Kỳ 1: Đội quân của Cách mạng

Dưới sự lãnh đạo của những người Bolshevik, đứng đầu là V.I.Lenin vĩ đại, đội quân Cận vệ Đỏ đã anh dũng chiến đấu và chiến thắng, làm nên thắng lợi vẻ vang của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917….

Điều kiện tiên quyết để cách mạng thắng lợi

Trong lời mở đầu của cuốn sách “Đội Cận vệ Đỏ bảo vệ Tháng Mười” của NXB Khoa học (Liên Xô) xuất bản năm 1989, nhà lịch sử quân sự nổi tiếng của Liên Xô Konev Alexander Mikhailovich đã viết, nhà lãnh đạo của Đảng Bolshevik V.I.Lenin giữ vai trò rất quan trọng trong việc chuẩn bị và tiến hành cuộc nổi dậy vũ trang. Dựa trên học thuyết Marx và Engels cùng với kinh nghiệm đấu tranh cách mạng đã tích lũy được, V.I.Lenin đã xây dựng các luận điểm quan trọng trong chương trình quân sự của cách mạng vô sản ngay từ trước Cách mạng Tháng Mười.

V.I.Lenin đã khẳng định rằng, việc lập ra một tổ chức quân sự cách mạng vô sản do Đảng Cộng sản lãnh đạo là cần thiết để cách mạng thành công. Năm 1905, V.I.Lenin đã đưa ra định nghĩa về khái niệm “quân đội cách mạng” và nhấn mạnh rằng, nếu không có quân đội cách mạng thì cách mạng sẽ không thể chiến thắng một cách thực sự. Quân đội cách mạng là một sức mạnh quân sự của những người cách mạng.

leftcenterrightdel
Đội Cận vệ Đỏ trên đường phố Petrograd năm 1917. Nguồn : RIA Novosti 
Đề cao tầm quan trọng của việc trang bị vũ trang cho giai cấp công nhân, V.I.Lenin đã dành cho họ vai trò quyết định trong việc thành lập đội quân cách mạng. “Từ kinh nghiệm của Công xã Pari năm 1871 và cuộc Cách mạng Nga năm 1905, giai cấp vô sản cần tổ chức và trang bị vũ trang cho người nghèo…”, V.I.Lenin nhận định trong “Các bức thư từ phương xa”.

Lực lượng tấn công nòng cốt

Luận điểm của Lenin đã được thể hiện trong việc Đảng Bolshevik thành lập các nhóm vũ trang và đội dân quân chiến đấu với quân đội Sa hoàng. Sức lan tỏa của các sự kiện cách mạng trong năm 1917 cho phép Đảng Bolshevik chuyển sang một hình thức tổ chức chiến đấu của giai cấp vô sản ở mức cao hơn. Đó là đội Cận vệ Đỏ, được thành lập vào cuối tháng 3, đầu tháng 4-1917. Và họ đã trở thành “hạt nhân” của quân đội cách mạng.

Đội Cận vệ Đỏ là lực lượng vũ trang nòng cốt của giai cấp vô sản trong giai đoạn chuẩn bị và tiến hành Cách mạng Tháng Mười. Trước Cách mạng Tháng Mười và trong những ngày Tháng Mười đã có khoảng 182.500 công nhân tiến bộ tham gia vào hàng ngũ các đội Cận vệ Đỏ. Họ đã trở thành lực lượng chiến đấu nòng cốt, cùng với binh lính và thủy thủ đảm bảo cho thắng lợi của cuộc cách mạng vô sản. Trong một bức thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ ra: “Đội Cận vệ Đỏ là đội quân của công nhân”.

Những đội Cận vệ Đỏ đầu tiên đã xuất hiện ngay sau cuộc Cách mạng Dân chủ tư sản tháng hai năm 1917 và không ngừng lớn mạnh. Những người đứng ra khởi xướng việc thành lập đội cận vệ là những người Bolshevik ở Petrograd, Moscow, Kiev, Revel, Kharkov, Odessa, Samara, Nizhny Novgorod và một số thành phố khác của Liên Xô. Khi đó nhà lãnh đạo V.I.Lenin coi việc thành lập và trang bị vũ trang cho đội Cận vệ Đỏ là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Đảng. Những bước đầu tiên để thành lập đội ngũ cận vệ trong phạm vi toàn Liên Xô đã được thực hiện vào cuối tháng 3-1917. Ngày 22-3-1917, Nghị quyết về Chính phủ Lâm thời do Ban chấp hành Trung ương Đảng RSDLP(b) (Bolshevik) thông qua đã nêu rõ, nhiệm quan trọng nhất của các đại biểu Xô Viết là trang bị vũ trang cho người dân, cụ thể là thành lập ngay đội Cận vệ Đỏ trên khắp đất nước. Ngày 26-3-1917, quyết định của Ban chấp hành Trung ương Đảng về việc tổng vũ trang cho người dân và thành lập đội Cận vệ Đỏ trên toàn quốc đã được công bố trên báo Sự thật (Pravda). Ngày 27-3, quyết định này lại được khẳng định trong Nghị quyết được thông qua tại Hội nghị công nhân đảng lần đầu tiên tại Petrograd. Từ thời điểm đó, thuật ngữ “đội Cận vệ Đỏ” được phổ biến rộng rãi.

leftcenterrightdel
Đội Cận Vệ Đỏ trên Đại lộ Konnogvardeysky tại Petrograd tháng 10-1917. Nguồn: RIA Novosti.
Đến tháng 4-1917, các đội Cận vệ Đỏ ở Petrograd được thành lập tại 12 nhà máy và chiêu mộ gần 2.000 người tham gia, như ở nhà máy New Lessner và Old Lessner (500 người), New Parviainen (300 người), Erickson (300 người),  Aiwaz (300 người), nhà máy Baltic (170 người), Siemens-Schuckert (120 người), Reno (100 người).

