leftcenterrightdel
Nhà sưu tập Trần Vương Việt. 

Chẳng có ai lại tự nhiên bỏ công sức, tiền của đi sưu tầm kỷ vật nếu không có những lý do đặc biệt. Anh Việt cho biết, thú vui sưu tầm huân chương, huy chương, huy hiệu Liên Xô mãi sau này anh mới có. Anh bắt đầu "nghiệp sưu tập" ở tuổi 12 từ việc chơi tiền giấy Việt Nam, rồi sau đó là tem bưu chính, kỷ vật chiến tranh liên quan đến Quân đội nhân dân Việt Nam... Lý do sưu tầm huân chương, huy chương, huy hiệu Liên Xô xuất phát từ câu chuyện thời thơ ấu khi anh có thời gian sống gần Sân bay Gia Lâm, được các phi công Liên Xô tặng một số hiện vật. Khi lớn lên, tìm hiểu lịch sử hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vĩ đại của dân tộc, anh Việt càng yêu mến đất nước và nhân dân Liên Xô đã dành tình cảm hữu nghị quốc tế cao đẹp, không tiếc vật chất, tinh thần và cả hy sinh xương máu để giúp đỡ Việt Nam.

Huân chương, huy chương, huy hiệu Liên Xô có khoảng 14.000 mẫu (theo thống kê), thì anh Việt đang sở hữu hơn 10.000 mẫu. Có thể bắt gặp khá nhiều huân chương, huy chương cao quý của Liên Xô trước đây, như: Huân chương Cờ đỏ, Huân chương Lao động, Huân chương Chiến thắng... Nhiều huân chương Liên Xô được đúc bằng bạc, nạm vàng. Còn về huy hiệu, cứ hình dung Liên Xô trước đây có 15 nước cộng hòa trực thuộc, mỗi dịp kỷ niệm ngày lễ lớn nào đó như Ngày Chiến thắng 9-5 chẳng hạn, mỗi nước đều phát hành huy hiệu, theo thời gian, số lượng các mẫu huy hiệu tăng lên. Trong số đó, có những bộ huy hiệu mang tính chất tuyên truyền đặc biệt, như: Bộ huy hiệu 16 chiếc về 15 nước cộng hòa và chủ thể chính Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, bộ huy hiệu 10 thành phố anh hùng của Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc, bộ huy hiệu các nhà văn, họa sĩ, diễn viên điện ảnh... Kỳ công hơn, khi sưu tầm các huân chương, huy chương Liên Xô, anh Việt còn tìm cả giấy tờ chứng nhận gốc của người được tặng thưởng. Anh gọi đó là huân chương, huy chương có “lý lịch”. Chỉ khi nào số hiệu được khắc ở mặt sau huân chương, huy chương khớp với số hiệu được ghi trong giấy chứng nhận thì anh Việt mới hài lòng. Giá trị vật chất của bộ sưu tập được tích lũy theo năm tháng đến nay rất lớn, nhưng với anh Việt, giá trị tinh thần mới là điều đáng để trân trọng và cũng là một cách thể hiện tình cảm cá nhân với Liên Xô. 

leftcenterrightdel

Tài liệu có thủ bút của Nguyên soái Ivan Konev. 

Mấy năm nay, anh Việt bỏ nhiều công sức để sưu tập những văn bản chính liên quan đến 41 nguyên soái trong thời gian tồn tại của Liên Xô. Đây là lĩnh vực sưu tập rất khó và cần có duyên vì trải qua thời gian, những tài liệu liên quan đến các nguyên soái Liên Xô bị thất lạc, trở thành vật sở hữu của các nhà sưu tập… mà có khi tìm mỏi mắt trên các trang web bán kỷ vật cũng không có. Tình cờ, anh quen biết một nhà sưu tập người Nga. Qua trao đổi, mua bán, anh Việt đã sở hữu văn bản chính có thủ bút của 19 vị nguyên soái Liên Xô. Đó có thể là giấy tờ bàn giao công việc của Nguyên soái Georgi Zhukov, chứng nhận có đóng dấu Bộ Quốc phòng Liên Xô với chữ ký của Nguyên soái Ivan Konev đồng ý cho cấp dưới nghỉ công tác vì lý do sức khỏe… Anh Việt không dám chắc có thể sưu tập đủ giấy tờ có thủ bút của 41 nguyên soái Liên Xô, bởi có những vị mất sớm như Mikhail Tukhachevsky hay những nguyên soái từng làm nguyên thủ Liên Xô như Iosif Stalin, Leonid Brezhnev đều thuộc dạng cực hiếm, mà nếu tìm được cũng khó có thể mua được vì giá quá đắt. Nghề chơi cũng lắm công phu và tốn kém! Nếu bộ huy hiệu Liên Xô đắt nhất anh từng mua có giá 120USD thì một văn bản chính có thủ bút nguyên soái Liên Xô có giá gấp 5 đến 10 lần và cũng quý hiếm đến mức có tiền cũng không có kỷ vật để mua.

Thời gian càng lùi xa, những kỷ vật gắn liền với đất nước và con người Liên Xô càng tăng giá trị về nhiều mặt bởi không còn được sản xuất, số lượng ngày càng giảm. Bộ sưu tập kỷ vật Liên Xô phong phú của nhà sưu tập Trần Vương Việt vì thế càng trở nên quý giá. Và tất nhiên, bộ sưu tập mang giá trị lịch sử góp phần để các thế hệ người Việt nhớ đến một Liên Xô hùng mạnh, từng là thành trì của các nước xã hội chủ nghĩa và các dân tộc thuộc địa, bị áp bức.

Khó khăn lớn nhất của anh Việt hiện nay là chưa có đủ không gian để sắp xếp, bảo quản tốt hơn các bộ sưu tập và nhất là thiếu những cá nhân, tổ chức có thể “đỡ đầu” để anh giới thiệu các hiện vật theo chủ đề đến công chúng. Nhưng anh tin, rất nhiều thế hệ người Việt Nam đều có tình yêu với đất nước và con người Liên Xô trước đây và Liên bang Nga hiện nay. Anh tin nếu có đủ điều kiện, những kỷ vật liên quan tới đất nước đã chiếm tình cảm trọn vẹn của người Việt Nam sẽ lại có dịp góp phần phát huy giá trị lịch sử, giáo dục truyền thống.

Bài và ảnh: TUY PHƯỚC