* Quân đội huy động hơn 92.000 cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng ứng phó

Trước diễn biến của bão số 16, một cơn bão mạnh lại trái mùa, chiều 24-12, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT) đã tổ chức họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ bàn giải pháp ứng phó. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, lực lượng biên phòng các tỉnh ven biển đã phối hợp với chính quyền địa phương thông báo, kiểm đếm, hướng dân cho 69.120 phương tiện với 343.163 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Các địa phương trong khu vực Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh đã tổ chức sơ tán hơn 13.564 người dân, chằng chống 9.146 ngôi nhà.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đây là cơn bão mạnh, triều cường có thể gây ra thiệt hại lớn nếu chúng ta sơ suất, chủ quan trong công tác chỉ đạo ứng phó. Thủ tướng yêu cầu tất cả người dân và chính quyền các địa phương không được chủ quan, cơ quan thông tin đại chúng cần tăng cường tuyên truyền, thông tin đến người dân về nguy cơ bão đang đổ bộ vào khu vực để chủ động phòng tránh, ứng phó. Đặc biệt, các địa phương có những biện pháp cần thiết di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Huy động lực lượng quân đội, công an, thanh niên tăng cường giúp dân chằng chống nhà cửa để giảm tối đa nguy cơ sụp đổ khi bão vào. Có các phương án bảo đảm an toàn cho các giàn khoan và các nhà giàn. Khẩn trương thu hoạch lúa, hoa màu, thủy sản để giảm thiệt hại. Lực lượng quân đội và các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng cứu khi có yêu cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến ứng phó với bão số 16.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc lại cơn bão Linda năm 1997 làm hơn 3.000 người chết và mất tích. Đây là bài học kinh nghiệm đau xót, do đó các địa phương không được chủ quan, coi thường để ảnh hưởng đến tính mạng của người dân. Thủ tướng yêu cầu các địa phương dừng ngay các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung chỉ đạo công tác ứng phó bão, đặc biệt là các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang, TP Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, Bến Tre… Tất cả tàu, thuyền khi vào bờ, ngư dân phải lên bờ để bảo đảm an toàn. Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục nhắn tin đến các thuê bao điện thoại biết thông tin về cơn bão để chủ động phòng tránh. Nếu cần thiết phải thực hiện việc cưỡng chế những hộ dân, những tàu thuyền cố tình không sơ tán hoặc lên bờ để bảo đảm an toàn.

Thủ tướng cũng đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy, ủy ban nhân dân các cấp, các ngành cần phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất trong công tác ứng phó bão, để giảm thiệt hại ở mức thấp nhất do bão có thể gây ra. Đồng thời các địa phương và các bộ, ngành cần có các phương án cụ thể để khắc phục kịp thời ngay sau bão, bảo đảm không để người dân thiếu đói, bệnh tật do bão. Thủ tướng cũng cử hai đoàn công tác của Chính phủ vào vùng dự kiến bão 16 đổ bộ để chỉ đạo công tác ứng phó.  (NGUYỄN KIỂM)

Bão giật cấp 14, sóng biển cao 8-10m

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương: Hồi 16 giờ ngày 24-12, vị trí tâm bão số 16 (bão Tembin) ở vào khoảng 8,3 độ Vĩ Bắc; 113,1 độ Kinh Đông, cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. Dự báo trong 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (25km/giờ). Đến 16 giờ ngày 25-12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,5 độ Vĩ Bắc; 107,4 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14, sóng biển cao từ 8 đến 10m. Từ trưa hôm nay (25-12), vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo) có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, giật cấp 14. 

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/giờ), khoảng tối và đêm 25-12, bão số 16 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau với sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 13. Đến 4 giờ ngày 26-12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,2 độ Vĩ Bắc; 105,0 độ Kinh Đông, trên đất liền Tây Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 13. Trên đất liền các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đều nguy cơ có gió mạnh cấp 10, giật cấp 13. Trên đất liền các khu vực khác thuộc Nam Bộ có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh... Do ảnh hưởng của bão, ở Nam Bộ có mưa to; từ đêm 25-12, các tỉnh Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to và có khả năng kéo dài 2-3 ngày. (PHÚC THÁI)

Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị phòng, chống bão

Để chủ động phòng, chống bão số 16, ngày 24-12, Bộ Quốc phòng đã có Điện số 15.353/TK gửi Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và các tổng cục: Hậu cần, Kỹ thuật, Công nghiệp Quốc phòng; Bộ tư lệnh Quân khu: 5, 7, 9; Quân chủng: Hải quân, Phòng không-Không quân; Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển; Quân đoàn: 3, 4 và Binh đoàn 18, chỉ đạo các đơn vị triển khai biện pháp ứng phó bão số 16. Theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Cục Cứu hộ-Cứu nạn đã cử hai đoàn công tác vào TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ phối hợp với các địa phương chỉ đạo công tác ứng phó bão. 