Mùa hè năm 1917, đội Cận vệ Đỏ được thành lập tại nhiều xí nghiệp thuộc các thành phố và trung tâm công nghiệp lớn như Moscow, Ucraina, Pribantich…

Người hùng năm 1917

Giai cấp tư sản và chính phủ lâm thời của A.F.Kerensky tìm mọi cách để chống lại đội Cận vệ Đỏ. V.I.Lenin lưu ý, lệnh đầu tiên của họ là đè bẹp đội Cận vệ Đỏ, “ngăn chặn không cho đội quân ấy phát triển”. Và không có gì ngạc nhiên khi các tờ báo tư sản Ý chí Nga, Thời đại mới, tờ báo của phe Menshevik Đời sống mới và các tờ báo khác gây ảnh hưởng tới đội Cận vệ Đỏ bằng những lời lẽ ác ý và vu khống, nhằm phá hoại niềm tin vào Liên Xô, để phỉ báng tổ chức chiến đấu của giai cấp vô sản. Đây không phải điều là đáng ngạc nhiên, bởi vì đội Cận vệ Đỏ-những người công nhân được trang bị vũ trang cùng với các chiến sĩ cách mạng và thủy thủ đã trở thành một mối đe dọa thực sự thực sự đối với giai cấp tư sản và chính phủ lâm thời. Nhưng cuối cùng, một nỗ lực ngăn chặn đội Cận vệ Đỏ phát triển của giai cấp tư sản phải nhận thất bại.

Vào những ngày Tháng Mười, các đội Cận vệ Đỏ cùng với sự hỗ trợ tích cực của các chiến sĩ và thủy thủ cách mạng đã tạo nên nguồn sức mạnh nổi bật của cuộc khởi nghĩa vũ trang. Đảng Bolshevik, đứng đầu bởi V.I.Lenin, coi Cận vệ Đỏ là người tiên phong của giai cấp vô sản vũ trang. Trong một cuộc trò chuyện với nhà cách mạng-người của Đảng Bolshevik N.I.Podvoisky, V.I.Lenin nhấn mạnh: "Các nhà lãnh đạo-những người không biết đến các chiến thuật của cuộc chiến đường phố, sẽ tiêu diệt cuộc nổi dậy. Cần phải làm tất cả để đội Cận vệ Đỏ không chỉ trở thành lực lượng chính trị hàng đầu mà còn là lực lượng quân đội hàng đầu quyết định sự thành công của cuộc nổi dậy”.

21 giờ 45 phút ngày 25-10-1917 (theo lịch cũ Julius của Nga), tức 7-11 (theo lịch hiện đại), sau phát bắn hiệu lệnh từ chiến hạm Rạng Đông, các chiến sĩ Cận vệ Đỏ và binh lính đã ồ ạt tiến vào Cung điện Mùa Đông. Cuộc chiến đấu ở đây diễn ra rất ác liệt. Tới rạng sáng ngày 26-10, từ mọi phía của Cung điện đều tràn ngập các chiến sĩ Cận vệ Đỏ và binh lính cách mạng. Hầu hết các quan chức của Chính phủ lâm thời đều bị bắt. V.I.Lenin đã ca ngợi: “Những người hùng của cách mạng là những người Cận vệ Đỏ, đã làm nên một sự kiện lịch sử vĩ đại”.

Sau chiến thắng Cách mạng Tháng Mười, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, các đội Cận vệ Đỏ đã được thành lập trên khắp đất nước. Trong những tháng đầu tiên của chính Xô Viết, đội Cận vệ Đỏ đã tham gia hoạt động tại 2000 điểm như tại các thành phố, các khu định cư của người lao động, những ngôi làng lớn và ga đường sắt trên cả nước.

Với sự tham gia tích cực của Đội Cận vệ Đỏ, bộ máy tư sản đã sụp đổ và một nhà nước Xô viết kiểu mới được tạo ra. Tháng 1-1918, các đội Cận vệ Đỏ đã bắt đầu gia nhập Hồng quân công nông. Tháng 10-1919, các đội Cận vệ Đỏ đóng tại Turkestan là những đội cuối cùng được sáp nhập vào Hồng quân.

Kinh nghiệm chiến đấu của đội Cận vệ Đỏ, kinh nghiệm đào tạo và bồi dưỡng chiến sĩ, việc tổ chức quản lý các đội quân và đơn vị có tầm quan trọng rất lớn đối với việc phát triển các nguyên tắc xây dựng, đào tạo, huấn luyện và nghệ thuật quân sự của Hồng quân.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Những vũ khí làm nên lịch sử

THÙY LINH