Lý do tuổi tác càng thôi thúc tôi phải tìm ra vì sao mình yêu Liên Xô, yêu dân tộc Nga đến thế. Tôi đào bới trong ký ức tuổi thơ và cứ thấy kỷ niệm gì dính đến hai chữ Liên Xô, đến nước Nga là xâu chuỗi lại. Khi mớ kỷ niệm ấy vun lại kha khá, tôi nhận ra tình yêu của tôi với nước Nga như những hạt đá đủ màu sắc. Xâu chúng lại thì bất ngờ nó hiện ra như một chuỗi hạt ngọc lóng lánh.

Hạt ngọc đầu tiên về nước Nga hiện lên lúc tôi 6 tuổi. Sau ngày về tiếp quản Thủ đô khoảng nửa năm, bố tôi được phân công phụ trách các rạp chiếu bóng Hà Nội. Ông đón tôi từ quê xuống và tôi bắt đầu đi học lớp 1. Hai cha con tôi sống trong một căn phòng ở tầng 2 Rạp chiếu bóng Kinh Đô, 59 phố Cửa Nam. Sáng đến trường, buổi chiều tôi tha thẩn cùng các cô chú lao công lau dọn vệ sinh rạp để đón khách xem chiếu bóng. Và tôi cũng xem tất cả những bộ phim chiếu ở rạp. Thời ấy, chủ yếu là phim Liên Xô. Những bộ phim nổi tiếng như: Mây đen rời khỏi bầu trờiĐàn sếu bayGiải phóngNgười thứ 41Sông Đông êm đềm... chiếm lĩnh phông hình hằng đêm của hơn chục rạp chiếu bóng Hà Nội. Hình ảnh đất nước và con người Liên Xô len lỏi vào đầu óc tôi từ lúc nào.

leftcenterrightdel
 Phong cảnh êm đềm quyến rũ của nước Nga. Ảnh: Yên Ba 

Quê tôi là một làng thuần nông bên dòng sông Hồng. Người làng tôi nương theo con nước mà có thêm nghề trồng chuối. Năm ấy, bầm tôi trồng được gần 200 gốc. Những buồng chuối dài thượt, nải nọ ấp nải kia đều tăm tắp. Bỗng một hôm trước cửa nhà tôi xuất hiện một chiếc ô tô con, loại xe command car. Từ trong xe chui ra một ông Tây rất bệ vệ, tiếp đến là một chị Tây tóc vàng óng ả. Tôi vẫn nhớ tên chị là Natasha. Thật là một sự kiện chưa từng có với cái làng quê hẻo lánh của tôi. Đi cùng là mấy ông cán bộ xã. Chú phiên dịch giới thiệu họ là cán bộ của Đại sứ quán Liên Xô về quê tôi khảo sát chất lượng chuối để mua xuất sang Liên Xô, gọi là chuối xuất biên. Vườn chuối của bầm tôi đẹp nhất làng Phù nên xã đưa khách đến thăm. Ông Liên Xô đi quanh từng gốc, đánh dấu và đặt mua gần 70 buồng. Xong việc, ông mời mẹ con tôi đứng cạnh chụp một bức ảnh kỷ niệm bên buồng chuối đẹp nhất. Bầm tôi hãnh diện lắm. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời bà được chụp ảnh. Mà lại chụp với một ông Tây hẳn hoi. Vụ bán chuối cho Liên Xô năm ấy được món tiền to, bà mua cho tôi quần áo mới, vở mới.

Hai kỷ niệm với Liên Xô khi tôi còn tuổi ấu thơ tuy rất nhỏ, song nó như những điểm son đầu tiên in trên trang giấy trắng tinh khôi về tình yêu của tôi với đất nước rộng lớn xa xôi ấy.

