Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga đã làm thay đổi số phận của hàng triệu người Nga và của nhiều dân tộc. Một nhà báo Mỹ đã hòa mình vào dòng chảy của Cách mạng Tháng Mười Nga để viết về sự kiện này một cách chân thực và toàn diện, lưu lại cho các thế hệ muôn đời sau một cuốn sách về cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.

Tháng 3-1919, tại Mỹ chính thức phát hành cuốn sách “Mười ngày rung chuyển thế giới” ("Ten Days That Shook the World") của nhà báo Mỹ John Reed (1887-1920), đề cập đến cuộc cách mạng vĩ đại do những người Bolshevik tiến hành ở Nga năm 1917. Điểm độc đáo là lời tựa đầu sách bất hủ này được đích thân lãnh tụ V.I.Lênin chấp bút.

leftcenterrightdel
Nhà báo Mỹ John Reed. Ảnh: wikiwand.com 
leftcenterrightdel

Bìa cuốn sách “Mười ngày rung chuyển thế giới” (bản  tiếng Nga). Ảnh: ogolosha.com 

Sau khi đọc xong bản thảo cuốn “Mười ngày rung chuyển thế giới” của John Reed vào năm 1919, V.I.Lênin đã viết lời tựa gửi Nhà xuất bản Boni & Liveright ở New York: "Với một tinh thần vô cùng hứng thú và chăm chú, tôi đã đọc cuốn sách của John Reed - “Mười ngày rung chuyển thế giới”. Tôi vui mừng được giới thiệu tác phẩm này với công nhân tất cả các nước. Tôi mong muốn cuốn sách được phát hành hàng triệu bản và dịch ra đủ mọi thứ tiếng vì nó rất sinh động khi diễn tả về những sự kiện cực kỳ quan trọng, giúp hiểu thế nào là cách mạng vô sản, thế nào là chuyên chính vô sản. Những vấn đề đó ngày nay đang được thảo luận rộng rãi, nhưng trước khi bác bỏ hoặc chấp nhận những tư tưởng đó, mỗi người cần hiểu hết tầm quan trọng trong quyết định của mình. Chắc chắn cuốn sách của John Reed sẽ làm sáng tỏ thêm vấn đề căn bản này của phong trào công nhân quốc tế".

John Reed đến Nga vào mùa hè năm 1917. Tại đây, ông chứng kiến bước chuyển mình của xã hội Nga, báo trước một cơn bão cách mạng đang tràn đến. Bên cạnh chính quyền của chính phủ lâm thời tư sản, còn có một chính quyền các Xô viết đại biểu công nhân, binh lính và nông dân tồn tại song song. Khi Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra vào ngày 25-10-1917 (theo lịch Nga cũ), tức ngày 7-11-1917, John Reed đã thấy được sức mạnh của giai cấp công nhân, nông dân và binh lính dưới sự dẫn dắt và lãnh đạo của những người Bolshevik. Nhà báo Mỹ John Reed đã đi tận cùng ngõ ngách của những giao tranh, thậm chí đóng giả bị thương để trực tiếp chứng kiến những thời khắc quan trọng. Có thể nói, những ngày sát cánh bên các chiến sĩ Bolshevik và diện kiến Lênin… đã khiến những tư tưởng cộng sản, tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười, về lý tưởng của những người cộng sản, của giai cấp công nhân đứng lên giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp thấm đẫm trong tâm hồn nhà báo người Mỹ John Reed. 

Ông đã thu thập được rất nhiều tài liệu. Năm 1918, John Reed trở về New York và bắt tay vào viết “Mười ngày rung chuyển thế giới”. Cuốn sách diễn giải cặn kẽ nguyên nhân dẫn đến cuộc cách mạng cũng như quá trình diễn ra sự kiện lịch sử này, cho thấy toàn cảnh nước Nga trước, trong và sau cách mạng. John Reed viết trong lời tựa: “…Trong quá trình của cuộc chiến đấu, tôi không phải là kẻ bàng quan. Nhưng kể lại lịch sử những ngày vĩ đại ấy, tôi đã muốn nhận xét sự việc với con mắt của một người ghi chép có lương tâm, cố gắng ghi lại sự thực”. Cuốn sách được xuất bản năm 1919 tại New York, giới thiệu với người đọc góc nhìn của một người ngoại quốc về Cách mạng Tháng Mười Nga.

Sự trân trọng của Lênin đối với cuốn sách này cũng chính là sự trân trọng mà lãnh tụ Bolshevik dành cho tác giả John Reed, nhà báo Mỹ đã sống tại Nga trong những ngày sục sôi của Cách mạng Tháng Mười để có những trang viết rất chân thực, sâu sắc và xúc động về sự kiện này. Chính vì điều đó, sau khi qua đời vào tháng 10-1920, John Reed đã được an táng tại nghĩa trang dưới chân tường Điện Kremlin ở Moscow.

Cuốn sách đã thu hút nhiều thế hệ bạn đọc thế giới và ngày 1-3-1999, “Mười ngày rung chuyển thế giới” của John Reed được Thời báo New York (Mỹ) xếp vào “100 tác phẩm báo chí xuất sắc nhất mọi thời đại”. “Mười ngày rung chuyển thế giới” là một trong những kiệt tác của văn học thế giới và là tác phẩm đầu tiên của văn học thế giới đã công bố trước toàn nhân loại sự thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917.

DƯƠNG LÂM