Chấp hành điện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, các đơn vị đã sẵn sàng huy động tổng số 92.533 cán bộ, chiến sĩ và 3.524 phương tiện làm nhiệm vụ. (VŨ DÂN)

Triển khai ứng phó bão trên địa bàn Quân khu 9

Bộ Tham mưu Quân khu 9 đã có công điện yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác chuẩn bị để chủ động ứng phó bão số 16. Báo cáo của Bộ CHQS các tỉnh, thành phố cho thấy, đến thời điểm này, các bước chuẩn bị về lực lượng, phương tiện, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật đều đã hoàn tất và sẵn sàng cơ động khi có tình huống xảy ra. Bộ CHQS các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo Ban CHQS cấp huyện phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các phương án di dời dân ở những khu vực xung yếu; kêu gọi các phương tiện hoạt động trên biển vào nơi tránh trú an toàn.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hàm Luông thăm hỏi, động viên ngư dân vào nơi tránh, trú bão. Ảnh: HỒNG BỈNH HIẾU


Thượng tá Nguyễn Văn Quý, Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang cho biết: Tỉnh Tiền Giang có hơn 1.350 phương tiện hoạt động trên biển, hiện phần lớn đã vào nơi tránh trú bão. Bộ CHQS tỉnh đã chuẩn bị lực lượng, sẵn sàng tham gia di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Tại tỉnh Bến Tre, đã có 3.009/3.120 phương tiện hoạt động trên biển vào nơi tránh trú an toàn. “Bộ CHQS tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiến hành kiểm tra, rà soát bổ sung kế hoạch tìm kiếm, cứu nạn trên địa bàn; duy trì nghiêm lực lượng và phương tiện trực sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ”, Thượng tá Mai Văn Chính, Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Bến Tre cho hay.

Thượng tá Phạm Ngọc Thuận, Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS TP Cần Thơ cho biết: Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ CHQS thành phố đang rà soát, nắm tình hình tại các khu vực trọng điểm để chủ động khắc phục sự cố khi nước sông dâng cao gây hiện tượng ngập úng, sạt lở.

Được biết, từ ngày 23-12, Bộ tư lệnh Quân khu 9 đã tăng cường cán bộ đến các tỉnh ven biển nắm tình hình, chỉ đạo công tác ứng phó bão số 16. (HỒNG HIẾU – HOÀNG NHƯỠNG)

Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Định chủ động phòng, chống

Ngày 24-12, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã kiểm tra công tác phòng, chống bão số 16 tại các địa phương ven biển. Theo đó, các huyện, thành phố đã triển khai di dời, sơ tán dân trong vùng nguy hiểm. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các địa phương phải lập bản đồ chỉ huy, bản đồ tác chiến, kẻ vẽ các điểm tập trung dân cư đông người; huy động lực lượng, phương tiện di chuyển dân...

Ông Lê Văn Phong, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết, tính đến 18 giờ ngày 24-12, huyện đã chỉ đạo sơ tán gần 1.800 người dân và 651 khách du lịch đến các trường học, trụ sở cơ quan, khách sạn kiên cố để tránh bão. Ngoài ra, huyện tổ chức vận động, di dời khoảng 5.500 ngư dân từ tàu, thuyền lên đảo và bố trí ngư dân vào nơi tránh bão an toàn...

Trong ngày 24-12, Bộ tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã nâng cấp báo động, duy trì nghiêm ngặt chế độ trực 24/24 giờ; tổ chức chằng, chống kho tàng, nhà xưởng, doanh trại; các cơ quan, đơn vị tổ chức lực lượng cơ động nhanh để ứng phó; đưa tàu, thuyền vào nơi trú tránh an toàn và sẵn sàng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn...

Chiều 24-12, Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1 cho biết: Tiểu đoàn thường xuyên liên lạc với các nhà giàn, từ trưa 24-12, sóng biển có nơi lên tới cấp 7, cấp 8, tầm nhìn hạn chế, gió rất mạnh. Các tàu trực cứu hộ của Vùng 2 Hải quân và của tiểu đoàn đã neo đậu đúng nơi quy định. Bộ đội ở các nhà giàn ổn định tư tưởng, tích cực triển khai phương án ứng phó với bão số 16... (HOÀNG THÀNH)

UBND tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu các địa phương, các cơ quan, đơn vị chủ động theo dõi chặt chẽ tình hình bão, duy trì thông tin liên lạc, thông báo cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu đang hoạt động trên biển về tình hình, diễn biến của bão. Tại các khu vực sạt lở nguy hiểm, các căn nhà yếu, có nguy cơ sụp đổ phải kiên quyết sơ tán nhân dân đến nơi an toàn, không để người ở lại lồng bè nuôi thủy sản vào ban đêm. Các lực lượng chức năng chủ động rà soát lực lượng, phương tiện, vật tư để sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu. (CÔNG NAM)

Triển khai công tác y tế ứng phó với bão

Bộ Y tế đã có Công điện khẩn số 1407/CĐ-BYT gửi sở y tế các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, yêu cầu chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm công tác y tế trong bão, lũ, phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa bão, xây dựng kế hoạch ứng phó, kịp thời khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra; phát huy phương châm bốn tại chỗ, đối phó kịp thời, chính xác, hạn chế thấp nhất thiệt hại; sở y tế các tỉnh, thành phố chủ động sẵn sàng về nguồn nhân lực, vật tư cơ số thuốc, hóa chất, tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân. Các đội cấp cứu cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới... (THU HƯƠNG)

Lên kế hoạch phân luồng giao thông nếu có ách tắc

Ngày 24-12, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có công điện khẩn yêu cầu các cơ quan liên quan của ngành GTVT khẩn trương tập trung ứng phó bão số 16. Công điện yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các cục quản lý đường bộ lên kế hoạch phân luồng, phân tuyến khi có ách tắc giao thông. Chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng để khắc phục, bảo đảm giao thông trên các tuyến quốc lộ và quốc lộ ủy thác. Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các cảng vụ hàng hải nắm chắc số lượng tàu, thuyền, phương tiện vận tải thủy đang neo đậu tại vùng neo đậu, các cửa sông, cửa biển, vùng nước quanh các đảo, luồng lạch và hướng dẫn tàu, thuyền vào khu neo đậu an toàn. Các đơn vị hàng không bảo đảm công tác bay an toàn trong mọi tình huống và có biện pháp bảo vệ các công trình nhà ga, phương tiện vận tải… (ĐỖ HƯNG)