Giáo sư Vladimir Kolotov cho rằng, chiến thắng của Cách mạng Tháng Mười Nga đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đập tan các chế độ thực dân và phát triển phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Sau Cách mạng Tháng Mười, lần đầu tiên quyền lợi của người lao động được đặt lên cao. Dưới ảnh hưởng của cuộc cách mạng và chính quyền Xô viết, các nước tư bản buộc phải thực hiện một số cải cách xã hội để nâng cao mức sống của công nhân viên và giảm mức bóc lột. Cho đến nay, lý tưởng cao đẹp đó của Cách mạng Tháng Mười vẫn còn tính thời sự cao.

leftcenterrightdel

Thống đốc thành phố St.Petersburg Geogry Poltavchenko (giữa) và Giáo sư Vladimir Kolotov trao tặng Chủ tịch nước Trần Đại Quang bức tranh “Bác Hồ suy nghĩ về Việt Nam độc lập tại Leningrad” của họa sĩ Tuman Zhumabaev, năm 2017. (Ảnh do Giáo sư Vladimir Kolotov cung cấp).

Theo Giáo sư Kolotov, trước Cách mạng Tháng Mười, phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam vẫn nằm trong bế tắc, không tìm được đường cứu nước. Các phong trào Cần Vương, Đông Du, Việt Nam Quang phục hội đều bị thất bại. Lý giải nguyên do thất bại này, Giáo sư Kolotov cho rằng, hồi đó các nhà yêu nước Việt Nam chưa có “công nghệ chính trị” thích hợp để bắt đầu cuộc đấu tranh kiểu mới nhằm chống lại thực dân Pháp. “Khi Nguyễn Ái Quốc được biết về luận cương của V.I.Lênin và “công nghệ chính trị” mới của Nga thì Người hiểu ngay đây là ánh sáng dẫn đến con đường cứu nước và giải phóng dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm đến nước Nga, đến với học thuyết cách mạng, công nghệ xây dựng Đảng Cộng sản và tổ chức tổng khởi nghĩa giành chính quyền. “Công nghệ chính trị” của nước Nga được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhận, phát triển và áp dụng phù hợp với điều kiện của Việt Nam thời đó”, Giáo sư nhấn mạnh.

Thành phố đầu tiên mà Nguyễn Ái Quốc đặt chân đến nước Nga chính là Petrograd (1923), nơi 6 năm trước diễn ra cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Trong thời gian ở Nga, Nguyễn Ái Quốc tìm cách “Việt Nam hóa” tư tưởng Mác-Lênin, làm cho học thuyết này được phát triển một cách sáng tạo, thích hợp với điều kiện Việt Nam và trên cơ sở này, các thế hệ sau đã phát triển thành tư tưởng Hồ Chí Minh.

100 năm đã trôi qua, nhưng sức sống của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn lan tỏa khắp xứ Bạch dương. Trong các cuộc hội nghị và hội thảo khoa học, các đại biểu vẫn tiếp tục tranh luận sôi nổi về vai trò và ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười. Giáo sư Kolotov cho biết, trong thời gian này, các viện bảo tàng cũng tổ chức triển lãm về Cách mạng Tháng Mười để mọi người có thể tìm hiểu thêm về một sự kiện đã tạo nên bước ngoặt của lịch sử nhân loại. “Rất nhiều đoàn nước ngoài từ các nước tư bản và các nước xã hội chủ nghĩa đến thành phố St.Petersburg để nghiên cứu về nguyên nhân và kết quả của cuộc cách mạng xảy ra 100 năm trước. Đây là một đề tài rất hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu. Tinh thần của Cách mạng Tháng Mười xuất phát từ Petrograd một thế kỷ trước đến nay vẫn tiếp tục sống và phát triển tại nhiều nước trên thế giới. Tôi cho rằng, tư tưởng của cuộc cách mạng này vẫn chưa kết thúc”, Giáo sư Kolotov khẳng định.

PHƯƠNG LINH