      Năm tôi mười sáu tuổi thì đất nước đã chìm trong bom đạn. Tôi tình nguyện nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện và học kỹ thuật tại trường kỹ thuật thông tin, đơn vị tôi vào chiến trường. Lúc nhận quân trang, tôi thấy hầu hết mọi vật dụng của bộ đội đều có xuất xứ từ Liên Xô. Khẩu AK với những viên đạn vàng chóe, chiếc bộ đàm 2W, máy quay RAGONO, rồi quần áo, đôi giày, cái cà mèn, xà cột, thậm chí bánh xà phòng 72%... Mấy chữ viết tắt CCCP in trong óc tôi không chỉ như một thương hiệu mà là một thứ gì đó ấm áp tựa sự chở che. Và suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt, những chúng tôi vẫn nhận được sự hỗ trợ của các nước anh em bạn bè. Song nhiều hơn cả, uy lực hơn cả vẫn là hàng viện trợ từ Liên Xô: Xe tăng, pháo binh, ô tô vận tải, tên lửa Cachiusa huyền thoại, máy móc thông tin liên lạc, xăng dầu... Tôi hiểu nhân dân Nga và các nước trong Liên bang Xô viết đã hy sinh to lớn biết nhường nào để giúp đỡ Việt Nam giành độc lập.

Tình cảm với Liên Xô và người dân Nga ngấm vào tôi, định hướng suy nghĩ, hành động của tôi những năm tháng đó. Trước ngày lên đường vào mặt trận, tôi tìm mua bằng được một tập giáo trình học tiếng Nga đem theo để học ngôn ngữ của đất nước vĩ đại và tốt bụng này. Những ngày hành quân ròng rã, đêm đến, tôi lại tranh thủ tự học tiếng Nga. Học theo cách của tôi. Giấy rất hiếm, mỗi sáng trước lúc hành quân, tôi viết vào lòng bàn tay hoặc vỏ bao thuốc lá mấy từ vừa đi vừa đọc. Tôi cứ đeo đẳng học tiếng Nga theo kiểu như vậy suốt mấy năm ở chiến trường.

Sau chiến tranh, gần 30 tuổi, tôi mới có cơ hội thi vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và bắt đầu cuộc đời sinh viên. Tình yêu nước Nga vẫn nguyên vẹn trong lòng. Tôi đăng ký đề tài nghiên cứu văn học Nga - Xô viết và học ngoại ngữ tiếng Nga. Nền văn học Nga - Xô viết chiếm lĩnh vị trí số một trong giáo trình. Những tác phẩm lừng danh của Pushkin, Mayakovsky, Maksim Gorky, Lev Tolstoy, Yesenin... cùng các hình tượng văn học như Pavel Korchagin, Natasha, Anna Karenina... cuốn hút ghê gớm, trở thành tác phẩm gối đầu giường của lớp sinh viên chúng tôi. Cuối khóa học, tôi làm luận án tốt nghiệp: “Tìm hiểu mối quan hệ giữa tính cách và hoàn cảnh trong một số tiểu thuyết Xô viết về đề tài lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Thêm một kỷ niệm nữa neo giữ trong tôi tình yêu Liên Xô và nước Nga.

Sau này tôi đi làm báo, đứng ở trung tâm dòng chảy của các sự kiện, tôi càng thấm thía tình cảm, sự hy sinh, chia sẻ vô tư trong sáng của nhân dân Liên Xô, nhân dân Nga dành cho Việt Nam to lớn tới mức nào. Trong suốt 40 năm, từ những năm 1950 đến 1990, Liên Xô duy trì viện trợ Việt Nam hàng tỷ USD mỗi năm. Sau năm 1991, hình bóng của Liên Xô lẫn trong cơ thể nước Nga. Một nước Nga gặp muôn vàn khó khăn khi Liên bang Xô viết tan rã. Nhưng đứng trước thử thách tưởng như không thể vượt qua, phẩm chất và nền tảng văn hóa lâu đời của dân tộc Nga bộc lộ sáng chói. Nước Nga đi vào ổn định. Và với Việt Nam, nước Nga khôi phục, phát triển quan hệ. Tình hữu nghị, sự hợp tác giữa hai nước, hai dân tộc lại được tăng cường, với “chất” và “lượng” của giai đoạn mới.

NGUYỄN TRỌNG TÂN